Ngành Thuế rốt ráo xử lý nợ đọng thuế

Theo baohaiquan.vn

Để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế ngay trong năm 2018 xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước, ngành Thuế vừa ban hành Phương án xử lý nợ đọng thuế.

 

Nợ thuế có xu hướng tăng

Ngày 1/1/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-về những nhiệm vụ, giải pháp chủ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, trong đó có giao Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo “xử lý, thu hồi nợ thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế ngay trong năm 2018 xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước”. Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã quán triệt và chỉ đạo cơ quan Thuế khẩn trương triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý nợ thuế ngay từ đầu năm 2018.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thuế, tình hình nợ đọng thuế từ đầu năm đến nay có xu hướng tăng lên. Theo báo cáo của cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng số thuế nợ do cơ quan Thuế quản lý (không bao gồm tiền thuế đã nộp ngân sách nhà nước đang chờ điều chỉnh và tiền thuế nợ đang chờ xử lý, đang khiếu nại) đến 31/10/2018 là 81.555 tỷ đồng, bằng 7,4% dự toán thu nội địa năm 2018. Dù số nợ này giảm 1,7% so với thời điểm 30/9/2018 nhưng vẫn tăng 11,5% so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu là 46.273 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 56,7% tổng số tiền thuế nợ); tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 35.282 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 43,3% tổng tiền thuế nợ và tăng 12,1% so với thời điểm 31/12/2017).

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, hầu hết địa phương có số nợ đọng thuế tăng so với thời điểm ngày 31/12/2017. Số nợ thuế tăng cao này ngoài nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan là do sự phối hợp giữa các ngành chức năng với cơ quan quản lý thu có lúc, có nơi chưa thường xuyên, chặt chẽ, thiếu tích cực trong việc thu hồi nợ đọng thuế. Đáng chú ý, một số cục thuế địa phương còn chậm trễ trong việc hoàn thiện hồ sơ xoá nợ thuế đối với các khoản nợ không còn khả năng thu hồi theo quy định của Luật Quản lý thuế, dẫn đến tình trạng nợ thuế trên địa bàn một số địa phương còn cao và kéo dài.

Theo đại diện Tổng cục Thuế, để tăng cường xử lý nợ đọng thuế theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế và cơ quan thuế, nâng cao hiệu quả hiệu lực đối với công tác quản lý nợ thuế thì cần thiết phải xây dựng phương án đôn đốc thu và xử lý nợ đọng thuế. Chính vì vậy, mới đây, Tổng cục Thuế đã ban hành Phương án xử lý nợ đọng thuế do ngành Thuế quản lý với mục tiêu thu hồi kịp thời số nợ thuế, phấn đấu đạt chỉ tiêu số nợ thuế tại thời điểm 31/12/2018 không vượt quá 5% tổng số thực thu ngân sách nhà nước năm 2018.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan

Để đạt được mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đã giao, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế phân công, giao nhiệm vụ xử lý nợ đọng thuế cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân nợ thuế cho từng đồng chí lãnh đạo cục thuế, lãnh đạo phòng… gắn trách nhiệm thực hiện xử lý nợ thuế với việc bình xét thi đua.

Đáng chú ý, đối với Cục Thuế Hà Nội và Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, Tổng cục Thuế yêu cầu cục trưởng chủ trì làm việc với doanh nghiệp nợ thuế trên 50 tỷ đồng; Phó Cục trưởng chủ trì làm việc với doanh nghiệp nợ thuế từ 30 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng; trưởng phòng chủ trì làm việc với doanh nghiệp nợ thuế từ 10 tỷ đồng đến dưới 30 tỷ đồng…

Đối với các cục thuế khác như: Bình Dương, Thái Bình, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Bình Thuận, Đà Nẵng, Nghệ An, Hưng Yên, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hoà, Bắc Ninh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hải Dương, cục trưởng cục thuế phải chủ trì làm việc với doanh nghiệp nợ thuế trên 10 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ cụ thể đến từng đối tượng. Đồng thời thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế. Đồng thời, phải phối hợp với cơ quan Tài nguyên và Môi trường để tăng cường phối hợp xử lý các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh đối với người nộp thuế chây ì nợ thuế. Phối hợp với Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước để thu hồi nợ thuế đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản thông qua công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Đặc biệt phải phối hợp với cơ quan Công an thực hiện cưỡng chế thu nợ đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bỏ trốn, tẩu tán tài sản cố tình nợ thuế, chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước.