Ngành Thuế đi đầu trên mặt trận quản lý thu, chống thất thu ngân sách nhà nước
(Tài chính) Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan từ trung ương đến cơ sở đồng loạt triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu thuế, chống buôn lâu, gian lận thương mại, tích cực thu hồi nợ đọng và khai thác tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Công tác quản lý thu, chống thất thu ngân sách nhà nước năm 2014
Trong năm qua, bên cạnh những yếu tố thuận lợi như: kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng; kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn; tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn; lại thêm thiên tai, dịch bệnh và diễn biến phức tạp, khó lường trên biển Đông… khiến tình hình kinh tế càng thêm khó. Để tăng nguồn thu NSNN thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội, ngành tài chính tìm cách tăng nguồn thu nội địa, đặc biệt là từ các khoản nợ đọng thuế.
Ngay từ đầu năm 2014, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế - Hải quan từ trung ương đến cơ sở đồng loạt triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu thuế, chống buôn lâu, gian lận thương mại, tích cực thu hồi nợ đọng và khai thác tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước và đạt được các kết quả tích cực, cụ thể như sau:
- Tổng cục Thuế đã nghiêm túc tiếp thu, lĩnh hội đầy đủ và cụ thể hoá thành các nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Đồng thời, đề ra các giải pháp chi tiết để quán triệt, thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống. Trên cơ sở dự toán pháp lệnh được giao, Tổng cục Thuế đã tiến hành giao chỉ tiêu phấn đấu thu nội địa năm 2014 cho Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tạo động lực để toàn ngành quyết tâm, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Bên cạnh đó, đã triển khai giao dự toán thu hàng quý theo đúng thời hạn, phù hợp với phát sinh kinh tế của từng địa bàn, làm căn cứ để các Cục Thuế triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ thu hàng tháng, quý phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Bộ, Chính phủ.
- Từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế các cấp đã thường xuyên kiểm tra, đối chiếu giữa tình hình thực tế với hệ thống dữ liệu của cơ quan thuế đảm bảo kiểm soát, nắm bắt, theo dõi và quản lý thuế kịp thời. Chú trọng việc rà soát thông tin người nộp thuế (NNT) trên ứng dụng, kịp thời đôn đốc NNT bổ sung thông tin thay đổi gửi cơ quan thuế để cập nhật thông tin phục vụ cho công tác quản lý thuế.
- Tổng cục Thuế thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan để tăng cường kiểm tra giám sát chặt chẽ việc kê khai hải quan và kê khai thuế đối với doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế nhằm chống các hành vi gian lận, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ NSNN. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các chính sách thuế và quản lý thuế mới đến người nộp thuế, đặc biệt là những nội dung về cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, qua đó tạo thuận lợi cho người nộp thuế; Tham mưu giúp Bộ Tài chính hoàn thành việc tổ chức các Hội nghị đối thoại DN năm 2014 giữa Bộ Tài chính với Đại sứ quán Hàn Quốc, với DN Châu Âu; phối hợp với Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp.Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Tổng cục Thuế đã tiến hành rà soát, lược bỏ các hình thức tuyên truyền lạc hậu, không hiệu quả bằng các hình thức tuyên truyền hiện đại, dễ tiếp cận và mang lại hiệu quả cao, trong đó có việc phối hợp với VTV, VOV tăng dung lượng, tần suất phát sóng, đưa tin các vấn đề về thuế để phản ánh kịp thời những hoạt động về thuế đến gần hơn với người dân và doanh nghiệp.
- Xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2014 đến từng đơn vị, chỉ đạo các đơn vị tăng cường áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định, quy trình quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế; Hàng tháng, xây dựng kế hoạch thu tiền thuế nợ chi tiết đối với từng người nộp thuế, từng khoản thu, sắc thuế, từng địa bàn, khu vực kinh tế, đồng thời, đề ra các biện pháp thực hiện kế hoạch có hiệu quả để đạt được chỉ tiêu. Cơ quan thuế đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan (Kho bạc nhà nước, Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, toà án, công an) để thực hiện các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu hồi đối với người nợ thuế có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày và đã hết thời hạn gia hạn nộp thuế. Nhờ đó, trong năm 2014, Tổng cục Thuế đã thu được 50% số nợ thuế tại thời điểm 31/12/2013 chuyển sang (trên 30 ngàn tỷ đồng), trong đó bằng biện pháp quản lý nợ là 83%; bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 17%. Tổng cục Hải quan đã thu được 1.785 tỷ đồng nợ thuế của năm 2013 chuyển sang, đạt 63,5% kế hoạch. (Biểu nợ thuế của từng địa phương kèm theo)
- Tổ chức sắp xếp, bố trí nguồn nhân lực để tập trung tối đa cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Cùng với thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, việc tổng hợp phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi thủ đoạn gian lận và chiếm đoạt tiền thuế cũng được chú trọng. Thường xuyên nghiên cứu, đổi mới phương pháp kiểm tra, nâng cao chất lượng phân tích hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh, kiểm tra thuế. Bên cạnh đó, toàn hệ thống thuế đã tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh sử dụng hoá đơn bất hợp pháp; Thanh tra các doanh nghiệp giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ; chuyển giá; doanh nghiệp lớn nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra, doanh nghiệp hoàn thuế lớn; Các lĩnh vực phát sinh thuế nhà thầu nước ngoài (xuất khẩu tại chỗ, bản quyền, chuyển giao công nghệ, dịch vụ bảo hành, ...); thương mại điện tử, bán hàng qua mạng, kinh doanh trực tuyến; dược phẩm, thiết bị y tế; các doanh nghiệp xã hội hoá; Các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế (kinh doanh hàng nông sản thực phẩm, cà phê xuất khẩu qua đường biên giới đất liền...). Chú trọng sửa đổi, bổ sung quy trình thanh tra, kiểm tra thuế gắn với xây dựng các ứng dụng CNTT phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, xây dựng các tài liệu, giáo trình phục vụ công tác đào tạo, bỗi dưỡng, tập huấn, trao đổi nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng cho công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế.
Đặc biệt, trong năm 2014 Tổng cục Thuế đã trực tiếp triển khai các đoàn kiểm tra, thanh tra về công tác hoàn thuế GTGT tại các địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Lào Cai, Thái Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Bình Định, Quảng Ngãi, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp và thực hiện khảo sát về hoàn thuế GTGT tại Trà Vinh, Bình Phước, Bến Tre và Vĩnh Phúc, qua đó, đề xuất với Bộ Tài chính, Chính Phủ những biện pháp, giải pháp ngăn chặn gian lận hoàn thuế GTGT. Toàn hệ thống đã thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế đối với 3.311 hồ sơ tương ứng với số tiền thuế đã hoàn là 42.872 tỷ đồng (chiếm hơn 56% số tiền thuế đã hoàn trong năm 2014), qua đó thu hồi hoàn là 224,6 tỷ đồng, phạt vi phạm hành chính là 25,5 tỷ đồng, số tiền chậm nộp là 16 tỷ đồng. Tính đến 20/12/2014, cơ quan thuế đã chuyển cơ quan công an 1.826 hồ sơ có các dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế về đề nghị phối hợp đôn đốc thu hồi nợ đọng; cơ quan Công an đã xử lý hình sự 17 vụ (Bắt giữ, tạm giữ 12 đối tượng có dấu hiệu chiếm đoạt tiền hoàn thuế; khởi tố, điều tra 18 vụ chiếm đoạt tiền hoàn thuế) và chuyển lại cơ quan thuế để xử lý hành chính 214 hồ sơ; hiện nay số hồ sơ còn tồn ở cơ quan công an là 2.450.
Riêng về thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá, năm 2014 ước thực hiện thanh tra, kiểm tra 2.866 doanh nghiệp lỗ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết (bằng 179,80% so với cùng kỳ), giảm lỗ 5.830,16 tỷ đồng (bằng 181,69% so với cùng kỳ), truy thu, truy hoàn và phạt 1.700,81 tỷ đồng (bằng 211,96% so với cùng kỳ). Trong đó, qua thanh tra, kiểm tra đối với 30 doanh nghiệp FDI có giao dịch liên kết, rủi ro cao về chuyển giá, cơ quan thuế đã kết thúc thanh tra, kết quả đã giảm lỗ trên 1.600 tỷ đồng, sau khi miễn giảm thuế do ưu đãi đầu tư, đã truy thu thuế TNDN và xử phạt vi phạm trên 600 tỷ đồng.
Tiếp tục hiện đại hoá công tác quản lý thuế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế: Tính đến 12/12/2014 đã có khoảng 452.384 doanh nghiệp khai thuế điện tử, đạt 93% số doanh nghiệp đang hoạt động, dự kiến đến 31/12/2014 sẽ có 95% doanh nghiệp khai thuế điện tử; Đã ký kết thoả thuận với 5 ngân hàng thương mại (BIDV, Agribank, Vietcombank, Viettinbank, MB) để thực hiện thí điểm nộp thuế điện tử tại 18 Cục Thuế địa phương, theo đó tính đến 12/12/2014, đã có hơn 7.800 doanh nghiệp đăng ký nộp thuế, với số thuế thu được là trên 2.200 tỷ đồng. Nâng cao chất lượng kết nối thông tin 4 ngành (Thuế - Hải Quan - Kho bạc - Tài chính) nhằm rút ngắn thời gian cập nhật, đối chiếu dữ liệu phục vụ công tác điều hành và quản lý thu ngân sách, thống nhất danh mục dùng chung, giảm nguồn lực cùng nhập một loại thông tin dùng chung cho cả 4 ngành, khắc phục dần tình trạng không thống nhất về thông tin và phục vụ tốt hơn đối tượng nộp tiền vào NSNN. Đẩy mạnh, phối hợp thu thuế qua hệ thống các ngân hàng thương mại, góp phần đa dạng hóa các kênh thu ngân sách.
Kết quả thu NSNN năm 2014
Trong năm, số thu do cơ quan thuế quản lý ước đạt 681.100 tỷ đồng, bằng 109,1% dự toán (tương ứng vượt 56.900 tỷ đồng), bằng 100,4% so với thực hiện năm 2013, trong đó:
- Thu từ dầu thô ước đạt 102.000 tỷ đồng, bằng 119,7% so với dự toán (tương ứng vượt 16.800 tỷ đồng), bằng 95,3% so với số báo cáo Quốc hội (tương ứng giảm 5.000 tỷ đồng), bằng 84,7% so với thực hiện năm 2013, trên cơ sở sản lượng thanh toán ước đạt 15.220 ngàn tấn, cao hơn 900 ngàn tấn so với sản lượng dự toán, bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2013; Giá dầu bình quân cả năm ước đạt 105,4 USD/thùng, cao hơn 7,4 USD/thùng so với giá dự toán, thấp hơn 4,6 USD/thùng so với báo cáo Quốc hội, bằng 93,3% so với cùng kỳ năm 2013.
- Thu nội địa ước đạt 579.100 tỷ đồng, bằng 107,4% so với dự toán (tương ứng vượt 40.100 tỷ đồng), bằng 100,9% so với số báo cáo Quốc hội (tương ứng tăng 5.000 tỷ đồng), tăng 3,8% so với thực hiện năm 2013. Số thu không kể tiền sử dụng đất ước đạt 533.400 tỷ đồng, bằng 106% so với dự toán, bằng 99,7% so với số báo cáo Quốc hội, tăng 4,1% so với cùng kỳ; nếu không kể khoản thu cổ tức và nhuận còn lại theo Thông tư số 187/2013/TT-BTC thì ước đạt 489.900 tỷ đồng, bằng 103,8% so với dự toán, bằng 99,2% so với số báo cáo Quốc hội, tăng 1,4% so với cùng kỳ.
Nỗ lực của ngành Thuế và Hải quan đã góp phần không nhỏ vào thu NSNS. Năm 2014, thu NSNN ước đạt 930.100 tỷ đồng, đạt 109,6% dự toán pháp lệnh, tăng 3,3% so với thực hiện năm 2013.