Lạng Sơn: Quản lý chặt hàng tạm nhập tái xuất
Vài năm trở lại đây, tỉnh Lạng Sơn nổi lên là một trong số địa phương biên giới phía Bắc có hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất (TNTX) khá nhộn nhịp qua các cửa khẩu phụ, lối mở. Loại hình kinh doanh này đang tiềm ẩn nhiều phức tạp, do đó, để quản lý chặt, Hải quan Lạng Sơn đã thường xuyên và liên tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ.
Theo thống kê đến 17-11, Cục Hải quan Lạng Sơn thu ngân sách đạt 3.838,5 tỷ đồng, bằng 59% so với chỉ tiêu được giao. Trong đó, kim ngạch hàng hóa TNTX từ đầu năm đến hết tháng 10 đạt hơn 500 triệu USD.
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, Lạng Sơn là 1 trong 3 tỉnh phía Bắc (cùng với Cao Bằng, Quảng Ninh) có kim ngạch TNTX lớn. Các mặt hàng chủ yếu là thực phẩm đông lạnh, quả khô, tinh bột khoai tây, đường trắng tinh luyện, rượu, thuốc lá, giấy cuốn thuốc lá…
Công tác quản lý, giám sát hàng hóa kinh doanh TNTX của đơn vị được thực hiện đảm bảo theo quy định của pháp luật, quy trình của ngành, vừa tạo thuận lợi cho cộng đồng DN vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, không để xảy ra các trường hợp vi phạm, nhất là thẩm lậu vào nội địa. Tại Lạng Sơn, việc quản lý hàng kinh doanh TNTX chủ yếu là thực hiện giám sát thực xuất đối với hàng hóa tạm nhập được mở tờ khai (tờ khai TN và tờ khai TX) tại một số đơn vị Hải quan phía Bắc.
Theo quy định hiện hành, các DN được quyền kinh doanh TNTX mà không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh, không yêu cầu giấy phép của Bộ Công Thương, ngoại trừ hàng hóa thuộc diện cấm XK, tạm ngừng XK, cấm NK, tạm ngừng NK, hàng hóa kinh doanh có điều kiện, hàng hóa XNK theo giấy phép phải có giấy phép TNTX của Bộ Công Thương. Do vậy, theo thống kê của UBND Lạng Sơn, thời gian qua lượng hàng hóa thực hiện TNTX qua địa bàn tăng.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, thời gian qua, hàng hóa thực hiện theo loại hình TNTX qua địa bàn chủ yếu là hàng hóa TX qua nước thứ ba. Việc giám sát chặt hàng hóa TNTX đã góp phần hạn chế việc TN các mặt hàng cấm, mặt hàng tạm dừng kinh doanh TNTX, mặt hàng đã qua sử dụng...
Theo quy định của Bộ Công Thương, hàng hóa TNTX phải được sự giám sát của lực lượng Hải quan cho đến khi hàng hóa đó thực xuất ra nước ngoài. Như vậy, sau khi hàng hóa làm thủ tục TN vào Việt Nam, trách nhiệm của ngành Hải quan là phải thực hiện giám sát cho đến khi hàng hóa được TX. Hiện Hải quan Lạng Sơn đang quản lý hoạt động kinh doanh TNTX về cơ bản tương tự như đối với các loại hình XNK thương mại khác.
Theo đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn, việc giám sát của cơ quan Hải quan được thực hiện theo các phương thức đã được quy định tại các văn bản pháp luật gồm: Giám sát trực tiếp của công chức Hải quan; giám sát bằng các phương thức kỹ thuật khác (mô tả chi tiết, chụp ảnh…).
Trên thực tế, Hải quan Lạng Sơn áp dụng biện pháp giám sát trực tiếp. Biện pháp này sẽ giúp công tác giám sát được chặt chẽ hơn, không bỏ sót, bỏ lọt các trường hợp DN vi phạm quy định về hàng hóa TNTX.
Cụ thể, Cục đã yêu cầu các đơn vị cửa khẩu tiến hành phân loại, đánh giá, xác định tình trạng cụ thể từng lô hàng như: Tên hàng, chủ hàng, vị trí container, xác định được các tờ khai đã quá hạn nhưng chưa thanh khoản, từ đó có biện pháp đôn đốc, xử lý kịp thời.
Đồng thời, tổ chức lực lượng, trang thiết bị để kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hàng hóa TNTX qua cửa khẩu, đường mòn lối mở trong địa bàn, đại điện Cục Hải quan Lạng Sơn nhấn mạnh.
Trong thời gian qua, nhằm đẩy mạnh phát triển thương mại biên giới, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng, đơn vị chức năng tại cửa khẩu. Chính vì vậy, công tác quản lý được thực hiện thống nhất, không để xảy ra tình trạng chồng chéo gây khó khăn cho DN, đồng thời đảm bảo yêu cầu quản lý.
Mặc dù trong năm 2016, hoạt động TNTX hàng hóa qua địa bàn tỉnh có một số biến động, nhưng không phủ nhận hoạt động TNTX ngày càng có sự đóng góp quan trọng vào thúc đẩy phát triển thương mại biên giới của tỉnh.
Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện nay trên địa bàn có 5 kho ngoại quan và 12 địa điểm kiểm tra hàng hóa được Tổng cục Hải quan công nhận, tập trung ở các khu vực biên giới cửa khẩu, đã tạo thuận lợi cho hoạt động của cộng đồng DN và công tác quản lý của cơ quan chức năng.
Các kho, bãi được Tổng cục Hải quan công nhận trên cơ sở đáp ứng các điều kiện về diện tích, kho, bãi, hàng rào cứng, hệ thống camera giám sát và nhiều hạ tầng kỹ thuật đi kèm. Do đó, khi hàng TNTX vào địa bàn Lạng Sơn đều lưu giữ trong các địa điểm theo quy định, không còn tình trạng hàng nằm chờ TX dọc đường gần các khu vực cửa khẩu như những năm trước đây.
Ông Nguyễn Công Trưởng cho biết thêm, để đảm bảo công tác quản lý, hàng năm UBND tỉnh đều ban hành Quyết định về quy chế quản lý hoạt động kinh doanh TNTX, TXTN, chuyển cửa khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu, cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trong địa bàn Khu kinh tế cửa khẩu. Trong đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng, đơn vị chức năng như Ban Quản lý Khu kinh tế Đồng Đăng, Cục Hải quan Lạng Sơn, Sở Công Thương, Bộ đội Biên phòng…
Chính vì vậy, công tác quản lý được thực hiện thống nhất, tránh sự chồng chéo để không gây khó khăn cho DN và đảm bảo yêu cầu quản lý. Nhờ đó, hoạt động kinh doanh TNTX, kho ngoại quan đang ngày càng có sự đóng góp quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn Lạng Sơn.