Ngành Thuế đẩy mạnh quản lý nợ thuế
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm 30/11/2022 , tổng số tiền thuế nợ ngành Thuế quản lý tăng trong khi tiền thuế nợ không còn khả năng thu và tiền thuế nợ đang xử lý lại đang có xu hướng giảm.
Thu hồi nợ thuế ước đạt 70% so với chỉ tiêu
Nhằm triển khai hiệu quả công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, ngay từ đầu năm, ngành Thuế đã xây dựng kế hoạch, triển khai công tác quản lý nợ năm 2022, giao chỉ tiêu thu tối thiểu 80% nợ thuế có khả năng thu và gắn trách nhiệm thu nợ, xử lý nợ đọng cho từng đơn vị.
Đồng thời, tiến hành xác định số nợ thuế không thuộc diện được gia hạn nộp thuế, người nộp thuế không bị hoặc ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 để tiến hành đôn đốc, động viên người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ.
Nhờ đó, lũy kế tính đến cuối tháng 11/2022, thu hồi nợ thuế ước đạt 29.416 tỷ đồng, đạt 70% so với chỉ tiêu thu nợ năm 2022, trong đó: Thu bằng biện pháp quản lý nợ là 26.996 tỷ đồng; Thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 2.420 tỷ đồng.
Tổng số tiền thuế nợ ngành Thuế quản lý ước tăng 0,5%
Báo cáo mới đây của Tổng cục Thuế cho thấy, tổng số tiền thuế nợ ngành Thuế quản lý ước tính đến thời điểm ngày 30/11/2022 là 126.642 tỷ đồng, tăng 0,5% so với thời điểm ngày 31/10/2022, tăng 10,1% so với thời điểm ngày 31/12/2021, tăng 3 % so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu là 59.505 tỷ đồng, tăng 0,6% so với thời điểm ngày 31/10/2022, tăng 13,3% so với thời điểm ngày 31/12/2021, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2021, cụ thể: Các khoản nợ thuế, phí là 40.787 tỷ đồng, tăng 3,2% so với thời điểm ngày 31/10/2022, tăng 11,6% so với thời điểm ngày 31/12/2021, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2021; Các khoản nợ liên quan đến đất là 18.718 tỷ đồng, giảm 4,7% so với thời điểm ngày 31/10/2022, tăng 17,2% so với thời điểm ngày 31/12/2021, giảm 22,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, tiền phạt và tiền chậm nộp của nợ có khả năng thu là 24.281 tỷ đồng, tăng 5,1% so với thời điểm ngày 31/10/2022, tăng 24,4% so với thời điểm ngày 31/12/2021, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện là 11.571 tỷ đồng, tăng 16,9% với thời điểm ngày 31/10/2022, tăng 24% so với thời điểm ngày 31/12/2021.
Tiền thuế nợ không còn khả năng thu và nợ đang xử lý giảm
Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Thuế cũng cho thấy, tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 22.976 tỷ đồng, giảm 9,9% so với thời điểm ngày 31/10/2022, giảm 2,5% so với thời điểm ngày 31/12/2021, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh đó, tiền thuế nợ đang xử lý là 8.300 tỷ đồng, giảm 0,2% so với thời điểm ngày 31/10/2022, giảm 17,7% so với thời điểm ngày 31/12/2021, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo lý giải của Tổng cục Thuế, tiền thuế nợ tại thời điểm 30/11/2022 tăng so với thời điểm 31/12/2021 một phần do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kèm theo thiên tai, bão lũ gây ra khó khăn trong sản xuất kinh doanh, một số lĩnh vực thiếu nguyên vật liệu, chi phí tăng cao, làm ăn thua lỗ nên không có khả năng nộp ngân sách nhà nước đúng hạn. Tiền phạt, tiền chậm nộp tăng so với thời điểm 31/12/2021 do phát sinh tiền chậm nộp tính 0,03%/ ngày trên tổng số tiền nợ thuế.
Ngoài ra, kết quả xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội trong năm 2022 ước đạt 2.757 tỷ đồng, trong đó cơ quan thuế các cấp đã thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế với tổng số tiền là 1.030 tỷ đồng; xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp với tổng số tiền là 1.727 tỷ đồng.
Quyết liệt thu hồi nợ thuế
Để tăng cường thu hồi nợ thuế, theo Tổng cục Thuế, từ nay đến cuối năm 2022, Tổng cục sẽ tiếp tục rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng, lập danh sách những doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nguyên nhân, trên cơ sở đó áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng đối tượng.
Theo các chuyên gia kinh thuế, đẩy mạnh thu nợ thuế là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách. Để triển khai nhiệm vụ này hiệu quả, ngành Thuế có thể trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, thu hồi giấy phép kinh doanh và công khai thông tin người nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Ngoài ra, trong trường hợp doanh nghiệp cố tình chây ỳ nợ thuế, ngành Thuế có thể phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan như: Cơ quan công an, Ngân hàng Nhà nước, toà án... trong việc thu hồi nợ đọng thuế, tránh tình trạng nợ kéo dài, gây khó khăn trong việc thu nợ thuế.