Ngành Thuế tập trung triển khai nhiệm vụ tháng cuối năm

Việt Dũng

Trên cơ sở dự báo tình hình sản xuất kinh doanh và thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) của các doanh nghiệp trong tháng 12/2022, Tổng cục Thuế dự ước tổng thu NSNN do cơ quan Thuế quản lý tháng 12/2022 ước đạt 96.600 tỷ đồng.

Cán bộ, công chức ngành Thuế trao đổi các giải pháp thu ngân sách những tháng cuối năm.
Cán bộ, công chức ngành Thuế trao đổi các giải pháp thu ngân sách những tháng cuối năm.

Theo Tổng cục Thuế, công tác quản lý thu do cơ quan thuế quản lý trong 11 tháng của năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trước bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi áp lực từ sức ép lạm phát tăng cao, xung đột địa chính trị leo thang, khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng kéo theo khủng hoảng các thị trường hàng hóa khác.

Trong nước, một số ngành nghề đã và đang phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức… Bên cạnh đó, kết quả thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thuế còn thấp, số nợ đọng thuế còn cao...

Những thách thức trên dự báo sẽ tạo áp lực cho ngành Thuế trong triển khai thực hiện nhiệm vu thu NSNN  tháng cuối năm cũng như trong năm 2023.

Do vậy, trong thời gian còn lại của năm 2022 cũng như trong những tháng tiếp theo, toàn ngành Thuế tiếp tục tập trung triển khai các biện pháp quản lý thu, khai thác tăng thu NSNN. 

Để chuẩn bị tốt nhất cho thời gian tới, bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, cơ quan Thuế các cấp tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp công tác quản lý thu; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính; kiểm soát chặt chẽ nguồn thu; tập trung nhiệm vụ công tác thanh tra, kiểm tra; siết chặt quản lý thu hồi nợ, hạn chế nợ đọng thuế; tăng cường chống thất thu thuế..., trong đó tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất, nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2022 ở mức cao nhất, toàn ngành Thuế tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất các giải pháp hỗ trợ người nộp thuế (NNT) vượt qua khó khăn, giúp doanh nghiệp (DN) có thêm nguồn lực tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề cho tăng thu NSNN bền vững, đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật thuế và các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế theo hướng bao quát được hết nguồn thu, nâng cao năng lực quản lý thuế cho cơ quan thu, phòng chống gian lận, trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế.

Thứ hai, cơ quan Thuế sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ nguồn thu trên địa bàn để tổ chức giao nhiệm vụ thu cho từng đơn vị quản lý thu để tập trung chỉ đạo điều hành, đôn đốc thu kịp thời các khoản tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn khi hết thời hạn gia hạn nộp thuế vào NSNN trong những tháng cuối năm 2022 theo quy định của pháp luật về thuế.

Thứ ba, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách đã ban hành, nâng cao hiệu quả các gói chính sách, tham mưu các giải pháp căn cơ về tài khoá, tiền tệ, về đầu tư, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng nền kinh tế…

Thứ tư, tiếp tục tổ chức triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế trên phạm vi cả nước ở tất cả các khâu quản lý thuế, hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động kinh doanh của người nộp thuế. Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu hóa đơn điện tử trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến.

Trong công tác điện tử hóa quản lý thuế, ngành Thuế tập trung hiện đại hóa quản lý thu ở tất cả các khâu như: quản lý đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, thực hiện phân tích rủi ro, quản lý nợ đọng thuế theo phương thức điện tử, quản lý hóa đơn điện tử, tiếp tục điện tử hóa đối với công tác quản lý lệ phí trước bạ, cho thuê nhà, các loại phí, lệ phí...

Bên cạnh đó, đồng bộ, kết nối cơ sở dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước để quản lý đối với các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản... thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trong toàn ngành Thuế.

Thứ năm, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các giải pháp về quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ thuế, kiểm soát chặt công tác hoàn thuế giá trị gia tăng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, chỉ tiêu thu nợ; thực hiện phân loại các khoản nợ thuế đầy đủ và theo đúng hướng dẫn tại Quy trình quản lý nợ thuế để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp. Tiếp tục xử lý nợ theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14...

Trong đó, ngành Thuế sẽ chú trọng tập trung lực lượng, đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kiểm tra, khẩn trương hoàn tất các cuộc thanh tra, kiểm tra. Đẩy nhanh ban hành biên bản kết luận thanh tra, kiểm tra, thu và xử lý thu kịp thời các khoản thu phát hiện qua thanh tra, kiểm tra vào NSNN. Đôn đốc thu các khoản phải thu theo kết luận phải thu của các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước vào NSNN kịp thời...

Tiếp tục tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, tiếp tục rà soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán, Thanh tra; tập trung quản lý đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản (BĐS), hoạt động khai thác tài nguyên khoảng sản, thuế TNCN của cá nhân có nhiều nguồn thu nhập... để mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn nguồn thu, tăng thu cho NSNN...

Thứ sáu, tiếp tục triển khai chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS, cơ quan Thuế đẩy mạnh công tác phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý, nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai phục vụ công tác quản lý các khoản thu từ đất và BĐS.

Tăng cường công tác quản lý thuế, xây dựng chuyên đề thanh tra - kiểm tra đối với NNT nhằm phát hiện các hành vi trốn thuế, gian lận thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS, thực hiện ấn định thuế, truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định của pháp luật.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS tới người dân, DN bằng nhiều hình thức đa dạng. Rà soát các dự án BĐS trên địa bàn, các nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất...

Tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, trao đổi thông tin với văn phòng đăng ký đất đai... để tham mưu cho UBND các tỉnh, thành kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục để triển khai nhanh đối với các dự án, kịp thời đôn đốc các nguồn thu từ đất đai vào NSNN.