Ngành Hải quan: Chủ động, đa dạng hình thức tuyên truyền pháp luật
Thời gian qua, ngành Hải quan đã chủ động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) đến người khai hải quan (NKHQ), người nộp thuế (NNT) bằng nhiều hình thức cụ thể. Qua đó, giúp cộng đồng DN, NKHQ, NNT nắm bắt nhanh, kịp thời các quy định mới về pháp luật hải quan cũng như nâng cao nhận thức trong chấp hành pháp luật của Nhà nước.
Tiếp nhận và giải quyết 11.439 lượt yêu cầu cung cấp thông tin
Theo đại diện Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan, xác định TTPBGDPL trong lĩnh vực hải quan là công tác trọng tâm, có thể triển khai bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau như: Tổ chức hội nghị tập huấn, hội nghị đối thoại, hướng dẫn, giải đáp trực tiếp hoặc thông qua văn bản, điện thoại, Cổng thông tin điện tử, qua Báo Hải quan, hướng dẫn trực tiếp thông qua giải quyết, thực hiện TTHC... Từ đó, cơ quan Hải quan đã chuyển tải, phổ biến, hướng dẫn cho DN, NKHQ, NNT nhiều quy định cụ thể của pháp luật trong lĩnh vực hải quan và lĩnh vực có liên quan.
Năm 2016, cơ quan Hải quan tiếp tục tuyên truyền các quy định của Luật Hải quan 2014, các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là các văn bản mới ban hành trong năm 2016; tuyên truyền quy định mới của Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi) và Nghị định hướng dẫn thi hành; tuyên truyền cho cộng đồng DN về những kết quả, nỗ lực của ngành Hải quan trong cải cách TTHC mà trọng tâm là nỗ lực đơn giản hóa TTHC, thực hiện khai hải quan điện tử, thu thuế điện tử, triển khai địa điểm kiểm tra tập trung, Cổng thông tin một cửa quốc gia….
Thống kê từ Vụ Pháp chế cho thấy, năm 2016, toàn Ngành đã tiếp nhận và giải quyết 11.439 lượt yêu cầu cung cấp thông tin pháp luật hải quan của NKHQ, NNT tại trụ sở cơ quan Hải quan.
Các đơn vị Hải quan trong toàn ngành cũng đã tiếp nhận, giải quyết 30.004 lượt điện thoại đề nghị được hướng dẫn, hỗ trợ, cung cấp thông tin pháp luật hải quan của NKHQ, NNT, DN; tiếp nhận và giải quyết 2.629 trường hợp đề nghị được hướng dẫn, giải đáp bằng văn bản; tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp tại trụ sở của NKHQ, NNT được 110 trường hợp, bảo đảm theo đúng quy trình.
Toàn Ngành đã tổ chức 90 hội nghị, hội thảo tập huấn cho NKHQ, NNT, DN; tổ chức 94 cuộc đối thoại định kỳ với NKHQ, NNT; đăng tải trên các trang thông tin điện tử 5.196 lượt văn bản quy phạm pháp luật; giải đáp 909 vướng mắc của DN phản ánh qua website; chuyển cấp có thẩm quyền giải quyết 39 vướng mắc vượt thẩm quyền; tổ chức 2.018 cuộc điều tra khảo sát, phát phiếu điều tra, khảo sát nhu cầu tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin của NKHQ, NNT;
Chủ động hoặc phối hợp thực hiện 12.353 tin, bài; phối hợp thực hiện 388 phóng sự truyền hình; biên tập, in ấn, phát hành 9.297 tờ rơi, tờ gấp pháp luật hải quan. Thống kê cho thấy có trên 3.500 tin, bài viết về ngành Hải quan được các loại hình báo chí đăng tải, phản ánh, trong đó cơ quan Hải quan đã phối hợp, chủ động cung cấp thông tin.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật Hải quan 2014 và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành; Luật Thuế XK, NK (sửa đổi) và Nghị định hướng dẫn thi hành. Tiếp tục phổ biến, quán triệt, tập huấn về Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020; Hệ thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS; Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN. Tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2016 trong toàn Ngành.
Đa dạng hình thức, nội dung
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, thời gian qua các đơn vị Hải quan đã chú trọng công tác TTPBGDPL, chủ yếu tổ chức kiểm tra lồng ghép với các hoạt động nghiệp vụ khác. Hình thức tuyên truyền được tiến hành phong phú, phù hợp với đối tượng được tuyên truyền. Qua đó CBCC trong Ngành nắm vững pháp luật hải quan và pháp luật có liên quan, triển khai, giải quyết tốt các công việc được giao và giải quyết thủ tục cho người dân, DN được chính xác, hiệu quả.
Về phía DN, NKHQ ngày càng có nhiều cơ hội được tiếp cận, hướng dẫn, giải đáp pháp luật hải quan, do đó đã cơ bản chấp hành thực hiện tốt quy định của pháp luật, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan, cán bộ Hải quan trong việc thực hiện các thủ tục có liên quan. Cũng nhờ đó mà các khiếu kiện, kiến nghị, tố cáo, phản ánh về hoạt động của cán bộ, cơ quan Hải quan ngày càng giảm.
Tuy nhiên, đại diện Vụ Pháp chế cho rằng, ở một số đơn vị trong Ngành có lúc, có nơi chưa thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật thường xuyên, thiếu kịp thời. Việc triển khai, thực hiện còn thiếu tính chủ động, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, đặc biệt là việc tuyên truyền pháp luật theo nội dung chuyên đề, mang tính chuyên sâu.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả còn chưa cao là do hệ thống văn bản, quy định, cơ chế chính sách hiện hành được ban hành trong thời gian qua với số lượng lớn, nhiều thay đổi cũng ảnh hưởng nhất định đến công tác tuyên truyền của Ngành.
Sự chủ động tìm hiểu pháp luật hải quan, tham gia các đợt tuyên truyền pháp luật do cơ quan Hải quan các cấp thực hiện của một bộ phận DN, NKHQ còn hạn chế. Cán bộ đủ trình độ, năng lực, chưa được đào tạo đầy đủ có hệ thống, mang tính chất bài bản, đặc biệt là về kỹ năng tuyên truyền. Cán bộ, công chức phải luân chuyển, thay đổi cũng ảnh hưởng đến sự ổn định, tính chuyên sâu của công việc.
Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục hạn chế còn tồn tại, theo Tổng cục Hải quan, các đơn vị cần nâng cao nhận thức của CBCC, viên chức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác TTPBGDPL, về kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện; khuyến khích NKHQ, NNT, DN chủ động tìm hiểu pháp luật hải quan.
Đồng thời, tiếp tục tập trung tuyên truyền Luật Hải quan năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Luật Thuế XK, NK (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành; các Luật mới được Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV thông qua; tuyên truyền về kết quả cải cách hành chính, thủ tục hành chính của ngành Hải quan.
Tăng cường kiểm tra việc triển khai công tác TTPBGDPL của các cấp Hải quan, nhất là ở cấp Chi cục và tương đương, trong đó việc kiểm tra phải bám theo kế hoạch từ đầu năm, chú trọng kiểm tra lồng ghép với kiểm tra các hoạt động nghiệp vụ khác để đảm bảo tiết kiệm, kiểm tra trách nhiệm, vai trò của thủ trưởng các đơn vị Hải quan đối với công tác TTPBGDPL. Nghiên cứu đổi mới phương pháp, hình thức, biện pháp TTPBGDPL đảm bảo tính đa dạng, phong phú, thiết thực, lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể…
Năm 2017, Tổng cục Hải quan sẽ tham mưu cho Bộ Tài chính cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan có liên quan đến hoạt động của DN để đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ. Thực hiện biên soạn tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật trong lĩnh vực hải quan có liên quan đến hoạt động của DN, trình Bộ duyệt, làm cơ sở để TTPBGDPL cho DN.
Tiếp nhận, tổng hợp kiến nghị của DN liên quan đến các quy định pháp luật trong lĩnh vực hải quan để đề xuất Bộ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền hoặc để Bộ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật…