Ngành xi măng gia tăng cạnh tranh bằng nâng cao năng suất
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động rất lớn đến ngành vật liệu xây dựng, để gia tăng cạnh tranh, các doanh nghiệp sản xuất xi măng cần thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Sản xuất xi măng duy trì tăng trưởng ổn định
Theo dự báo của Công ty Nghiên cứu, phân tích kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính và các ngành công nghiệp BMI (Business Monitor International), ngành xây dựng toàn cầu sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 4,5% trong vài năm tới, phát triển mạnh ở khu vực châu Á, một số nước châu Phi và Trung Đông.
BMI cũng dự báo ngành xây dựng Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng bình quân 6,5% trong 10 năm tới nhờ lợi thế về dân số và sự phát triển kinh tế chung. Điều này sẽ giúp ngành sản xuất xi măng duy trì mức tăng trưởng ổn định, trong khi ngành sản xuất kính xây dựng sẽ không có nhiều biến động.
Viện Vật liệu xây dựng dự báo, nhu cầu tiêu thụ xi măng ở trong nước sẽ tăng nhẹ trong khoảng thời gian tới, đạt mức 85 - 95 triệu tấn vào năm 2025 và 100 - 110 triệu tấn vào năm 2030. Trong khi đó, sản lượng xi măng xuất khẩu trong vòng 10 năm tới có thể chỉ ổn định ở mức 25 - 35 triệu tấn.
Tương tự, nhu cầu tiêu thụ kính xây dựng ở Việt Nam trong 10 năm tới được dự báo ổn định ở mức 200 - 230 triệu m2, nhu cầu xuất khẩu khoảng 10 - 20 triệu m2.
Trong tương lai, các công trình xây dựng sẽ chú trọng đến khả năng chịu lực, độ bền theo thời gian, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất, xây lắp và đặc biệt là phải thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu tại nơi xây dựng.
Các vật liệu xây dựng như xi măng hay kính xây dựng cũng sẽ phát triển theo hướng tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường.
Nỗ lực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm
Nhiều chuyên gia cho rằng, để gia tăng cạnh tranh, các doanh nghiệp sản xuất xi măng cần thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Giải pháp khả thi đầu tiên là ban hành các cơ chế khuyến khích đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, sử dụng nguyên liệu tái chế, nhiên liệu thay thế và có cơ chế quản lý siết chặt đối với sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu phát triển các công nghệ sản xuất và xử lý môi trường sạch hơn, sử dụng phế thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế, giảm tiêu hao năng lượng; công nghệ khai thác, xây dựng quy hoạch khoáng sản có tính đến biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế, kỹ thuật, công nhân kỹ thuật lành nghề, chuyên gia đủ trình độ nắm bắt thông tin khoa học kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng.
Giải pháp khả thi được nhắc tới còn có nâng cao năng lực chế tạo cơ khí trong nước nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành xây dựng, bắt đầu từ việc sản xuất các chi tiết, phụ tùng thay thế phục vụ việc sửa chữa.
Việc này sẽ giúp Việt Nam giảm tỷ lệ nhập khẩu và tiến tới nghiên cứu, chế tạo các thiết bị, phụ tùng thay thế cho các dây chuyền sản xuất một số chủng loại vật liệu xây dựng.
Thời gian qua, Xi măng Bỉm Sơn là một trong những doanh nghiệp có nhiều nỗ lực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ngay năm 2019, dự án chuyển đổi công nghệ hệ thống nghiền xi măng đến đóng bao của Công ty đã hoàn thiện và đi vào vận hành, nâng công suất sản xuất của công ty lên 4,5 triệu tấn/năm.
Việc này đã giúp giải quyết việc thiếu hụt sản lượng nghiền xi măng, giảm chi phí sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, đồng thời đáp ứng yêu cầu chuyển đổi chủng loại xi măng một cách nhanh chóng.
Đi đôi với việc đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ hệ thống nghiền xi măng đến đóng bao, Công ty luôn chú trọng và không ngừng tập trung tái cấu trúc mô hình tổ chức, nghiên cứu, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhu cầu mọi phân khúc thị trường.
Đồng thời, Công ty còn tổ chức vận hành chỉ số đánh giá mức độ hoàn thành công việc (KPI)... để nâng cao năng lực sản xuất cho từng bộ phận trong các công đoạn sản xuất.
Xi măng Bỉm Sơn cũng luôn nỗ lực xây dựng, hoàn thiện quy trình quản lý chất lượng, thực hiện chuẩn hóa từ khâu đầu vào đến đầu ra của sản xuất. Trong công tác vận hành sản xuất, đơn vị luôn đề cao nhiệm vụ tối ưu hóa từng công đoạn, nhất là chú trọng phối nguyên liệu…