Ngành Hải quan tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu

Trần Huyền

Nhằm xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, Tổng cục Hải quan đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong toàn Ngành. Những nỗ lực của ngành Hải quan không những giúp nâng cao hiệu quả quản lý hải quan mà còn giúp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Ngành Hải quan tích cực ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: internet
Ngành Hải quan tích cực ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: internet

Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin

Để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý.

Đến nay, Tổng cục Hải quan đã xây dựng được hệ thống công nghệ thông tin hoạt động tương đối ổn định, thống suốt, bao phủ và hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực trọng yếu về quản lý hải quan như: thực hiện thủ tục hải quan, nộp thuế, quản lý hàng hóa tại cảng biển, quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, xử lý vi phạm, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, quản lý nội ngành.

Hiện nay, Tổng cục đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị triển khai Dự án xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan. Đồng thời, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS) cho đến khi triển khai chính thức hệ thống công nghệ thông tin mới, Tổng cục Hải quan đang xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin thực hiện khai hải quan từ xa theo mẫu tờ khai VNACCS, đáp ứng yêu cầu xử lý một số khâu nghiệp vụ trong thông quan khi Hệ thống VNACCS/VCIS gặp sự cố không thể hoạt động.

Tổng cục Hải quan hiện đang rà soát, đánh giá hiện trạng Trung tâm quản lý vận hành Hệ thống công nghệ thông tin Hải quan (DC) và nghiên cứu đề xuất chuyển một số hệ thống công nghệ thông tin độc lập lên Trung tâm dự phòng của Bộ Tài chính (DRC) để giảm tải cho DC, đảm bảo sự liên tục của hệ thống và tính sẵn sàng của DRC. Đồng thời, xây dựng kế hoạch diễn tập phương án khai hải quan từ xa để sẵn sàng ứng phó khi sự cố xảy ra.

Trong công tác vận hành, Tổng cục Hải quan đã quản lý, giám sát, phân công và bố trí lực lượng trực ban để đảm bảo vận hành Hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung của ngành Hải quan ổn định 24/7, đảm bảo an ninh, an toàn. Nghiên cứu và triển khai thí điểm việc thanh toán thuế, phí liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu thông qua các trung gian thanh toán.

Công tác triển khai dịch vụ công trực tuyến cũng được Tổng cục Hải quan chú trọng thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp 162/224 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (chiếm 72% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan hải quan thực hiện) và 62/224 dịch vụ công trực tuyến một phần. Trong số 62 dịch vụ công trực tuyến một phần có 04 thủ tục hành chính mới và 28 thủ tục hành chính vừa được sửa đổi, bổ sung.

Đảm bảo các hệ thống hoạt động ổn định

Xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa là nhiệm vụ lâu dài, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan tiếp tục chú trọng triển khai công tác này gắn với Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là “Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện chính phủ số, với mô hình hải quan số, hải quan thông minh”.

Trước mắt, Tổng cục Hải quan sẽ tập trung xây dựng Kế hoạch chi tiết, phân công và điều phối các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan triển khai thực hiện sau khi được Bộ phê duyệt chủ trương đầu tư Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan.

Ngành Hải quan tiếp tục đảm bảo Hệ thống VNACCS/VCIS và các Hệ thống công nghệ thông tin vệ tinh hoạt động ổn định, an ninh an toàn cho đến khi triển khai chính thức hệ thống công nghệ thông tin mới. Trong đó, tiếp tục thực hiện chuyển một số hệ thống công nghệ thông tin lên Trung tâm dự phòng của Bộ Tài chính; Triển khai hệ thống công nghệ thông tin thực hiện khai hải quan từ xa theo mẫu tờ khai VNACCS, đáp ứng yêu cầu xử lý một số khâu nghiệp vụ trong thông quan; Báo cáo Bộ tình hình duy trì hệ thống VNACCS/VCIS và xây dựng phương án ứng phó sự cố và xử lý sự cố hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan.

Đặc biệt, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tổng cục Hải quan, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021 - 2025 trong toàn Ngành ngay sau khi được Bộ Tài chính phê duyệt.

Cùng với đó, triển khai hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 của Tổng cục Hải quan; tiếp tục hoàn thiện Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về Hải quan; nghiên cứu và triển khai thí điểm việc thanh toán thuế, phí liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu thông qua các trung gian thanh toán...

Có thể nói, những kết quả ứng dụng công nghệ thông tin là động lực để xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu cải cách, hiện đại hóa hải quan và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.