M&A - “Sân chơi” bình đẳng
Trước lo ngại nhà đầu tư nước ngoài dẫn dắt hoạt động mua bán sát nhập (M&A), trong đó có nhiều lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp, các chuyên gia cho rằng, đây là sân chơi bình đẳng và là cơ hội cho doanh nghiệp tự hoàn thiện và nâng cao năng lực quản trị, vốn và nhân lực.
Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), mặc dù còn khá mới mẻ nhưng làn sóng M&A tại Việt Nam trong những năm gần đây khá sôi động. Riêng lĩnh vực công nghiệp đã chứng kiến nhiều thương vụ lớn, như Tập đoàn SCG và Công ty cổ phần Vật liệt xây dựng Việt Nam, Tập đoàn CJ và Công ty cổ phần Thực phẩm Cầu Tre, Tập đoàn Hóa chất Earth Chemical (Nhật Bản) và Công ty cổ phần Á Mỹ Gia… Điều này thể hiện sự chủ động tìm kiếm cơ hội của các nhà đầu tư, đồng nghĩa có rất nhiều cơ hội đầu tư thông minh thông qua hình thức M&A trong lĩnh vực công nghiệp.
Đặc biệt mới đây, Bộ Công Thương đã tổ chức bán đấu giá thành công cổ phần của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Các nhà đầu tư đã mua 343,68 triệu cổ phiếu SAB, tương đương 53,6% cổ phần lưu hành của Sabeco với mức giá bình quân 320.000 đồng/cổ phiếu. "Đây là thương vụ bom tấn, đưa tổng giá trị trong hoạt động M&A của Việt Nam năm 2017 đạt con số kỷ lục - 8 tỷ USD" - ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Tổng giám đốc AVM Việt Nam nói.
Tuy nhiên có một thực tế, 75% số thương vụ trong các lĩnh vực hấp dẫn như bán lẻ, bất động sản, công nghiệp mang yếu tố nước ngoài. Ông Nguyễn Quốc Việt lý giải: Họ nhìn thấy tiềm năng của thị trường và kỳ vọng vào sự tăng trưởng không chỉ là 1 hay 2 mà tới 3 con số cho các ngành hàng tiêu dùng, bất động sản, công nghiệp khi nhu cầu tiêu dùng dân số trẻ là rất lớn.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Trần Kim Oanh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư công nghiệp (Cục Xúc tiến thương mại) - cho rằng: Nói đến M&A là nói đến vốn, bởi nhà đầu tư mua lại cổ phần của các đơn vị để từ đó áp dụng công nghệ tạo ra nhiều sản phẩm mới, áp dụng kinh nghiệm phát triển thương hiệu. Do đó, các nhà đầu tư, tập đoàn lớn của nước ngoài có ưu thế hơn trong M&A. Nói như vậy không có nghĩa sân chơi này không dành cho doanh nghiệp nội. Doanh nghiệp trong nước thậm chí có nhiều lợi thế khi hiểu thị trường và có kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Bằng chứng, những năm gần đây đã có những thương vụ hoàn toàn mang màu sắc nội địa như Tập đoàn CJ mua hơn 70% cổ phần của Công ty cổ phần Thực phẩm Cầu Tre. Tập đoàn Masan thâu tóm thành công một số doanh nghiệp trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh, hay Thành Thành Công đã thông qua M&A để chiếm tỷ trọng rất lớn ngành mía đường. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp trong nước là thiếu vốn và công nghệ. Do đó, việc liên kết giữa các doanh nghiệp nhằm tăng năng lực vốn cũng là giải pháp đáng để doanh nghiệp trong nước cân nhắc.
"Định chế pháp luật của Việt Nam hiện khá cởi mở với M&A, trong đó việc Chính phủ đã chấp nhận thoái lượng vốn lớn tại doanh nghiệp nhà nước và không giữ quyền kiểm soát trong nhiều lĩnh vực. Điều này đã trao quyền mạnh mẽ cho nhà đầu tư, đồng thời thu hút lượng vốn lớn cho phát triển cơ sở hạ tầng. Cơ hội này chia đều cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước" - bà Trần Kim Oanh nhấn mạnh.