Ngành Hải quan phối hợp thông quan xuất khẩu khẩu trang vải


Đó là yêu cầu tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 ngày 6/4/2020.

Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp tạo thuận lợi cho xuất khẩu các loại khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang kháng giọt bắn cho các nước có nhu cầu, nhất là các nước châu Âu, Hoa Kỳ.
Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp tạo thuận lợi cho xuất khẩu các loại khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang kháng giọt bắn cho các nước có nhu cầu, nhất là các nước châu Âu, Hoa Kỳ.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương thúc đẩy thực hiện nhanh hơn việc hợp tác, hỗ trợ, xuất khẩu một số loại phương tiện, vật tư y tế, trong đó các loại khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang kháng giọt bắn cho các nước có nhu cầu, nhất là các nước châu Âu, Hoa Kỳ và xử lý kịp thời các công việc được giao theo quy định, nhất là việc thông quan hàng hóa.

Hải quan tăng cường hỗ trợ xuất khẩu khẩu trang

Bộ Công Thương cho biết, về công tác hợp tác, hỗ trợ, xuất khẩu một số loại phương tiện, vật tư y tế, trong đó các loại khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang kháng giọt bắn, để phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tìm kiếm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, nhập khẩu khẩu trang và dụng cụ phòng hộ từ các nước khác. Sau đó, tổng hợp thông tin về đầu mối doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu khẩu trang và một số trang thiết bị y tế, gửi các doanh nghiệp có nhu cầu để chủ động kết nối.

Bộ Công Thương cũng đề nghị Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Tập đoàn Dệt may Việt Nam chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm nguồn nguyên liệu, tăng cường sản xuất và cung ứng các sản phẩm khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang vải, đáp ứng nhu cầu của người dân sử dụng phòng, chống dịch bệnh.

Đối với vướng mắc của doanh nghiệp trong xuất khẩu khẩu trang vải do cơ quan hải quan khó phân biệt khẩu trang vải và khẩu trang y tế khi làm thủ tục thông quan xuất khẩu, đại diện Bộ Công Thương cũng đã có buổi làm việc với Tổng cục Hải quan, Bộ Y tế, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam để giải quyết vấn đề này, tạo thuận lợi cho xuất khẩu khẩu trang vải cho các doanh nghiệp dệt may đang gặp khó khăn về đầu ra xuất khẩu khi dịch bệnh đang phát triển mạnh mẽ tại thị trường chính là châu Âu và Hoa Kỳ.

Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang chỉ đạo các thương vụ khẩn trương tìm kiếm khách hàng mua sản phẩm khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn của Việt Nam, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp dệt may, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Phối hợp tháo gỡ khó khăn thông quan ở biên giới

Về hoạt động thương mại biên giới phía tây và tây nam, từ khi dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp, cả Việt Nam, Lào và Campuchia đều đã áp dụng những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn tại cửa khẩu biên giới đất liền, hạn chế, thậm chí ngừng hẳn việc cho phép công dân qua lại biên giới. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động giao thương, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại một số cửa khẩu tại các tỉnh biên giới giáp Lào và Campuchia.

Trước tình hình này, ngày 31/3, Bộ Công Thương đã có công văn gửi UBND các tỉnh biên giới giáp Lào và Campuchia để tháo gỡ vấn đề này.

Được biết, đến thời điểm hiện tại, các đơn vị chức năng tăng cường năng lực thông quan tại các cửa khẩu biên giới được phép hoạt động tại các tỉnh biên giới giáp Lào và Campuchia. Cơ bản tình hình đã được cải thiện, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa diễn ra bình thường.

Về tình hình thương mại tại các cửa khẩu với Trung Quốc, hiện nay phía Trung Quốc đang tăng cường siết chặt công tác kiểm soát đối với người và phương tiện vận tải của Việt Nam tại khu vực cửa khẩu biên giới, xuất khẩu hàng hóa có nguy cơ bị ảnh hưởng. Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành liên quan, UBND một số tỉnh biên giới làm việc với phía Trung Quốc để bảo đảm lưu thông thương mại quốc tế trên cơ sở thực hiện tốt, đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có văn bản trao đổi với Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam về vấn đề xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc theo hình thức vận tải đường sắt liên vận sẽ giúp giảm tải áp lực thông quan hàng hóa, giảm thiểu tình trạng ùn ứ, ách tắc cục bộ tại khu vực cửa khẩu đường bộ.