Ngành Nông nghiệp: Đề xuất bố trí hơn 97 nghìn tỷ đồng ứng phó với biến đổi khí hậu

PV.

Đến nay đã có 11/13 tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Vì vậy, cần tăng cường ưu tiên tập trung hỗ trợ nguồn lực cho người dân nơi đây đảm bảo dân sinh.

Hạn hán đang gây thiệt hại nặng nề ở ĐBSCL
Hạn hán đang gây thiệt hại nặng nề ở ĐBSCL

Tại cuộc họp thông báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và các giải pháp ứng phó tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa được tổ chức, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&TPTNT) cho biết, từ cuối năm 2015 đến nay tổng diện tích cây trồng trên địa bàn bị thiệt hại khoảng 210.000ha.
Bên cạnh đó, có khoảng 250.000 hộ dân, nhiều trường học, trạm xá, khách sạn, cơ sở sản xuất bị thiếu nước ngọt. Nghiêm trọng hơn khi nhiều khu vực lâm nghiệp nằm trong mức độ cảnh báo cháy cao (cấp 4,5), đặc biệt là rừng tràm U Minh Thượng và U Minh Hạ. Song song đó, do lượng nước bốc hơi lớn, thiếu nước ngọt bổ sung nên ảnh hưởng đến sinh trưởng của tôm và phát sinh dịch bệnh…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tĩnh cho biết, Bộ NN&PTNT vừa đề nghị Quốc hội cho chủ trương rà soát quy hoạch giảm diện tích trồng lúa ở những vùng thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn.
Đồng thời, bố trí 51.845 tỷ đồng (trong đó khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL là 32.399 tỷ đồng) kế hoạch đầu tư trung hạn bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020, để thực hiện các dự án quy mô lớn, hệ thống thủy lợi lớn liên tỉnh phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bố trí 45.262 tỷ đồng để đầu tư cho các công trình thủy lợi trọng tâm phòng, chống hạn hán, kiểm soát mặn chưa có nguồn vốn ở các khu vực Nam trung bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL. Trong đó, các công trình cần đầu tư trước mắt, có thể hoàn thành trong năm 2016, phát huy hiệu quả chống hạn, xâm nhập mặn năm 2016-2017 là 3.773 tỷ đồng./.