Ngành điện chủ động minh bạch hóa thông tin
Theo Báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, dịch vụ cung cấp điện đứng thứ 2 trong chỉ số cơ sở hạ tầng. Nguyên nhân nào giúp dịch vụ kinh doanh điện năng được cải thiện trong thời gian qua? Sự đổi mới tích cực này liệu có kéo dài? - Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Quốc Dũng đã trao đổi về vấn đề này.
Phóng viên: Trong những năm qua, vẫn còn rất nhiều nghi ngại về dịch vụ cung cấp điện năng, từ việc khó tiếp xúc thông tin đến sự nhũng nhiễu, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Để tiếp tục cải cách quy trình cung cấp các dịch vụ điện đến khách hàng, ngày 15/5/2017, EVN đã ban hành Quyết định 505 - Quy định về cung cấp các dịch vụ điện trong EVN.
Điểm nổi bật của Quyết định này là EVN hướng tới mục tiêu minh bạch thông tin, đưa ra các cam kết của EVN về cung cấp dịch vụ điện cho khách hàng. Đó là đáp ứng mọi yêu cầu cung cấp dịch vụ điện hợp pháp, đúng chất lượng công bố, đúng nội dung và thời gian yêu cầu.
Thực hiện theo “cơ chế 1 cửa” từ khi tiếp nhận đến kết thúc dịch vụ, khách hàng đến địa điểm giao dịch không quá 1 lần. Đơn giản, thuận tiện, công khai, tăng cường khả năng kiểm tra, giám sát của người dân và khách hàng. Minh bạch thông hóa tin là nhiệm vụ sống còn của ngành điện.
Tuy nhiên nhiều khách hàng vẫn lo ngại “cơ chế 1 cửa” nhưng “nhiều ngách” thưa ông?
Khách hàng nhìn vào thực tế hành động của EVN sẽ thấy trước hết là việc công bố thông tin trên website và 5 Trung tâm Chăm sóc khách hàng (CSKH) của các tổng công ty điện lực, qua đường dây nóng 24/24h.
Việc triển khai đăng ký dịch vụ online chính là xóa bỏ cơ chế xin cho, nhũng nhiễu. Hoạt động này cũng thể hiện sự tiến bộ về công nghệ trong công tác dịch vụ khách hàng của EVN.
Người dân có thể đăng ký online mọi dịch vụ cấp điện: Gọi điện đến Trung tâm Chăm sóc khách hàng, đăng ký trên website. Thông tin minh bạch, đăng ký dịch vụ trực tuyến là những yếu tố nền tảng tạo niềm tin với khách hàng về việc thực hiện “cơ chế 1 cửa” của EVN.
Đặc biệt, với trên 900 phòng giao dịch khách hàng, 5 Trung tâm Chăm sóc khách hàng thì việc bảo đảm thuận tiện cho khách hàng đã được EVN cải thiện đáng kể, đáp ứng các nhu cầu dịch vụ về điện trên toàn quốc.
Với những cam kết mạnh mẽ của mình, EVN đã xác định công tác dịch vụ khách hàng là khâu then chốt, quyết định việc phát triển theo hướng bền vững của EVN. Mục tiêu công tác dịch vụ kinh doanh điện của Việt Nam đứng hàng đầu khu vực ASEAN đã không còn xa vời.
Tuy nhiên, người dân muốn biết rõ hơn những chuyển biến của ngành điện, thưa ông?
Thời gian qua, EVN đã có những cải thiện đáng chú ý. Cụ thể, thời gian giải quyết các thủ tục liên quan giảm từ 11 ngày năm 2015 xuống còn 9 ngày năm 2016. Năm 2017 phấn đấu giảm còn 7 ngày.
Giảm thủ tục và thời gian cấp điện cho khách hàng trung áp còn 7 ngày; khách hàng hạ áp còn 3 ngày. Triển khai đăng ký online đối với thủ tục cấp điện mới; triển khai dịch vụ cung cấp điện năng quan 1 cửa, giảm thiểu các thủ tục cấp điện mới.
Nổi bật là năm 2015, EVN đã triển khai chương trình Quản lý cấp điện cho khách hàng trung áp bao gồm các tính năng cho phép quản lý, theo dõi, giám sát quá trình cấp điện cho khách hàng có nhu cầu mua điện từ lưới điện trung áp qua trạm biến áp chuyên dùng và đầu tư xây dựng đường dây, trạm biến áp trung áp.
Khách hàng có thể theo dõi trực tiếp tiến độ, các khâu liên quan đến thủ tục qua website các tổng công ty và website chăm sóc khách hàng.
Từ trước đến nay, việc theo dõi chỉ số tiêu thụ điện đã gây ra nhiều tranh cãi, tạo ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh ngành điện.
Tuy nhiên, EVN đã triển khai phần mềm quản lý trực tuyến việc ghi chỉ số công tơ, khách hàng theo dõi trực tiếp chỉ số hàng tháng trên các phần mềm được cài đặt trên điện thoại của 5 tổng công ty.
Việc ghi chỉ số công tơ gần như đã giảm thiểu sự can thiệp của con người thông qua phần mềm ghi chỉ số và tính toán số điện CMIS qua EVN.
Xin cảm ơn ông!