Ngành Hải quan đa dạng giải pháp chống thất thu ngân sách nhà nước

Trần Huyền

Năm 2024, ngành Hải quan thu ngân sách nhà nước vượt hơn 16% dự toán được giao. Để có được kết quả này, bên cạnh các giải pháp nhằm tạo thuận lợi thương mại, ngành Hải quan đã triển khai quyết liệt, đa dạng, hiệu quả nhiều giải pháp chống thất thu ngân sách nhà nước. Đây là tiền đề để toàn Ngành phát huy hiệu quả công tác này trong năm 2025.

Cơ quan hải quan tăng cường biện pháp quản lý rủi ro, chống thất thu ngân sách. Ảnh: internet
Cơ quan hải quan tăng cường biện pháp quản lý rủi ro, chống thất thu ngân sách. Ảnh: internet

Để hoàn thành suất sắc nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024, ngay từ đầu năm, Tổng cục đã ban hành chỉ thị về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024.

Trong đó, Tổng cục yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: tăng cường chống thất thu qua kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục hải quan, quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Bám sát chỉ đạo của Tổng cục, các đơn vị đã dồn sức kiểm soát về số lượng, trọng lượng, chủng loại, tên hàng hoá, chính sách thuế (hàng có thuế suất cao, hàng dễ nhầm lẫn về mã HS, hàng hoá thuộc các đối tượng được hưởng ưu đãi thuế) để xác định các nhóm hàng, mặt hàng trọng điểm có rủi ro cao trong khai báo về số lượng, trọng lượng, chủng loại, tên hàng hoá. Đồng thời, đưa những doanh nghiệp có rủi ro cao trong hoạt động xuất nhập khẩu vào luồng vàng, luồng đỏ để thực hiện kiểm tra tại khâu thông quan nhằm ngăn chặn tình trạng khai báo sai số lượng, trọng lượng, chủng loại và tên hàng với mục đích gian lận, trốn thuế.

Triển khai soi chiếu, trong năm 2024, toàn Ngành đã thực hiện soi chiếu tổng số 120.487 container; phát hiện nghi vấn 3.209 container, phát hiện 490 container vi phạm. Vi phạm chủ yếu là nhập khẩu hàng cấm, khai sai số lượng, chủng loại; nhập hàng không khai báo nhập khẩu hàng giả mạo xuất xứ, hàng không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định...

Song song với đó, các đơn vị đã thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ theo quy định để tăng cường quản lý trị giá hải quan cả trong thông quan và sau thông quan; ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp kê khai trị giá hải quan bất hợp lý để gian lận, trốn thuế. Trong đó, tập trung quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu có thuế suất cao như hàng hóa là tài nguyên, khoáng sản thô, phế liệu kim loại; hàng hóa nhập khẩu là hàng tiêu dùng có thuế suất nhập khẩu cao, hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc tự vệ, thuế chống bán phá giá…

Các đơn vị hải quan đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 1.937 cuộc trong năm 2024, trong đó có 891 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 1.046 cuộc tại trụ sở cơ quan hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 941,18 tỷ đồng, đã thực thu vào ngân sách nhà nước số tiền là 619,08 tỷ đồng. Năm 2024, toàn Ngành thực hiện 53 cuộc thanh tra chuyên ngành, ban hành kết luận 45 cuộc. Tổng số tiền kiến nghị truy thu trong toàn ngành 28,585 tỷ đồng. Đã thu nộp ngân sách nhà nước 80,863 tỷ đồng.

Toàn Ngành thực hiện nghiêm việc lấy mẫu để phân tích phân loại, kiểm định, giám định đối với những mặt hàng hệ thống xác định có rủi ro về mã số mà trong khi kiểm tra bằng máy móc, trang thiết bị kỹ thuật hiện có tại Chi cục Hải quan, địa điểm kiểm tra hải quan không đủ cơ sở để xác định được tính chính xác đối với nội dung khai hải quan.

Đồng thời, rà soát các lô hàng đã thông quan có hàng hóa giống như các mặt hàng tại thông báo phân tích, phân loại mới ban hành để truy thu thuế kịp thời; rà soát để kịp thời phát hiện và xử lý đối với các trường hợp cùng một mặt hàng nhưng khai báo áp dụng mã số khác nhau và kết quả phân tích phân loại không thống nhất.

Để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại hợp pháp, cơ quan hải quan đã tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả chống gian lận, giả mạo xuất xứ; chuyển tải bất hợp pháp. Đặc biệt, đã tập trung triển khai các nội dung liên quan đến mặt hàng xuất khẩu/nhập khẩu hoặc thị trường cụ thể và ban hành các văn bản chỉ đạo (nếu cần thiết) về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả chống gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ; ghi nhãn, chuyển tải bất hợp pháp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Với sự vào cuộc quyết liệt, năm 2024, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 17.998 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 31.351 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 27 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 173 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 893,21 tỷ đồng.

Để tăng hiệu quả chống thất thu, ngành Hải quan thực hiện rà soát, đánh giá mức độ rủi ro và tổ chức kiểm tra các trường hợp miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, không chịu thuế đối với các doanh nghiệp chế xuất, gia công, sản xuất xuất khẩu và các doanh nghiệp thuộc đối tượng miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, không chịu thuế khác trên cơ sở đối chiếu hồ sơ miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, không chịu thuế với các quy định của pháp luật.

Những nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp chống thất thu ngân sách nhà nước nêu trên đã đóng góp vào kết quả thu ngân sách chung của ngành Hải quan. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2025, ngành Hải quan xác định, bên cạnh cải cách, tạo thuận lợi thương mại, toàn Ngành tiếp tục tăng cường chống thất thu qua kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục hải quan, quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.