Ngành sữa thích ứng, biến “nguy” thành “cơ”

Theo Anh Lan, Đắc Thành/Báo Thời Nay

Từ khi “cơn bão” COVID-19 xuất hiện, ngành sữa Việt Nam tuy không phải chịu tác động nặng nề, trực tiếp của dịch như các ngành du lịch, hàng không hay ngân hàng, nhưng cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thích ứng, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến để biến “nguy” thành “cơ” trong đại dịch.

Đẩy mạnh xuất khẩu sữa “Made in Việt Nam”

Năm 2020, Việt Nam ước tính có 405.000 con bò sữa, sản lượng gần 1,2 triệu tấn sữa tươi/năm. Là quốc gia sở hữu hệ thống trang trại bò sữa chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) lớn nhất châu Á, Việt Nam hiện đứng trong tốp 20 nước trên thế giới nhập khẩu nguyên liệu sữa.

Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, nguyên liệu sữa tươi trong nước hiện đáp ứng khoảng 60% năng lực sản xuất sữa tại Việt Nam. Trong đó, khoảng 70% sữa tươi nguyên liệu được sử dụng để sản xuất sữa nước, còn lại là sản xuất sữa chua và các sản phẩm khác.

Ngành sữa Việt Nam từ lâu đã có tầm nhìn xuất khẩu ra toàn cầu. Năm 2019, ngành sữa Việt Nam đã có bước tiến quan trọng khai phá thị trường đông dân nhất thế giới. Năm công ty lớn của ngành sữa Việt Nam là Vinamilk, TH True Milk, Mộc Châu Milk, Nutifood và Hanoimilk được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. 

Thực tế cho thấy, hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu sản phẩm sữa của các doanh nghiệp Việt Nam liên tục gặt hái những kết quả khả quan. Nhiều dấu hiệu cho thấy tiềm năng phát triển lớn với ngành sữa tại thị trường Trung Quốc rộng lớn. Tháng 1/2021, 10 container sản phẩm sữa hạt cao cấp đã được Vinamilk xuất khẩu sang Trung Quốc; sản phẩm Vinasoy của Nhà máy Sữa đậu nành Vinasoy được đưa vào 11 trang bán hàng trực tuyến hàng đầu và 61 siêu thị thuộc sáu chuỗi siêu thị lớn tại đây.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo tiếp tục cấp mã giao dịch cho phép CTCP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Bình Dương và Nhà máy sữa Trường Thọ xuất khẩu sản phẩm sang quốc gia này.

Ngoài thị trường Trung Quốc, tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông… các sản phẩm sữa Việt Nam cũng đang từng bước chinh phục người tiêu dùng. Theo Euromonitor, thị trường sữa Việt Nam ước đạt 135.000 tỷ đồng trong năm 2020, tăng hơn 8% so năm 2019, nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh của các ngành hàng sữa chua và sữa uống. Nhiều doanh nghiệp ra mắt sản phẩm mới, trong khi VitaDairy dường như đang phát triển nhanh trong phân khúc sữa bột, đặc biệt là sữa công thức cho trẻ em.  

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam chia sẻ, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng kim ngạch xuất khẩu sữa năm 2020 vẫn tăng trưởng tốt, đạt 302,7 triệu USD, tăng 10,5% so năm 2019. Các doanh nghiệp sữa duy trì được hệ thống phân phối truyền thống và kịp thời đẩy mạnh phân phối qua các kênh hiện đại. Kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường chủ chốt vẫn tăng khả quan so năm 2019. Cũng theo thống kê của Hiệp hội Sữa Việt Nam, trong chín tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp sữa đã vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, sản lượng sữa tươi nguyên liệu trong nước đạt gần một triệu tấn, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường ở nước ngoài đạt kết quả khả quan. Trong gần hai năm qua, toàn ngành sữa đã tích cực hỗ trợ đóng góp kinh phí, hàng hóa cho công tác phòng, chống dịch hơn 100 tỷ đồng.

Không thể phủ nhận đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều thay đổi từ chuỗi cung ứng toàn cầu, hệ thống giao thương quốc tế, chính sách kinh tế, các hiệp định thương mại đến nhu cầu thị trường hay thói quen của người tiêu dùng. Dù ngành sữa Việt Nam chịu thiệt hại ít hơn so những ngành khác như hàng không, du lịch, ngân hàng… Tuy nhiên, để xác lập vị thế trong tương lai, các doanh nghiệp vẫn cần có những bước đi vững chắc và phải linh hoạt thích ứng, “biến nguy thành cơ”, nắm bắt thời cơ trong trạng thái “bình thường mới”.

Nhiều bước đi linh hoạt

Là doanh nghiệp lớn trong ngành sữa Việt Nam, Vinamilk cho biết, trong gần hai năm qua, trải qua bốn đợt bùng phát dịch COVID-19 và đợt dịch thứ 4 diễn biến đặc biệt phức tạp, làm sao để duy trì sản xuất, giữ ổn định thị trường là thách thức không nhỏ đặt ra với Vinamilk.

Theo bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Vinamilk, ngay từ đầu công ty đã đặt ra mục tiêu chiến lược là tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để tăng năng suất, nắm chắc thị trường nội địa và khai thác tối đa cơ hội từ thị trường quốc tế.

Tại Vinamilk, chuỗi cung ứng hoạt động hoàn toàn dựa vào hệ thống công nghệ thông tin, kết nối từ “đầu vào” (thu mua nguyên vật liệu), đến “đầu ra” (sản phẩm đến tay người tiêu dùng). Việc ứng dụng công nghệ, đầu tư vào chuyển đổi số đã được chú trọng thực hiện từ nhiều năm trước ở Vinamilk và càng được chú trọng trong tình hình dịch bệnh.

Các nhà máy và trang trại của Vinamilk áp dụng triệt để tự động hóa và công nghệ 4.0, bảo đảm quản lý từ xa, có tính hệ thống. Vì vậy, hoạt động tại 13 nhà máy, 13 trang trại cùng nhiều chi nhánh, kho vận và hàng trăm cửa hàng luôn được duy trì ổn định.

Bởi vậy, ngay cả trong giai đoạn nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, nhiều nhân viên phải làm việc tại nhà để chống dịch, Vinamilk vẫn bảo đảm hiệu quả quản trị, giữ ổn định việc điều phối, cung ứng hàng hóa và đáp ứng tiến độ của các đơn hàng xuất khẩu. Chẳng hạn, Vinamilk đã xuất khẩu hợp đồng sữa trị giá 20 triệu USD qua Trung Đông, xuất khẩu sữa hạt và trà sữa vào thị trường Hàn Quốc.

“Nhìn lại giai đoạn vừa qua, một trong những thành công lớn của Vinamilk chính là duy trì tốt hoạt động của tất cả đơn vị thành viên, đồng thời bảo đảm việc làm, thu nhập và các phúc lợi cho gần 10.000 nhân viên của công ty trên cả nước. Trước khi nghĩ đến vai trò doanh nghiệp, chúng ta vẫn luôn là một phần của cộng đồng. Tôi nghĩ, doanh nghiệp chỉ có thể ổn định khi cộng đồng khỏe mạnh, bình ổn”, bà Mai Kiều Liên cho biết.

Trao đổi ý kiến với Thời Nay, đại diện TH True Milk chia sẻ, cũng nhờ ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nên doanh nghiệp vẫn bảo đảm hoạt động tốt trong thời điểm “bão COVID-19” hoành hành thời gian qua. Các kịch bản ứng phó đã được lên phương án sớm và kích hoạt kịp thời trước mỗi đợt bùng phát, do đó sức khỏe nhân viên được bảo vệ, chuỗi sản xuất không bị gián đoạn.

Chiến lược của TH True Milk đã xác định ngay từ đầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên Việt, trí tuệ Việt và công nghệ 4.0 hàng đầu thế giới để vận hành chuỗi sản xuất. Một trong những điểm mạnh của TH True Milk nằm ở năng lực công nghệ. Ngay trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, TH True Milk đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, chuyển đổi nền tảng công nghệ của Tập đoàn TH lên SAP S/4 HANA. Nền tảng SAP S/4 HANA sẽ giúp TH True Milk ứng dụng những thành tựu công nghệ cao và khoa học quản trị thế hệ mới nhất để tạo ra những đột phá về năng suất và chất lượng của sản phẩm, dịch vụ. Công nghệ mới sẽ giải phóng cán bộ nhân viên khỏi nhiều hoạt động trực tiếp, tăng năng suất lao động mà vẫn bảo đảm thực hiện các chỉ đạo về giãn cách của Chính phủ.

Trong giai đoạn 2020-2021, Tập đoàn TH nhập 4.500 bò sữa giống cao sản HF từ Mỹ về trang trại bò sữa tại Nghệ An; phát triển một số trang trại bò sữa ở Kon Tum, An Giang, hoàn tất việc chuyển bò sữa về trang trại ở Phú Yên. TH True Milk sản xuất theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa tươi và phân phối nên hầu như không bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp cũng luôn chủ động lên kế hoạch ứng phó những tình huống khẩn cấp mà không làm gián đoạn chuỗi sản xuất khép kín từ trang trại - nhà máy tới khâu phân phối của các sản phẩm thực phẩm, đồ uống - là những mặt hàng thiết yếu phục vụ cộng đồng.

COVID-19 là một “phép thử” khắc nghiệt với các doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Diễn biến đại dịch cho thấy, bức tranh thị trường sẽ không bao giờ quay lại như trước đây. Các doanh nghiệp không chỉ cần sự linh hoạt và nhạy bén để nắm bắt, tìm được hướng đi trong một nền kinh tế ở trạng thái “bình thường mới”, mà quan trọng cần sự chuyển đổi sang tâm thế sẵn sàng với những bước đi linh hoạt nắm bắt nhu cầu thị trường.