Ngành Y tế: Dự kiến hoàn thành cuộc “đại phẫu” trong năm 2015

Thái Hằng

(Tài chính) Bộ Y tế dự kiến sẽ hoàn thành công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước vào năm 2015 theo như chỉ đạo của Chính phủ.

Các DN dược đang thiếu vốn để mở rộng đầu tư sản xuất. Nguồn: internet.
Các DN dược đang thiếu vốn để mở rộng đầu tư sản xuất. Nguồn: internet.

Còn không ít gian nan và thử thách

Tính đến nay, có 8 doanh nghiệp (DN) độc lập trực thuộc Bộ Y, trong đó có hai Tổng công ty (Tổng Công ty Dược Việt Nam và Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam) với 3 DN thành viên 100% vốn Nhà nước và 26 DN có vốn góp Nhà nước với tổng số vốn Nhà nước là 3.206,958 tỷ đồng. Theo đó, Tổng Công ty Dược có 4 DN 100% vốn Nhà nước và 19 DN có vốn góp Nhà nước; Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam có 1 DN 100% vốn Nhà nước và 7 DN có vốn góp của Nhà nước.

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, triển khai Nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua Bộ Y tế đã đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới DN trực thuộc Bộ. Theo đó, với 11 DN 100% vốn Nhà nước Bộ Y tế đã và đang triển khai các bước cụ thể sau:

- Cổ phần hóa 5 DN 100% vốn Nhà nước (Công ty TNHH Một thành viên Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam, Công ty TNHH Một thành viên Dược khoa – Trường Đại học Dược Hà Nội, Công ty TNHH Một thành viên Dược phẩm Trung ương 1, Công ty TNHH Một thành viên Dược phẩm Trung ương 2 và  Công ty TNHH Một thành viên Dược phẩm Trung ương 3);

- Thực hiện chuyển Trung tâm Hợp tác Chuyên gai và Nhân lực Y tế với nước ngoài thành đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế;

- Duy trì 1 DN 100% vốn Nhà nước là Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản Y học;

- Chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc cổ phần hóa tiếp 4 công ty 100% vốn Nhà nước trong năm 2014 (Công ty TNHH Một thành viên Tổng Công ty Dược Việt Nam, Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1, Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm Nha Trang, Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin Pasteur Đà Lạt).

Mặc dù dự kiến công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sẽ hoàn thành vào năm 2015 song Bộ Y tế vẫn khẳng định, chặng đường từ nay đến đấy sẽ không ít gian nan và thử thách. Bởi ngành Y tế hiện nay chỉ còn 8 DN độc lập trực thuộc, trong đó có 3 DN sản xuất vắc sxin và sử dụng nguồn vốn vay ODA để nghiên cứu, sản xuất và đều tách ra từ các đơn vị sự nghiệp nên tài sản, đất đai vướng mắc khi thực hiện cổ phần hóa. Cụ thể như:

Đối với Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1: Hệ thống nhà xưởng chưa được cấp chứng chỉ GMP và WHO dẫn tới việc sản phẩm không thể xuất khẩu và cung ứng cho các tổ chức quốc tế. Sản lượng vắc xin sản xuất ra thấp hơn nhiều so với công suất thiết kế làm tăng các chi phí sản xuất. Sản phẩm chủ yếu phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng giá vắc xin do Nhà nước kiểm soát, thấp hơn so với giá thành sản xuất. Hầu hết các sản phẩm đều là vắc xin cổ điển, đơn giá, công nghệ sản xuất thuộc thế hệ cũ. Trong khi việc thu hút các nguồn vốn đầu tư khác, tiếp cận với các dự án cho ngành công nghiệp kỹ thuật cao hết sức khó khăn do đây là DN 100% vốn Nhà nước và hoạt động công ích. Chưa kể, nghiên cứu và sản xuất vắc xin là ngành công nghiệp yêu cầu tỷ suất đầu tư lớn do yêu cầu nghiêm ngặt về điều kiện an toàn, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, thiết bị đắt tiền, tỷ suất hoàn vốn thấp, hệ số rủi ro cao do công nghệ sản xuất vắc xin thay đổi rất nhanh dẫn tới việc khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng hoặc các thể chế tài chính. Chính vì vậy, việc hỗ trợ đầu tư, tái đầu tư từ ngân sách nhà nước là không khả thi…

Đối với Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin Pasteur Đà Lạt: Khi chuyển đổi mô hình hoạt động sang Công ty TNHH Một thành viên, khó khăn về vốn để mở rộng đầu tư phát triển sản xuất thêm các sản phẩm mới, khó tiếp cận với các nguồn vốn vay của ngân hàng do không có tài sản thế chấp. Hơn nữa, mặc dù được đầu tư nhà máy sản xuất vắc xin thương hàn Vi vốn ODA có công suất thiết kế lớn (6 triệu liều/năm), vốn đầu tư ban đầu trên 100 tỷ nhưng số lượng đơn đặt hàng lại quá thấp, chỉ từ 150-300 liều/năm, tương ứng 1,2-3 tỷ đồng/năm và chi cho nâng cấp thiết bị máy móc do trang thiết bị ban đầu được tài trợ không đồng bộ. Không khi tài sản này chưa được giao và tính vào nguồn tài sản của công ty chính thức, nên không được tính khấu hao khi tính thuế.

Giúp doanh nghiệp chủ động hơn

DS. Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết: Sau khi tiến hành khảo sát toàn diện các đơn vị sản xuất vắc xin, nhận thấy, sản lượng ngày càng giảm trong khi nhu cầu vốn của DN để đầu tư mở rộng sản xuất lại lớn. Do đó, Bộ Y tế đã báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai cổ phần hóa ngay Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm Nha Trang, Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin Pasteur Đà Lạt và Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 trong năm 2014. Hai đơn vị còn lại là Viện Vắc xin và Sinh phẩm Nha Trang và Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắc xin và Sinh phẩm Y tế sẽ được chuyển đổi thành Công ty TNHH Một thành viên và tiến hành cổ phần hóa, tiến tới thành lập Tổng Công ty sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế.

Đồng thời, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cấp cho Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 quỹ đất để xây dựng một nhà máy mới theo chuẩn GMP và WHO tại khu Công nghệ cao Láng Hòa Lạc, diện tích dự kiến là 20ha do Nhà nước cấp. Đây là tiền đề tối quan trọng cho việc đạt được chứng nhận GMP và WHO. Việc đầu tư mới này sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với việc sửa chữa, nâng cấp, cải tạo nhà máy cũ hiện nằm trong nội đô thành phố, không phù hợp với điều kiện và tiêu chuẩn cho môi trường sản xuất công nghiệp.

Đối với Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin Pasteur Đà Lạt, Bộ Y tế cũng đề nghị khi thực hiện cổ phần hóa, cần xem xét chuyển vốn của Xưởng sản xuất vắc xin Thương hàn tại Công ty (vốn vay ODA Hàn Quốc) từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để thuận tiện cho việc hoạt động và thực hiện kế hoạch cổ phần hóa trong thời gian tới.

Dự kiến trong những tháng cuối năm 2014 và năm 2015, Bộ Y tế sẽ thực hiện công tác cổ phần hóa DN theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, cổ phần hóa xong 8 DN 100% vốn Nhà nước và thoái vốn Nhà nước tại DN có vốn góp mà Nhà nước không cần nắm giữ. Cụ thể:

- Hoàn thành việc chuyển Trung tâm Hợp tác Chuyên gai và Nhân lực Y tế với nước ngoài trong năm 2015.

- Duy trì mô hình công ty TNHH Một thành viên 100% vốn Nhà nước đối với Nhà Xuất bản Y học theo chỉ đạo của Thủ tướng.

- Hoàn thành việc cổ phần hóa Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt nam vào quý I/2015. Hoàn tất thủ tục bàn giao từ DN Nhà nước sang công ty cổ phần tại Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng y tế…