Ngành Thủy sản gặp khó
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tính đến tháng 9, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chạm mốc 8,5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD vào cuối tháng 11, đạt mục tiêu Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đề ra.
Thiếu nguyên liệu
HTX Kỳ Như, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, hiện có 24 thành viên, nhưng chỉ có trên 10 hộ nuôi cá thát lát. Với nguồn lực này, trung bình mỗi tháng cung ứng từ 30-35 tấn cá thát lát nguyên liệu để phục vụ chế biến, cung cấp cho thị trường.
Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Kim Thùy - Giám đốc HTX Kỳ Như, cho biết: Giá cá thát lát hiện khoảng 143.000 đồng/kg, đây là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay. Với chi phí nuôi mỗi ký cá thát lát chưa đến 60.000 đồng, người nuôi lãi trên dưới 80.000 đồng/kg. Dù giá cao nhưng hiện nguồn cá thát lát trong dân không còn nhiều, do là cuối vụ
“Các thương lái bắt cá nhưng một số người dân chưa chịu bán, chờ tăng giá. Năm rồi, người dân nuôi cá lỗ nên năm nay ít nuôi, cá nguyên liệu ít thành ra giá tăng nhiều. Giá này thì năm nay người dân có thể bù lỗ cho năm rồi. Giờ giá quá cao nên không hợp đồng lại được, do rủi ro lớn. Thời điểm này giao vụ, có khoảng 1 tháng nữa sẽ tới vụ mới, nguồn nguyên liệu sẽ dồi dào”, chị Nguyễn Kim Thùy chia sẻ thêm.
Theo chị Thùy, mặc dù giá cá đầu vào tăng, nhưng với các đơn hàng đã ký trước đó, HTX Kỳ Như vẫn phải giao theo giá hợp đồng, dù phải bù lỗ trên 100.000 đồng/kg thành phẩm. Riêng các đơn hàng bán lẻ có điều chỉnh theo giá thị trường nhưng vẫn đảm bảo để người tiêu dùng yêu thích đặc sản Hậu Giang có thể tiếp cận. Chị Thùy cũng khuyến cáo, để tránh cảnh thừa hàng, dội chợ, người dân không nên nuôi ồ ạt mà chưa tính đến chuyện đầu ra, tránh tình trạng cung vượt cầu, giá cá sụt giảm.
Tương tự cá thát lát, giá cá tra nguyên liệu thời điểm này đang ở mức cao nhưng người nuôi không mấy mặn mà. Lý giải điều này, các hộ nuôi cá cho biết, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, nhiều hộ bỏ ao hoặc nuôi cầm chừng. Cá tra tới kỳ xuất bán không có đầu ra dẫn đến quá lứa, đội chi phí sản xuất lên rất cao. HTX nuôi thủy sản Đại Thắng, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy có 22 thành viên, nhưng hiện số hộ đang nuôi cầm chừng chỉ khoảng 5 hộ. Giá bán cá tra tăng nhưng nhiều thành viên vẫn chưa vội thả nuôi lại, nguyên nhân do chi phí đầu vào tăng và khó về nguồn vốn vay nên nhiều hộ treo ao.
Ông Nguyễn Tấn Phong - Giám đốc HTX nuôi thủy sản Đại Thắng, nhẩm tính: “Hiện giá cá tra được thương lái thu mua khoảng 29.000-30.000 đồng/kg, thậm chí một số lái mua với giá 31.000 đồng/kg. Nhưng với giá thức ăn đang cao nhưng hiện nay, người nuôi vẫn lỗ. Hiện thức ăn 14.000 đồng/kg, bà con nuôi giỏi lắm tính ra mỗi ký cá từ lúc nuôi đến xuất bán bà con phải tốn khoảng 1,7kg thức ăn, tính ra với giá như hiện nay thì chi phí thức ăn bà con đã tốn 23.800 đồng/kg, chưa kể tiền con giống và các chi phí khác”.
Cơ hội, thách thức đan xen
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thách thức hiện hữu của ngành là thiếu nguyên liệu đầu vào. VASEP phân tích, trong khi nguồn thủy sản nuôi trồng không tăng lên mà còn có xu hướng giảm, do chi phí thức ăn, giống cũng tăng cao. Nếu ví nguyên liệu đầu vào là mạch máu giúp các nhà máy thủy sản vận hành thì thiếu nguyên liệu kéo dài sẽ khiến các nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản sẽ rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn.
Đại diện Công ty Cổ phần Thủy sản Biển Đông Hậu Giang, cho hay: Doanh nghiệp có 2 xưởng sản xuất với khoảng 2.000 công nhân. Từ khi qua dịch đến nay, đơn vị bị động về nguồn nguyên liệu đầu vào. Thế nhưng hiện nay, số công nhân còn lại khoảng 500 người, làm việc cầm chừng. Để duy trì sản xuất, đơn vị này phải nhờ vào nguồn cá tra từ vùng nuôi của công ty cung cấp xuống nhà máy.
Chị Hồ Thị Cẩm Nhung - Phòng tổ chức Công ty Cổ phần Thủy sản Biển Đông Hậu Giang, cho biết: “Thời điểm này, lượng cá trong dân không còn nhiều. Hiện mỗi ngày chỉ khoảng 30 tấn nguyên liệu, lúc trước tùy thời điểm có khi lên hơn 100 tấn/ngày. Người lao động cũng nghỉ nhiều do dịch bệnh và vì không có nguyên liệu. Đơn hàng từ đây đến cuối năm còn nhiều, nguy cơ không đủ nguồn nguyên liệu, nhân lực để làm”.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, hiện nay có 279 doanh nghiệp thành viên và đang chiếm khoảng 80-83% kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho hay: “Năm nay, chúng tôi có tính toán để khẳng định, lần đầu tiên chúng ta vượt mốc xuất khẩu trên 10 tỉ USD đối với thủy sản Việt Nam và sẽ tăng khoảng 12-15% so với năm 2021. Trong đó sản phẩm nuôi trồng thủy sản là cá tra và tôm sẽ chiếm khoảng 65%, các sản phẩm khai thác biển khoảng 35%”.
Mặc dù có nhiều cơ hội, nhưng theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, thách thức lớn nhất của xuất khẩu thủy sản là đảm bảo cân bằng giữa khả năng cung ứng và nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường trọng điểm, giữa sản lượng và chất lượng theo tiêu chuẩn ngày càng khắt khe.
Quay trở lại nghịch lý là nhu cầu thế giới tăng mạnh trong khi khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp ngành thủy sản hiện nay là thiếu nguyên liệu. Các chuyên gia cho rằng, đây có thể là khó khăn trong ngắn hạn của doanh nghiệp nhưng cũng là lý do thôi thúc mỗi doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển chuỗi giá trị của mình một cách bền vững. Tăng cường hợp tác, liên kết chuỗi, chia sẻ kinh nghiệm, liên kết vùng sản xuất giống một cách chặt chẽ thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm tiến tới tự chủ hoàn toàn nguyên liệu, có thể đẩy mạnh nhập khẩu để chế biến, từ đó giúp giá trị xuất khẩu tăng mạnh hơn.