Ngành Dự trữ Quốc gia: Nỗ lực chặng nước rút

Hồng Sâm

(Tài chính) Nhiệm vụ của năm 2014, ngành Dự trữ Quốc gia (DTQG) đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên, TS. Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) cho rằng: Nhiệm vụ còn lại của những ngày cuối năm là rất nặng, chặng “nước rút” có tính quyết định đến việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của năm nay và sẽ tạo đà cho năm tới, do đó, ngành DTQG triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tính khả thi để tập trung thực hiện thắng lợi nhiệm vụ còn lại trong những ngày cuối năm 2014.

Kịp thời xuất cấp hàng DTQG

Ngành Dự trữ Quốc gia: Nỗ lực chặng nước rút - Ảnh 1

Hiện các đơn vị thuộc Tổng cục DTNN đang quyết liệt tập trung thực hiện thắng lợi nhiệm vụ còn lại trong những ngày cuối năm 2014. Phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch dự toán được giao trong năm 2014; kịp thời trình cấp có thẩm quyền cấp bù vốn để mua hàng bảo đảm nguồn lực DTQG.

TS. Phạm Phan Dũng - Tổng cục Trưởng Tổng cục DTNN

Từ đầu năm 2014 đến nay, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ xuất cấp hàng DTQG với tổng giá trị khoảng 1.345 tỷ đồng cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu đói, hỗ trợ học sinh, hỗ trợ công tác trồng rừng, đảm bảo nhiệm vụ an ninh, quốc phòng và thực hiện nhiệm vụ quan hệ quốc tế, bao gồm: (1) Lương thực 102.585 tấn gạo, trị giá khoảng 975 tỷ đồng do Tổng cục DTNN, Bộ Tài chính xuất (trong đó để cứu trợ cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và cứu đói giáp hạt là 27.236 tấn; hỗ trợ cho học sinh các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là 65.516 tấn; hỗ trợ thực hiện Dự án trồng rừng: 4.397 tấn;  hỗ trợ dân di cư tự do từ do Campuchia về Việt Nam: 436 tấn và xuất viện trợ cho Cu Ba: 5.000 tấn).

Vật tư, thiết bị trị giá khoảng trên 350 tỷ đồng, trong đó: Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN), xuất cấp trên 50 tỷ đồng gồm 04 bộ xuồng DT4, 200 bộ máy bơm chữa cháy phục vu kịp thời cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và công tác phòng cháy chữa cháy; Bộ Công an xuất cấp trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn, trị giá khoảng 168 tỷ đồng; Bộ Quốc phòng xuất cấp thiết bị đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng, trị giá trên 80 tỷ đồng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất 191.825 liều vắc xin các loại; 161.000 lít thuốc sát trùng, hóa chất sát trùng các loại, 505 tấn hóa chất Chlorine, 31,6 tấn hạt giống lúa và giống ngô cho phòng, dập dịch cho người gia súc, gia cầm tổng trị giá khoảng trên 50 tỷ đồng; Bộ Y tế xuất 42 chiếc máy để phòng chống dịch bệnh, trị giá trên 13 tỷ đồng và Bộ Công Thương xuất 13,6 tấn hạt giống bông, trị giá trên 2,5 tỷ đồng.

Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng cho biết, tất cả các mặt hàng đã xuất cấp đầy đủ về số lượng bảo đảm chất lượng, được vận chuyển kịp thời đến các địa phương, đơn vị và được phân phối đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích.

Tuy nhiên, để thực hiện quản lý tốt hơn, công khai hơn, minh bạch hơn trong quản lý sử dụng nguồn lực DTQG, Tổng cục DTNN đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn nhập, xuất, mua, bán hàng DTQG; Xây dựng đề án đổi mới phương thức quản lý xăng, dầu DTQG để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

"Để hiện đại hóa hoạt động DTQG và nâng cao tính chủ động, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã phê duyệt quy hoạch chi tiết trụ sở hệ thống trụ sở làm việc của các đơn vị thuộc Tổng cục và chỉ đạo Tổng cục DTNN trình Bộ Tài chính ban hành thông tư thực hiện nhiệm vụ mua, bán hàng DTQG phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu và một số đề án khác như cơ chế tài chính của Tổng cục DTNN…", TS.Phạm Phan Dũng thông tin thêm.

Đẩy nhanh tiến độ “nước rút” chặng cuối năm

Mặc dù kết quả đạt được là rất đáng khích lệ, song Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng cho rằng, nhiệm vụ còn lại của những ngày cuối năm rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn thể công chức, viên chức và bằng nhiều giải pháp khả thi mới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch 2014. Đó là, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch dự toán được giao trong năm 2014; kịp thời trình cấp có thẩm quyền cấp bù vốn để mua hàng bảo đảm nguồn lực DTQG.

Trong khi nguồn kinh phí để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chưa được bổ sung kịp thời, Tổng cục DTNN sẽ chủ động bố trí nguồn kinh phí để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao và đột xuất phát sinh. Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan như Văn phòng chính phủ, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn để trình Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn từ nguồn DTQG cấp cho ngư dân của 28 tỉnh, thành phố ven biển.

Trong công tác bảo quản hàng DTQG, bên cạnh việc tằng cường kiểm tra hoạt động bảo quản thường xuyên của các đơn vị trong và ngoài Tổng cục, Tổng cục DTNN đang khẩn trương đánh giá công nghệ bảo quản mới, kiểm tra chất lượng thóc bảo quản tại một số kho thử nghiệm Mông Hóa, Hòa Khương để sớm báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt công nghệ bảo quản mới đế áp dụng.

Việc rà soát lại tiến độ xây dựng các đề án, văn bản quy phạm pháp luật năm 2014, các quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với các mặt hàng DTQG; chuẩn bị cho việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các mặt hàng DTQG thuộc chỉ tiêu kế hoạch năm 2015;  Đồng thời, chủ động xin ý kiến tham gia của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan về các loại định mức kinh tế kỹ thuật như: chi phí bảo quản lương thực, vật tư, thiết bị DTQG tại cửa kho DTNN do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý. “Có thể nói rằng, việc hoàn thiện cơ chế chính sách không chỉ tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014 mà sẽ tạo tiền đề tốt để thực hiện nhiệm vụ của năm 2015 và các năm tiếp theo”, Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng chia sẻ.