Ngành Thuế Nghệ An đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ để vượt khó
(Tài chính) Ông Nguyễn Đình Hoà, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nghệ An cho biết, kết quả thu ngân sách quý I/2013 cho thấy đây vẫn là một năm rất khó khăn. Trước bối cảnh đó, Cục Thuế Nghệ An đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trong quý I/2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An chỉ đạt khoảng 4,81%. Ba tháng đầu năm có hơn 800 DN ngừng kinh doanh, 377 DN đóng mã số thuế, 257 DN được thành lập mới. Bình quân hàng tháng có 10% DN nộp tờ khai bằng không (không có doanh thu, chi phí, thuế).
Ngoài ra, số nợ thuế trên địa bàn toàn Tỉnh vẫn tăng cao. Tính đến ngày 31/3 tổng nợ thuế ở mức 705,9 tỷ đồng, tăng 13% so với thời điểm ngày 31/12/2012. Hầu hết các đơn vị đều có số nợ tăng, trong đó: DN khối Văn phòng quản lý tăng 17% (tương ứng với 56 tỷ đồng), DN khối huyện quản lý tăng 9% (tương ứng 26,7 tỷ đồng). Một số DN có số nợ thuế lớn, dây dưa nhiều năm, mặc dù cơ quan thuế đã tích cực áp dụng nhiều biện pháp song vẫn chưa thu hồi được nợ thuế như: Công ty TNHH Tổng Công ty Đầu Tư Và Hợp tác Kinh tế Việt Lào nợ 21 tỷ đồng; Công ty cổ phần Cầu đường Nghệ An nợ 12,3 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Miền Trung nợ 16,2 tỷ đồng...
Có thể nói, bối cảnh trên đã phần nào lí giải cho những khó khăn của cơ quan thuế trong việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách. Theo số liệu báo cáo sơ kết quý I/2013 của ngành Thuế Nghệ An, tổng thu nội địa của toàn Tỉnh đạt 1.092,7 tỷ đồng, bằng 24% dự toán pháp lệnh, bằng 93% so với cùng kỳ. Thu nội địa trừ tiền sử dụng đất đạt 1.000,7 tỷ đồng, bằng 24% dự toán và bằng 100% so với cùng kỳ năm 2012.
Thống kê cũng cho thấy, hầu hết các khoản thu đều đạt thấp (dưới 25%); có 3 khoản thu đạt trên 25% so với dự toán: Thu từ khu vực dân doanh, Thuế TNCN, Phí, lệ phí. Thậm chí, có 8/13 khoản thu chỉ đạt dưới 20% dự toán trong đó: DN FDI đạt 19%, DN nhà nước địa phương đạt 17%, Thuế bảo vệ môi trường đạt 17%, Thu cố định tại xã đạt 12%, tiền thuê mặt đất mặt nước đạt 11%, Tiền sử dụng đất đạt 10%, Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 8%, Thu khác ngân sách đạt 7%...
Tuy nhiên, vẫn có một số khoản thu có mức tăng trưởng, cụ thể: Thu từ DN Trung ương tăng 2%, Thu từ DN dân doanh tăng 2%, Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tăng 420% (bắt đầu ổn định thu), Phí, lệ phí tăng trên 45%.
Tính theo địa bàn, nhiều đơn vị có tỷ lệ thu đạt khá nhưng số dự toán lại thấp, ngược lại các đơn vị có dự toán cao tỷ lệ đạt thấp như Chi cục Thuế TP.Vinh 17%, Quỳnh Lưu 22%, Diễn Châu 19%, Quỳ Hợp 26%. Vì vậy, tổng số thu vẫn giảm so với cùng kỳ. Thậm chí, một số đơn vị có mức tăng trưởng âm như Đô Lương 80%, Thanh Chương 85%, Quỳ Hợp 62% so với cùng kỳ năm 2012…
Về số thu ngân sách quý I/2013, theo Cục thuế Nghệ An, ngoài các yếu tố thuận lợi về thị trường ở một số ngành, lĩnh vực tạo số thu tăng trưởng (như: bia, viễn thông, thủy điện), thì vẫn còn nhiều nguyên nhân làm giảm số thu, cụ thể: Lượng hàng hóa tồn kho vẫn lớn, hoạt động xuất khẩu vẫn chưa mấy sảng sủa, nhiều dự án vẫn nằm im, nhu cầu tiêu dùng sau tết chững lại... Bên cạnh đó, các DN có nhu cầu vốn đầu tư song vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng giá rẻ.
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Để đạt mục tiêu trong năm 2013, bên các giải pháp tháo gỡ quan trọng của UBND tỉnh Nghệ An về chính sách đất đai, bất động sản, theo Cục trưởng Nguyễn Đình Hoà, toàn ngành Thuế phải triển khai đồng bộ 9 nhiệm vụ giải pháp sau đây:
Một là, tiếp tục triển khai nghiêm túc, kịp thời Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và các Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc gia hạn, giảm một số khoản thu ngân sách Nhà nước.
Hai là, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thu, nắm chắc các nguồn thu và số lượng người nộp thuế trên địa bàn. Chú trọng công tác phân tích, đánh giá và dự báo nguồn thu theo từng địa bàn, từng lĩnh vực để phục vụ công tác điều hành của Lãnh đạo.
Ba là, tích cực khai thác nguồn thu để bù đắp số hụt thu; phối hợp với Ngân hàng, Kho bạc các Ban Quản lý dự án để quản lý hết nguồn thu. Thực hiện nghiêm túc các chương trình chống thất thu.
Bốn là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại DN. Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ tại các đơn vị. Kết hợp thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế với kiểm tra sau hoàn thuế và chú trọng vào những lĩnh vực kinh doanh được xác định là tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Năm là, triển khai quyết liệt các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Rà soát các khoản nợ, tiền phạt không còn khả năng thu phát sinh trước 01/7/2007 để làm thủ tục xóa nợ theo quy định của Chính phủ.
Sáu là, tăng cường và đa dạng hoá các kênh tuyên truyền và hỗ trợ cho người nộp thuế. Tăng tần suất giao lưu trực tuyến qua cổng thông tin điện tử 1 lần/tháng; duy trì chuyên mục Dân hỏi, cơ quan thuế trả lời 2 kỳ/tháng. Đặc biệt là tuyên truyền rộng rãi chính sách pháp luật thuế mới được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 01/7/2013.
Bảy là, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, nộp thuế, hoàn thuế của DN và các tổ chức, cá nhân nộp thuế. Thu đầy đủ, kịp thời vào NSNN đối với các khoản thuế đã hết thời gian gia hạn trong năm 2013.
Tám là, tham mưu cho UBND các cấp chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, thống kê tình hình sử dụng đất ở, đất thuộc các dự án, đất dùng làm mặt bằng sản xuất kinh doanh nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất để có cơ sở quản lý thu thuế và các khoản thu liên quan đến đất đai.
Chín là, tiếp tục triển khai hỗ trợ DN kê khai, nộp thuế qua mạng internet; Phối hợp với các ngành Kho bạc, Hải quan, Tài chính, Ngân hàng để trao đổi thông tin quản lý và thu nộp thuế.
Năm 2013, Cục Thuế Nghệ An sẽ phấn đấu hoàn thành mục tiêu 4.884 tỷ đồng. Hy vọng rằng, với quyết tâm cao và các giải pháp đồng bộ được lãnh đạo Cục Thuế đề ra, ngành Thuế Nghệ An sẽ phấn đấu hoàn thành dự toán được giao.