Ngành Ngân hàng: Chính sách hỗ trợ vẫn theo hàng 2

Theo Đỗ Linh/saigondautu.com.vn

Trước tác động của dịch Covid-19, ngành Ngân hàng đã chủ động thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh và người dân duy trì, ổn định và phục hồi sản xuất kinh doanh, thông qua Thông tư số 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy vậy, việc hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của DN, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), do các nhà băng dựa trên những tiêu chí NHNN quy định, đặc biệt không được hạ chuẩn tín dụng.

Trong điều kiện hiện nay nợ xấu sẽ tăng do cả ngân hàng và doanh nghiệp đều bất ngờ trước dịch bệnh.
Trong điều kiện hiện nay nợ xấu sẽ tăng do cả ngân hàng và doanh nghiệp đều bất ngờ trước dịch bệnh.

Đo thiệt hại như thế nào để được hỗ trợ?

90% DN ngành da giày TPHCM không tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Chính phủ vì thủ tục phức tạp. Đó là chia sẻ của đại diện Hội Da giày TP. Hồ Chí Minh (TPHCM). Còn theo số liệu của NHNN chi nhánh TPHCM, ngoài những trường hợp được NH hỗ trợ cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, cho vay theo Thông tư 01, đơn vị này cũng tiếp nhận 704 trường hợp gửi phản ánh qua các sở ngành, quận huyện và hiệp hội DN, kiến nghị được tháo gỡ khó khăn. Theo đó, có 165 trường hợp đang xử lý và 539 trường hợp đã có kết quả xử lý.

Trong 539 DN trên chỉ 65 trường hợp được giảm lãi 0,2-2%/năm, 14 DN được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, 32 DN được vay mới, 3 trường hợp được tăng hạn mức tín dụng, 2 DN được giảm phí dịch vụ, 7 DN được hỗ trợ nhiều hình thức (tăng hạn mức, giảm lãi, cơ cấu lại nợ…).

Còn lại 166 DN được tư vấn hướng dẫn, 86 DN chưa có/không còn nhu cầu hỗ trợ, 49 DN không đủ điều kiện vay vốn hoặc không thuộc nhóm khách hàng mục tiêu của NH, 4 trường hợp không đủ điều kiện cơ cấu nợ hoặc giảm lãi, 10 trường hợp không có dư nợ tại NH… Như vậy, dù ngành NH đã tích cực hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, nhưng vẫn còn nhiều DN có nhu cầu chưa được xếp vào diện được hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN TPHCM, đến nay các DN cơ bản đã nối lại được nguồn nguyên liệu nhưng chưa xuất khẩu được do các nước chưa khống chế được dịch bệnh. Đường hàng không quốc tế chưa nối lại nên DN kinh doanh trong lĩnh vực du lịch lữ hành, ăn uống phục vụ khách du lịch nước ngoài vẫn đóng cửa.

 

Nhiều DN đang nỗ lực gượng dậy, phục hồi sản xuất kinh doanh sau khi được NH trợ giúp khoanh nợ, giảm nợ, giảm lãi suất, không chuyển nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp, cho vay với lãi suất 0% để trả lương, giữ chân người lao động. Nhưng để tiếp cận được chính sách hỗ trợ, DN phải có thị trường xuất khẩu và nhập khẩu nguyên liệu, có xếp hạng tín dụng tốt qua nhiều kỳ liên tiếp, tình hình tài chính ổn định, lịch sử vay trả đúng hạn, là khách hàng truyền thống và có giao dịch tín dụng liên tục với NH trong thời gian nhất định…

Đặc biệt, thủ tục yêu cầu DN phải chứng minh được thiệt hại 50%, trong khi không có tiêu chí cụ thể nào để đo được thiệt hại này. Chính vì vậy lượng DN đủ điều kiện để được hỗ trợ còn ít.

“Ngành NH nên tăng cường đẩy mạnh các chính sách giãn nợ, cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay hơn nữa, cũng như tăng cường cho vay lưu động ngắn hạn và cho vay trung dài hạn với lãi suất thấp, giúp DN có cơ hội đầu tư, tái cơ cấu sản xuất. Những trường hợp ít thiệt hại hơn cũng cần được xem xét hỗ trợ hưởng chính sách vượt qua khó khăn để có cơ hội hồi phục tốt hơn” - ông Hưng nói. 

Chờ quyết sách của Chính phủ 

Trong nhiều hội nghị diễn ra gần đây, NHNN khẳng định dịch bệnh khiến nền kinh tế khó khăn và DN khó khăn, vì vậy có những khoản phải khoanh nợ, để DN được vay khoản mới duy trì sản xuất, chờ thế giới mở cửa sẽ xuất khẩu, không thể buộc DN trả nợ cũ mới cho vay. Nhưng hỗ trợ phải theo nguyên tắc thị trường, không giảm chuẩn tín dụng, tránh để lại hệ lụy nợ xấu. Thông tư 01 sử dụng chính nguồn lực của TCTD chia sẻ với DN với tính chất đồng hành, không phải nguồn lực ngân sách. Vì vậy, hỗ trợ DN không thể thực hiện ồ ạt. NH rất muốn hỗ trợ DNNVV, vì nhóm này đóng góp GDP lớn, nhưng năng lực tài chính nhiều DN yếu, không có tài sản thế chấp, NH không thể kiểm soát được dòng tiền nên hỗ trợ còn hạn chế.

Phó tổng giám đốc một NHTMCP cũng cho biết, dư nợ khách hàng đăng ký hỗ trợ theo Thông tư 01 trên 20.000 tỷ đồng, nhưng NH chỉ đáp ứng được khoảng 10.000 tỷ đồng. Tiêu chí hỗ trợ dựa trên mức độ thiệt hại và điều kiện cơ cấu. Có DN bị tác động không lớn, có thể tự thu xếp, NH động viên DN cố gắng để dành nguồn lực cho DN khó khăn hơn. Bởi lẽ, ngoài việc NHNN yêu cầu không được hạ chuẩn tín dụng, việc cơ cấu nợ cũng ảnh hưởng đến nguồn thu nhập, lợi nhuận của NH. 

Theo một chuyên gia kinh tế, trong điều kiện hiện nay nợ xấu sẽ tăng do cả NH và DN đều bất ngờ trước dịch bệnh. Nhưng nếu sốt ruột phục hồi nền kinh tế thông qua việc đẩy mạnh hỗ trợ hay bơm nhiều vốn giá rẻ và dễ dãi trong quản lý, giám sát khoản vốn, sẽ dẫn tới hệ lụy nợ xấu tăng mạnh, trở thành gánh nặng cho phục hồi kinh tế sau này. Vì vậy, NH không hạ chuẩn tín dụng, hỗ trợ tràn lan là đúng. Vậy giải pháp nào cho vấn đề này?

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng giám đốc VietinBank, cho biết các nước hiện đang tăng đầu tư ngân sách vào quỹ bảo lãnh tín dụng rất lớn để bảo lãnh DN vay vốn NH. Đây là hướng đi được nhiều chuyên gia đề xuất thông qua các trao đổi với ĐTTC gần đây. Tuy nhiên, muốn mở hướng đi này phải trông chờ vào quyết sách của Chính phủ đối với các quỹ bảo lãnh tín dụng. Nếu có sự đầu tư đúng mức cho các quỹ này, các DN, đặc biệt là DNNVV sẽ có nhiều cơ hội phục hồi và phát triển.