Bàn về vấn đề huy động và sử dụng nguồn vốn ODA tại Việt Nam

ThS. ĐINH THỊ HẢI PHONG - Học viện Tài chính

Nguồn vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) và các nguồn vốn vay ưu đãi khác có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, y tế, giáo dục và đào tạo, xóa đói, giảm nghèo… Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, nguồn và phương thức viện trợ ODA cũng có nhiều thay đổi, đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành phải thích ứng để tranh thủ và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Điểm sáng nguồn vốn ODA

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 1993 - 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết hỗ trợ cho Việt Nam đã lên đến 89,5 tỷ USD; tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỷ USD, bình quân 3,5 tỷ USD/năm; vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân đạt 53,98 tỷ USD, chiếm trên 73,2% tổng vốn ODA đã ký kết. Hiệu quả sử dụng ODA được các nhà tài trợ đánh giá tích cực.

Thông qua các hoạt động hợp tác phát triển, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt trên 1.590 triệu USD (vốn vay ODA và vay ưu đãi 1.573 triệu USD, viện trợ không hoàn lại đạt 17 triệu USD), bằng 70,54% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi huy động trong 6 tháng đầu năm 2015 vẫn tập trung cao ở các lĩnh vực hạ tầng kinh tế (giao thông vận tải, môi trường) và chiếm tỷ trọng tương đối lớn (69,87%). Các lĩnh vực khác như nông nghiệp, nông thôn và xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, tăng cường năng lực thể chế, phát triển nguồn nhân lực… chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn (30,13%).

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt khoảng 1.917 triệu USD (ODA vốn vay: 1.736 triệu USD, ODA viện trợ không hoàn lại: 181 triệu USD). Mức giải ngân này thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm 2014, một phần do trong 6 tháng đầu năm 2014 có các khoản vay giải ngân nhanh của Chương trình tín dụng hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh, Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu…với tổng giá trị khoảng 350 triệu USD và một phần do các nhà tài trợ quy mô lớn thuộc Nhóm 6 ngân hàng phát triển đều có mức giải ngân thấp hơn (ADB: 331/899 triệu USD; Cơ quan Phát triển Pháp - AfD: 59/82 triệu USD, Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc - KEXIM: 46/65 triệu USD; Ngân hàng tái thiết Đức - KfW: 14/108 triệu USD; Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JICA: 575/1.171 triệu USD; WB: 577/781 triệu USD).

Mức giải ngân ODA và vốn vay ưu đãi không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương. Những chương trình, dự án trong các lĩnh vực như giao thông, năng lượng điện, phát triển đô thị có mức giải ngân cao hơn so với các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục và đào tạo, thông tin truyền thông, lao động, thương binh và xã hội. Tương tự, giải ngân của các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có mức cao hơn nhiều so với các địa phương khác trong cả nước. Có nhiều dự án đầu tư quy mô lớn có mức giải ngân cao trong 6 tháng đầu năm 2015. Trong đó, ở lĩnh vực giao thông: Dự án Xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (Nhật Bản và WB), dự án Xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (ADB), dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên (Nhật Bản), dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông (ADB), dự án Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (ADB và Nhật Bản)... Trong lĩnh vực môi trường và phát triển đô thị: Dự án Nâng cấp đô thị TP. Hồ Chí Minh (WB), Nâng cấp đô thị khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (WB)... Trong lĩnh vực năng lượng: Dự án Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 (ADB), Dự án Thủy điện Huội Quảng (Pháp), Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn và lưới điện truyền tải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Nhật Bản)…

Theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2015 số dự án được xếp hạng từ trung bình trở lên chiếm tỷ lệ 86%, số dự án đạt mức giải ngân từ 40% trở lên so với kế hoạch giải ngân năm chiếm 51%. Kết quả xếp hạng tuy cao hơn nhưng tiến độ thực hiện lại thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014. Tại khối các bộ, ngành Trung ương, Bộ Giao thông Vận tải hiện có 39 chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi với 38 dự án đầu tư và 1 dự án hỗ trợ kỹ thuật. Trong 6 tháng đầu năm 2015, 15 dự án của Bộ Giao thông Vận tải đạt mức giải ngân trên 80% so với kế hoạch, 2 dự án giải ngân khá (40%-80%) và 19 dự án giải ngân dưới 40%. Tổng số vốn giải ngân trong nửa đầu năm 2015 của Bộ Giao thông Vận tải là 502 triệu USD trên tổng số 11.882 triệu USD vốn ký kết của các chương trình, dự án đang thực hiện.

Tại Bộ Công Thương, tính đến hết quý II/2015, Bộ này quản lý 52 dự án với tổng mức đầu tư là 217.524 tỷ đồng, trong đó vốn ODA và vay ưu đãi là 157.695 tỷ đồng, vốn đối ứng là 59.829 tỷ đồng; các dự án đang được triển khai đã giải ngân được 78.700 tỷ đồng vốn ODA và vốn vay ưu đãi (đạt 50% tổng vốn ODA). Lũy kế giải ngân vốn đối ứng của các dự án đang được thực hiện tính từ thời điểm bắt đầu đến hết quý II/2015 là 21.000 tỷ đồng (đạt 35,1% tổng vốn đối ứng), trong đó, 4,8 tỷ đồng nhận từ ngân sách trung ương; 19.900 tỷ đồng do chủ dự án tự bố trí và 1.100 tỷ đồng huy động từ các nguồn vốn khác.

Tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với 30 dự án đang quản lý (chủ yếu là vốn vay) với tổng giá trị vốn trên 50.000 tỷ đồng, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2015 tại Bộ này đạt 1.884 tỷ đồng, bằng 52,57% kế hoạch năm 2015. Về tiến độ giải ngân vốn đối ứng, tổng số vốn đối ứng các dự án ODA theo quyết định đầu tư là gần 10.776 tỷ đồng. Khối lượng giải ngân vốn đối ứng trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt hơn 171,43 tỷ đông, bằng 28,2% kế hoạch vốn đối ứng năm 2015. Lũy kế giải ngân vốn đối ứng từ thời điểm thực hiện các dự án đến nay đạt 3.086 tỷ đồng, bằng 28,64% tổng vốn.

Tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, với 15 chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi đang quản lý và thực hiện, trong đó có 10 dự án đầu tư và 05 dự án hỗ trợ kỹ thuật, với tổng số vốn là 774 triệu USD. Trong số đó, 07 dự án được Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp hạng thực hiện tốt và 08 dự án xếp hạng khá. Trong 6 tháng đầu năm 2015, các dự án do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý đã giải ngân được 57,39 triệu USD vốn ODA.

Còn Bộ Y tế đang quản lý 31 chương trình, dự án ODA (18 dự án viện trợ không hoàn lại và 13 dự án vốn vay) với tổng kinh phí 28.647 tỷ đồng (1,44 tỷ USD), trong đó nguồn vốn ODA là 26.721 tỷ đồng (1,34 tỷ USD), chiếm 93,3% tổng kinh phí và vốn đối ứng là 1.763 tỷ đồng, chiếm 6,7% tổng kinh phí. Trong tổng vốn ODA, viện trợ không hoàn lại là 9.062 tỷ đồng, chiếm 33,9% và vốn ODA vay là 17.659 tỷ đồng, chiếm 66,1%. Lũy kế giải ngân thực tế vốn ODA từ khi bắt đầu thực hiện các chương trình, dự án là 8.065 tỷ đồng, đạt tỷ lệ giải ngân 30% so với tổng vốn ODA của tất cả các chương trình, dự án ODA đang triển khai do Bộ Y tế quản lý.

Bộ Xây dựng hiện có 18 chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi với 04 dự án đầu tư và 14 dự án hỗ trợ kỹ thuật. Trong 6 tháng đầu năm 2015, 08 dự án của Bộ Xây dựng đạt mức giải ngân trên 80% so với kế hoạch, 05 dự án giải ngân khá (60%-80%), 04 dự án giải ngân trung bình khá (40-60%) và 03 dự án giải ngân dưới 40%. Tổng số vốn giải ngân trong nửa đầu năm 2015 của Bộ Xây dựng là 11 triệu USD trên tổng số 77 triệu USD vốn ký kết của các chương trình, dự án đang thực hiện.

Trong khối các địa phương, TP. Hà Nội hiện đang quản lý 18 chương trình, dự án và tiểu dự án gồm 16 dự án đầu tư và 02 dự án hỗ trợ kỹ thuật với tổng số vốn ODA và vay ưu đãi ký kết là 67.554 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2015, TP. Hà Nội, đã giải ngân đạt 682 tỷ đồng vốn ODA, bằng 180% kế hoạch năm, tổng vốn đối ứng giải ngân đạt 893 tỷ đồng, bằng 75% kế hoạch năm.

TP. Hồ Chí Minh hiện đang quản lý thực hiện 13 dự án, gồm 09 dự án đầu tư và 04 dự án hỗ trợ kỹ thuật với tổng giá trị 76.052 tỷ đồng (59.616 tỷ đồng vốn ODA và 16.409 tỷ đồng vốn đối ứng). Trong 6 tháng đầu năm 2015, TP. Hồ Chí Minh đã giải ngân được 1.914 tỷ đồng vốn ODA, đạt 44,2% kế hoạch, đồng thời giải ngân được 163 tỷ đồng vốn đối ứng đạt 30,2% kế hoạch vốn được giao.

Những khó khăn vướng mắc

Bên cạnh những “điểm sáng” trong bức tranh huy động, quản lý và sử dụng các nguồn vốn vay quý giá này, vẫn còn những “mảng xám” cần khắc phục. Tình hình thực hiện các dự án trong Danh sách chậm tiến độ (trình Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2426/BKHĐT-KTĐN ngày 24/4/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, còn tới 23 chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi chậm tiến độ năm 2015. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu từ, đây là các dự án bị nhà tài trợ xếp loại dự án chậm, không đáp ứng yêu cầu và cần theo dõi để tháo gỡ vướng mắc; Các dự án được phê duyệt và thực hiện trên 3 năm nhưng giải ngân không đáng kể; Các dự án có khả năng bị chậm tiến độ do một số vấn đề gây cản trở.

Theo các báo cáo cập nhật của các cơ quan chủ quản, nhờ nỗ lực chung của các ngành, các cấp, 10/23 dự án về cơ bản đã giải quyết xong các khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đối ứng, thiếu vốn kế hoạch ODA. Cụ thể các dự án: Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội; Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện; Thành lập 5 trường cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc; Dự án giảm thất thoát nước; tăng cường, mở rộng mạng lưới cấp nước và tăng cường thể chế cho Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn giai đoạn 2011 – 2015; Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc...

Về các dự án đường sắt đô thị, ngoại trừ dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội và dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành – Suối Tiên tiến độ thực hiện đã có cải thiện, 4/6 dự án đường sắt đô thị đang triển khai tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều bị chậm trễ. Đây đều là những dự án đầu tư có quy mô và vốn đầu tư lớn, nên việc kéo dài thời gian thực hiện sẽ đẩy chi phí thực hiện dự án lên rất cao, giảm hiệu quả đầu tư và gây lãng phí nguồn lực.

Trước thực trạng trên, việc đưa ra giải pháp cụ thể để giải quyết vướng mắc cho các dự án đường sắt đô thị hiện đang yêu cầu bức thiết. Ngày 16/7/2015, ADB, AFD, KFW và JICA đã có công thư gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề xuất việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp cao đối với các dự án đường sắt đô thị để giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các dự án.

Giải pháp phát huy hiệu quả nguốn vốn vay

Làm thế nào để tiếp tục phát huy điểm sáng, giải quyết được những hạn chế trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn vốn vay là vấn đề đặt ra cần có những giải pháp hữu hiệu mang tính trước mắt và lâu dài.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương cần chú trọng lựa chọn các dự án ưu tiên, nâng cao chất lượng đảm bảo hiệu quả đầu tư trong tình hình nguồn vốn vay ngày càng đắt đỏ; Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quá trình vận động, chuẩn bị dự án, đàm phán và ký kết hiệp định; Tăng cường giám sát chặt chẽ các dự án, thúc đẩy tiến độ thực hiện và nâng cao tỷ lệ giải ngân các chương trình, dự án ODA; Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức theo ngành, lĩnh vực. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát đầy đủ danh mục các chương trình, dự án để giao vốn đầu tư nguồn nước ngoài trong dự toán ngân sách nhà nước, khắc phục tình trạng dự án không giải ngân được do không được giao kế hoạch giải ngân vốn nước ngoài.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và các nguồn vốn ưu đãi khác; đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát, chống tiêu cực, tham nhũng trong quản lý, sử dụng vốn ODA... Bên cạnh đó, để sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, cần tập trung cho các dự án có khả năng tự hoàn vốn nhanh; ưu tiên sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ cho các chương trình, dự án đầu tư công quan trọng khó có khả năng thu hút đầu tư của khu vực tư nhân hoặc sử dụng các nguồn vốn vay thương mại. Việc sử dụng vốn ODA cần gắn với khả năng tạo nguồn thu để trả nợ, những dự án nào xét thấy không hiệu quả và phù hợp với mục tiêu sử dụng thì từ chối. Khi nguồn vốn ODA giảm, cần đổi mới phương thức sử dụng ODA, có thể tăng mạnh sử dụng ODA như nguồn vốn mồi để thực hiện các dự án theo phương thức hợp tác công tư.

Khi vay ODA, cần lưu ý biến động tỷ giá. Xu hướng của Việt Nam là không để đồng bạc tăng giá để khuyến khích xuất khẩu, đồng nghĩa việc rủi ro về tỷ giá rất lớn. Đơn cử nếu vay bằng đồng Yên lãi suất thấp nhưng khi đồng Yên tăng giá, giá trị phải trả nhiều hơn thì nợ tiền đồng sẽ tăng khủng khiếp. Do vậy, cần điều chỉnh phù hợp để giảm rủi ro về mặt tỷ giá cho giai đoạn sau.