Ngành công nghiệp khẩu trang tai tiếng của Trung Quốc
Chi phí chỉ 0,2 nhân dân tệ nhưng bán ra 4 nhân dân tệ mỗi chiếc là lý do nhiều công ty không chuyên nhảy vào làm khẩu trang.
Tháng 2/2020, khi Trung Quốc chìm trong Covid-19, một nhà máy sản xuất vớ (tất) ở Chiết Giang đã nhìn thấy cơ hội của mình. Ông chủ nhà máy, một doanh nhân người Gia Hưng, quyết định sẽ sản xuất khẩu trang y tế. Tuy nhiên, khi cố gắng tìm mua thiết bị sản xuất chuyên dụng, ông phát hiện ra rất nhiều người có cùng ý định.
"Có quá nhiều người muốn mua", vị doanh nhân từ chối nêu tên, đề cập đến các dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế. Không bỏ cuộc, ông đặt mua một chiếc máy khác, vốn không được thiết kế để sản xuất khẩu trang nhưng yêu cầu nhà cung cấp điều chỉnh lại. Công ty ông đợi một tháng và nhận máy về vào cuối tháng 3/2020.
"Giờ chỉ có một máy, công ty chúng tôi chỉ có thể sản xuất 40.000 đến 50.000 khẩu trang mỗi ngày. Nhưng tôi sợ đầu tư nhiều hơn vì thị trường bây giờ thật hỗn loạn", ông nói.
Sản xuất khẩu trang là một ngành công nghiệp đang bùng nổ ở Trung Quốc, khi các nước trên thế giới tranh giành nguồn cung cấp thiết bị bảo vệ cá nhân cho nhân viên y tế, những người đang phải điều trị cho lượng người nhiễm Covid-19 gia tăng. Ngoài ra, WHO cũng đã đảo ngược khuyến nghị trước đó. Giờ đây, tổ chức này ủng hộ các sáng kiến của những chính phủ, bao gồm yêu cầu hoặc khuyến khích người dân đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, việc vội vàng đổ vốn vào ngành này đã bộc lộ những vấn đề về chất lượng sản phẩm cho nhà nhập khẩu lẫn xuất khẩu. Trung Quốc hiện là nhà sản xuất và xuất khẩu khẩu trang dành cho các mục đích bảo vệ y tế, chống ô nhiễm và bảo vệ công nghiệp, lớn nhất thế giới. Forward Industry Research Institute, một công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường lớn của Trung Quốc tại Thâm Quyến, cho biết nước này có khoảng 20.000 nhà sản xuất và nhà phân phối khẩu trang, chiếm khoảng một nửa tổng sản lượng của thế giới.
Đây là một ngành công nghiệp sinh lợi hấp dẫn. Tờ People’s Daily dẫn thông tin từ một công ty trong ngành cho biết, một tấn vải không dệt có thể sản xuất một triệu chiếc khẩu trang y tế. Với mỗi tấn vải được mua với giá khoảng 20.000 nhân dân tệ (2.840 USD), một chiếc khẩu trang sẽ chỉ có giá 0,2 nhân dân tệ. Ngay cả khi cộng phí nhân công và hậu cần, công ty vẫn kiếm lợi nhuận tốt. Một chiếc khẩu trang y tế hiện được bán ở Bắc Kinh với giá 4 nhân dân tệ và ở Thượng Hải là 3 nhân dân tệ.
Đó là lý do hàng loạt công ty Trung Quốc, vốn sản xuất băng gạc vết thương, dệt hay thậm chí là thiết bị chiếu sáng cũng nhảy vào làm khẩu trang. Nhưng cơn lũ đầu tư vào ngành công nghiệp khẩu trang y tế cũng tạo ra vấn đề về chất lượng. Hầu hết nhà sản xuất không nhận được chứng nhận chất lượng để xuất khẩu của EU và Mỹ.
Tại Gia Hưng, nhà sản xuất vớ cho biết còn sản xuất khẩu trang KN95, một khẩu trang tiêu chuẩn Trung Quốc gần với N95. KN95 cũng lọc 95% các loại hạt trong môi trường không khí nhưng không được phân loại vào thiết bị y tế và việc sản xuất chúng không bắt buộc phải đáp ứng các quy định sản xuất thiết bị y tế. Vị doanh nhân này cho biết ông chọn sản xuất KN95 vì yêu cầu về phòng sạch trong sản xuất ít nghiêm ngặt hơn.
Cục Quản lý Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc cho biết, khẩu trang y tế phải được sản xuất trong môi trường không có bụi và vi khuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn phòng sạch Class 100.000. Trong khi đó, loại khẩu trang KN95 PPE không phục vụ y tế có thể được sản xuất trong phòng sạch tiêu chuẩn thấp hơn. Thậm chí, theo Hiệp hội Thiết bị Y tế Trung Quốc, khẩu trang KN95 cũng có thể không bảo vệ chống lại các giọt bắn trong không khí, vốn là đường lây của Covid-19.
Chỉ có khoảng 1.500 công ty ở Trung Quốc đủ điều kiện sản xuất khẩu trang y tế đạt tiêu chuẩn do Cơ quan quản lý sản phẩm y tế quốc gia quy định. Các nhà sản xuất đáp ứng tối thiểu 3 yêu cầu: vải nguyên liệu đạt chất lượng, đáp ứng khử trùng thiết bị sản xuất và phòng sạch theo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, những người trong ngành thừa nhận, nhiều đơn vị có thiết bị mới nhưng vải họ dùng không đạt chuẩn.
"Các công ty đã từng sản xuất bóng đèn đã thực hiện một số cải tiến nhanh chóng cho xưởng của họ và bắt đầu làm khẩu trang. Bạn có nghĩ rằng chất lượng được đảm bảo?", một nhà xuất khẩu chiếu sáng có trụ sở tại Hàng Châu đặt vấn đề.
Một trong nhiều vụ lùm xùm bị tố chất lượng sản phẩm gần đây là việc Hà Lan cho thu hồi 600.000 khẩu trang KN95 mua từ Trung Quốc. Bộ Y tế Hà Lan nói rằng chúng không vừa vặn và các bộ lọc không hoạt động, theo phản hồi từ nhân viên bệnh viện đã dùng sản phẩm.
Đáp lại, Trung Quốc giải thích rằng có sự nhầm lẫn về khẩu trang N95 và KN95. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh cho biết nhà sản xuất Trung Quốc đã lưu ý với đại lý tại Hà Lan trước rằng đây không phải là khẩu trang dùng trong y tế. Tuy nhiên, bà cũng không giải thích được tại sao bộ lọc không hoạt động, ngay cả khi theo tiêu chuẩn chất lượng thông thường của Trung Quốc chứ không phải loại dùng trong y tế.
Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát chất lượng sản phẩm y tế của mình. Hôm 10/4, Hải quan nước này cho biết 11 mặt hàng y tế, bao gồm khẩu trang, bộ dụng cụ xét nghiệm và độ bảo hộ, sẽ phải qua kiểm tra trước khi xuất khẩu để tăng cường kiểm soát chất lượng.
Bắc Kinh cũng yêu cầu các nhà sản xuất khẩu trang y tế, bộ dụng cụ xét nghiệm và các thiết bị y tế khác để xuất khẩu phải có giấy phép bán sản phẩm của họ tại Trung Quốc từ ngày 31/3, bất kể chúng đã được chứng nhận bán ở châu Âu hay Mỹ.
Những biện pháp này cũng được đưa ra để kiềm chế các hành vi gian lận của một số nhà xuất khẩu Trung Quốc, những người giả mạo các chứng nhận để có thể bán khẩu trang. SCMP cho hay, đã có báo cáo về nhãn CE, một chứng nhận cho các sản phẩm được bán tại EU, xuất hiện trên sản phẩm của những nhà sản xuất không đạt chuẩn.
"Đã có các vấn đề xuất hiện trong kiểm định chất lượng một số sản phẩm xuất khẩu. Cục quản lý thị trường đang giám sát các cơ quan kiểm định và sẽ xử lý các trường hợp bất hợp pháp", ông Liu Weijun, người đứng đầu bộ phận quản lý chứng nhận của cục này cho biết, năm ngoái, cục đã điều tra 87 đơn vị cấp chứng nhận vi phạm các quy định, chiếm 15% tổng đơn vị trong ngành. Kết quả, 5 đơn vị đã bị tước giấy phép hoạt động.
Theo công ty chuyên cấp chứng nhận đa quốc gia SGS, một trong những lý kho khiến các công ty Trung Quốc gian lận chứng nhận là vấn đề chi phí và thời gian.Ví dụ, một cuộc thẩm định đủ điều kiện đạt điểm CE cho các thiết bị y tế tốn ít nhất 70.000 euro (76.500 USD Mỹ) và mất từ 5 đến 8 tháng.
Một nhân viên bán hàng cho chi nhánh tại Trung Quốc của SGS cho biết đã nhận được nhiều đề nghị hơn từ các nhà sản xuất khẩu trang về việc xin chứng nhận EU trong vòng hai tháng qua. Tức là, các công ty này vốn mới trong giai đoạn đầu của quá trình thẩm định cấp CE.
Điều này cũng có nghĩa, chỉ một nhóm nhỏ các nhà sản xuất thiết bị y tế tại Trung Quốc có chứng nhận hợp pháp để xuất khẩu. Và họ đang bị ngập trong đơn đặt hàng. Selen Science and Technology, một công ty niêm yết tại Thâm Quyến, là một trong những nhà sản xuất khẩu trang lớn nhất đạt chứng nhận của EU và Mỹ.
Dây chuyền của họ tại Tô Châu đã vận hành liên tục suốt từ tháng 1/2020 để đáp ứng nhu cầu trong nước. Từ tháng 3, công ty mở thêm một dây chuyền và nâng cấp công suất tất cả nhà máy. "Đơn đặt hàng từ nước ngoài tăng. Một số nhà máy của chúng tôi đang làm việc 3 ca một ngày", người phát ngôn của Selen cho biết.