Ngành Ngân hàng sẽ tăng phát hành trái phiếu trong năm 2025
Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 ra công chúng trong năm 2025 để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân, theo sau xu hướng gia tăng trong năm 2024.
Nhu cầu tăng vốn cấp 2 mạnh mẽ
Trong năm 2024, các ngân hàng tại Việt Nam đã tăng phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 lên 92 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ hơn và duy trì tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn vốn.
Trong đó, 55% trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới được phát hành bởi các ngân hàng quốc doanh (ví dụ: Agribank, BID, CTG) do việc khấu trừ vốn cấp 2 của các ngân hàng này. Một số ngân hàng quy mô lớn và vừa (ví dụ: MBB, HDB) đã thúc đẩy việc phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 để đáp ứng sự gia tăng tài sản có trọng số rủi ro.
Theo ông Phan Duy Hưng - CFA, MBA, Giám đốc, Chuyên gia phân tích cấp cao, VIS Rating, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng có thể tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 ra công chúng để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân, theo sau xu hướng gia tăng trong năm 2024.
Theo Luật Chứng khoán và các hướng dẫn mới, trái phiếu phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp phải có xếp hạng tín nhiệm và tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán. Vì hầu hết các trái phiếu ngân hàng không có các cơ chế bảo đảm như vậy, nên khi phát hành cho nhà đầu tư cá nhân các trái phiếu này cần phải được chào bán ra công chúng. Trong năm 2024, các ngân hàng đã gia tăng phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 ra công chúng lên 43% so với năm trước, đạt 37 nghìn tỷ đồng, đặc biệt là đối với một số ngân hàng quy mô nhỏ (ví dụ: BAB, BVB, KLB) và ngân hàng quy mô lớn và vừa (ví dụ: HDB, MBB).
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần lưu ý rằng, trái phiếu tăng vốn cấp 2 mang rủi ro cao hơn so với tiền gửi ngân hàng và trái phiếu thường do có kỳ hạn dài hơn, thứ tự ưu tiên thanh toán thấp hơn trong trường hợp các ngân hàng phát hành phải thanh lý tài sản, và rủi ro bị chậm thanh toán lãi coupon.
Cần thiết xếp hạng tín nhiệm
Trong bối cảnh quy định theo Luật Chứng khoản sửa đổi 2024 về phát hành riêng lẻ cũng như các quy định cụ thể tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn triển khai Luật Chứng khoán đang được rà soát và sửa đổi, kênh trái phiếu được kỳ vọng chào bán rộng rãi ra công chúng sẽ từng bước được nhiều doanh nghiệp lựa chọn hơn nhằm đa dạng hóa chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp.
Theo FiinRating, việc sửa đổi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP sẽ quy định cụ thể hơn điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng và cải thiện chất lượng hàng hóa qua các hướng dẫn về minh bạch thông tin và áp dụng xếp hạng tín nhiệm cho các lô trái phiếu phát hành và duy trì cập nhật xếp hạng trong suốt vòng đời của trái phiếu nhằm góp phần cải thiện niềm tin của nhà đầu tư vào sản phẩm này.
Riêng với trái phiếu ngân hàng, FiinRating cũng kỳ vọng Nghị định số 155/2020/NĐ-CP sẽ sửa đổi theo hướng duy trì áp dụng xếp hạng tín nhiệm độc lập. Bởi tỷ lệ trái phiếu ngân hàng phát hành ra công chúng chiếm tỷ lệ lớn trên 80% và việc xếp hạng tín nhiệm sẽ góp phần phân biệt thứ hạng các trái phiếu của các ngân hàng theo điểm xếp hạng tín nhiệm.
Hầu hết các ngân hàng đều có xếp hạng tín nhiệm quốc tế nhưng chủ yếu phục vụ cho nhà đầu tư quốc tế và bị áp trần xếp hạng quốc gia ở bức BB+ nên không có sự phân biệt về chất lượng tín dụng giữa các ngân hàng và giữa các trái phiếu.
Việc xếp hạng tín nhiệm trái phiếu ngân hàng sẽ làm cơ sở tham chiếu cho việc định giá lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp nói chung bởi lãi suất trái phiếu Chính phủ hiện chưa thực hiện được chức năng này trong khi hiện thị trường tham chiếu đến lãi suất tiết kiệm bình quân của các ngân hàng lớn và nó biến động hàng ngày. Điều này là cho rủi ro của sản phẩm thu nhập cố định nhưng lại “biến đổi”. Thực tế số lượng tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt lớn trong 20 năm qua trong đó có SCB như thị trường đã chứng kiến.