Ngành Tài chính quyết liệt phòng, chống tham nhũng

PV.

Phòng, chống tham nhũng là lĩnh vực khó khăn, phức tạp, phải tiến hành kiên trì, liên tục để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài chính, công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành Tài chính năm 2015 đã được triển khai đầy đủ, toàn diện.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bộ Tài chính là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính và thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Là cơ quan quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều cơ chế, chính sách của Bộ đưa ra có tầm ảnh hưởng bao quát, tác động trực tiếp tới nền kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, nhiều bộ phận cán bộ, công chức của ngành Tài chính lại làm việc trong môi trường tiếp xúc thường xuyên với người dân, doanh nghiệp, vì vậy, công tác phòng, chống tham nhũng của Bộ Tài chính rất nặng nề.

Trên cơ sở các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, chương trình hành động của Chính phủ, Nghị quyết Trung ương 3, Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, Kế hoạch thực thi Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; năm 2015, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.

Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính đều xác định lĩnh vực trọng tâm, nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao để tập trung chỉ đạo, thực hiện; công tác học tập, phổ biến, tuyên truyền các quy định về phòng, chống tham nhũng được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực.

Năm 2015, toàn ngành Tài chính đã tổ chức 308 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 27.502 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; phát hành 14 đầu sách tài liệu về pháp luật phòng, chống tham nhũng; công tác cán bộ phục vụ phòng, chống tham nhũng được chú trọng, đảm bảo công khai, minh bạch.

Việc chuyển đổi vị trí công tác đối với một số vị trí nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao được thực hiện thường xuyên. Năm 2015, toàn Ngành đã thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 4.161 người, chủ yếu là chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực thuế và hải quan. Việc thực hiện luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức hàng năm đã được thực hiện theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; bảo đảm tính công khai dân chủ và tạo được sự ổn định, đoàn kết thống nhất khi thực hiện.

Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, đã phát hiện nhiều sai phạm, kiến nghị xử lý số tiền lớn (kiến nghị xử lý tài chính 38.475.587,576 triệu đồng, đôn đốc đơn vị được thanh tra thực hiện nộp bổ sung số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2013 qua kiểm toán là 408.856 triệu đồng; các đơn vị đã thực hiện kiến nghị nộp ngân sách nhà nước 9.151.573 triệu đồng), một số cơ quan, đơn vị đã chuyển cơ quan điều tra nhiều vụ việc để xử lý hình sự. Cơ quan Hải quan các cấp đã ra quyết định khởi tố 27 vụ việc; chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố (cơ quan cảnh sát điều tra; cơ quan Quản lý thị trường; cơ quan Kiểm lâm; UBND các tỉnh...) 87 vụ; cơ quan Thuế đã chuyển cho cơ quan Công an 1.032 hồ sơ vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm.

Việc thực hiện một số giải pháp phòng, chống tham nhũng đã đạt được kết quả nổi bật như: công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan. Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số giờ thực hiện thủ tục hành chính về thuế cắt giảm 420 giờ (từ 537 giờ xuống còn 117 giờ); thời gian thông quan hàng hóa giảm bình quân từ 21 ngày xuống 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu. Tiến độ triển khai cơ chế một cửa Quốc gia tiến tới kết nối theo Cơ chế một cửa ASEAN đã được đẩy nhanh hơn, thực hiện ở quy mô rộng hơn. Bộ Tài chính đã chính thức kết nối với 9 Bộ, ngành. Nhìn chung, công tác cải cách thủ tục hành chính năm 2015 đã được chỉ đạo và triển khai sát sao trên các nội dung: cải cách thể chế, từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức… từng bước hạn chế được những hiện tượng gây phiều hà, sách nhiễu tiêu cực, sai sót trong quy trình nghiệp vụ và hiện đang được dư luận đồng tình và đánh giá cao.

Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng của Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ Tài chính đã khẩn trương triển khai, thực hiện, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả phòng, chống tham nhũng trong từng lĩnh vực. Với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai, đôn đốc 05 đơn vị (được Ban Chỉ đạo phân công): Bộ Y tế; Uỷ ban nhân dân (UBND) các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình thực hiện công tác tổng kết đảm bảo theo yêu cầu.

Những kết quả nêu trên cho thấy công tác phòng chống tham nhũng đã được ngành Tài chính gắn vào từng lĩnh vực quản lý Nhà nước được giao, từ khâu tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoàn thiện thể chế, các chế độ chính sách nhằm tạo sự công bằng và phòng ngừa tham nhũng, đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng khoa học, công nghệ trong quản lý điều hành ; xây dựng các quy trình, quy chế và công khai các hoạt động trong nội bộ; xây dựng và thực hiện các kế hoạch thanh tra, kiểm tra…

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, ngành Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, giải pháp trong nghị quyết của Đảng và những quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tập trung vào các quy định phòng ngừa tham nhũng như công khai, minh bạch, nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức Đảng và Đảng viên. Đẩy mạnh cải cách hành chính, công tác cán bộ… sẽ được xác định là công việc, hoạt động quan trọng, thường xuyên, liên tục trong kế hoạch hàng năm.