Những kết quả đạt được trong trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo ncseif.gov.vn

Ngày 30/6/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thay thế Nghị định 90/2001/NĐ-CP. Đến nay, chính sách và chương trình trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã và đang từng bước đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngày 30/6/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (gọi tắt là nghị định 56) thay thế Nghị định 90/2001/NĐ-CP, trong đó quy định 8 nhóm chính sách trợ giúp DNNVV, bao gồm: Trợ giúp tài chính; Mặt bằng sản xuất; Đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; Xúc tiến mở rộng thị trường; Tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công; Thông tin và tư vấn; Trợ giúp phát triển nguồn nhân lực; Vườn ươm doanh nghiệp.

Quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 56/2009/NĐ-CP đã cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị định. Đây là cơ sở pháp lý để xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, chương trình trợ giúp phát triển DNNVV, phát huy tiềm năng và nâng cao vai trò của các DNNVV trong phát triển kinh tế xã hội quốc gia.

Trên cơ sở Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, nhiều kế hoạch, chương trình dự án hỗ trợ DNNVV đã được thực thi. Các Kế hoạch phát triển DNNVV 5 năm giai đoạn 2006-2010 và 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định số 236/2006/QĐ-TTg và 1231/QĐ-TTg ngày 7/9/2012.

Các kế hoạch đã đưa ra hệ thống các giải pháp trợ giúp DNNVV tương đối toàn diện và có lộ trình thực hiện cụ thể. Đây là khung pháp lý quan trọng giúp các Bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp xây dựng và thực hiện trợ giúp phát triển DNNVV trong phạm vi quản lý và giúp định hướng mục tiêu hỗ trợ DNNVV cho các nhà tài trợ quốc tế.

Nhiều tỉnh, thành phố cũng đã xây dựng các chính sách, chương trình trợ giúp cho DNNVV trên các lĩnh vực: quản trị doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ, tổ chức các cuộc đối thoại giữa chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp...

Một số ngân hàng thương mại đã triển khai các phương thức hỗ trợ tín dụng thích hợp hơn với đối tượng DNNVV, điều chỉnh lãi suất hỗ trợ DNNVV trong giai đoạn khó khăn... Một số chính sách về giãn và giảm thuế cũng đã được Chính phủ áp dụng trong giai đoạn khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp cũng đã và đang triển khai các chương trình nhằm huy động nguồn lực của toàn xã hội thúc đẩy hỗ trợ DNNVV. Các chính sách và chương trình trợ giúp DNNVV đã và đang từng bước đi vào cuộc sống.

Nhận thức và sự quan tâm của các Bộ, ngành và địa phương đối với công tác trợ giúp phát triển DNNVV đang dần được nâng lên. Đó là những tín hiệu đáng khích lệ đối với cộng động DNNVV, giúp họ có thêm niềm tin và sức chiến đấu để vượt qua khó khăn và phát triển bền vững.

Việc thực hiện Nghị định 56/2009/NĐ-CP cũng như các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã tạo điều kiện bước đầu hình thành hệ thống các cơ quan phát triển DNNVV từ trung ương đến địa phương, huy động các hiệp hội, các nhà tài trợ, các nhà cung cấp dịch vụ thực hiện các chương trình trợ giúp cụ thể.

Chúng ta cũng đã hình thành được một đầu mối chính thức trong hợp tác quốc tế về lĩnh vực DNNVV tham gia tích cực vào các diễn đàn như Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hợp tác Á - Âu (ASEM); với các tổ chức quốc tế và khu vực như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ... và các quan hệ song phương với các cơ quan phát triển DNNVV của các nước.

Trên cơ sở đó, có thể thấy một số nhóm chính sách tương đối nổi bật hỗ trợ DNNVV thời gian qua gồm:

* Nhóm chính sách trợ giúp tài chính

Một trong những khó khăn lớn nhất của các DNNVV là tiếp cận các nguồn tài chính, tín dụng. Vì vậy, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc trợ giúp DNNVV tiếp cận với nguồn vốn này thông qua:

- Điều chỉnh giảm lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ, đặt biệt đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV: từ 3/2012 đến nay, NHNN đã 9 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất, tổng mực giảm khoảng 8,5%/năm. Riêng đối 5 lĩnh vực ưu tiên, lãi suất thấp hơn từ 1-2%/năm so với các lĩnh vực khác, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho các DNNVV. Hiện nay, dư nợ cho vay đối với DNNVV chiếm khoảng 22,3% tổng dư nợ cho vay của toàn bộ nền kinh tế. Dư nợ tín dụng đối với DNNVV giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng bình quân khoảng 5%/năm.

- Củng cố hệ thống bảo lãnh tín dụng: tuy hoạt động bảo lãnh tín dụng cho DNNVV hiện nay chưa thực sự hiệu quả nhưng thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt trong việc yêu cầu các Bộ, ngành liên quan rà soát các quy định liên quan đến hoạt động của hệ thống bảo lãnh tín dụng này nhằm phát huy đúng vai trò là một công cụ tài chính bổ sung trong việc hỗ trợ tài chính cho các DNNVV. Ở cấp địa phương, UBND các tỉnh/thành phố cũng đẩy mạnh chỉ đạo thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV nâng số quỹ trên cả nước lên 25 quỹ.

- Thành lập Quỹ Phát triển DNNVV: Có thể nói, việc thành lập và đưa Quỹ đi vào hoạt động là một bước tiến quan trọng của Chính phủ trong việc tăng cường kênh hỗ trợ tài chính cho DNNVV. Đây được coi là một định chế tài chính nhà nước đầu tiên dành riêng cho đối tượng DNNVV.

* Nhóm chính sách trợ giúp phát triển nguồn nhân lực

Hoạt động trợ giúp đào tạo nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cho các DNNVV đã được đưa vào kế hoạch hàng năm của các Bộ, ngành và địa phương. Đây có thể coi là một trong những chương trình xã hội hoá đầu tiên của nhà nước trong việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho các DNNVV (Nhà nước hỗ trợ tối đa 50% kinh phí). Giai đoạn 2012-2014, trung bình mỗi năm ngân sách Nhà nước dành khoảng 50 tỷ đồng để đào tạo cho khoảng gần 70 ngàn cán bộ của các DNNVV. Theo đánh giá của các học viên, đặc biệt là các DNNVV ở vùng sâu, vùng xa thì tác động của các khóa đào tạo là rất tích cực. Đội ngũ các bộ của các DNNVV được trang bị các kiến thức về quản trị doanh nghiệp một cách có hệ thống, giúp doanh nghiệp tự tin hơn trong kinh doanh và xây dựng chiến lược kinh doanh với tầm nhìn dài hạn và bền vững.

Sang năm 2015, hoạt động đào tạo cho DNNVV dần chuyển hướng sang đào tạo có trọng tâm, trọng điểm hơn hướng tới những ngành, lĩnh vực ưu tiên nhất định của nhà nước. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng kế hoạch để mở rộng hình thức đào tạo qua truyền hình và mạng internet nhằm phổ cập nội dung cơ bản nhất về quản trị doanh nghiệp tới mọi đối tượng, song song tổ chức các khoá đào tạo trực tiếp với nội dung chuyên sâu cho những DNNVV trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Với sự thay đổi trong cách thức triển khai, việc đo lường tác động của hoạt động đào tạo tới DNNVV s khả thi và rõ nét hơn.

* Về hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường

Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia đã thu hút được sự tham gia tích cực của các địa phương, tổ chức hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề. Trung bình mỗi năm ngân sách dành gần 100 tỷ đồng cho hơn 100 đề án, hỗ trợ cho hàng nghìn DN tham gia trong đó 90 là DNNVV. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, giá trị hợp đồng ký kết và doanh số bán hàng đạt trung bình hơn 1 tỷ USD và gần 500 tỷ đồng mỗi năm. Từ mô hình Chương trình, nhiều địa phương đã chủ động bố trí ngân sách để hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp trên địa bàn.

* Một số chính sách, chương trình khác

-Về hỗ trợ tư vấn kinh doanh và quản lý sản xuất cho các DNNVV: mặc dù phạm vi hỗ trợ chưa rộng và nguồn lực thực hiện chủ yếu huy động từ các nguồn viện trợ quốc tế nhưng tác động của nhóm chính sách này rất đáng khích lệ. Trong 03 năm, các chuyên gia của JICA và cán bộ hỗ trợ DNNVV của Trung tâm hỗ trợ DNNVV phía Bắc, Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hỗ trợ thực hiện 354 sáng kiến tại 84 DNNVV khu vực phía Bắc, điển hình các cải tiến kỹ thuật, cải tiến quy trình sản xuất 3S/5S, cải tiến chất lượng… đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, cải thiện đáng kể năng suất, chất lượng sản phẩm và một số doanh nghiệp bước đầu đã kết nối được với các doanh nghiệp nước ngoài trong đó có các doanh nghiệp của Nhật Bản. Những thành công ban đầu này có tác động lan tỏa rất lớn trong cộng đồng DNNVV. Mô hình tư vấn tại chỗ hiện đang rất được cộng đồng DNNVV quan tâm.

-Về hỗ trợ thông tin khoa học công nghệ cho doanh nghiệp, Chợ công nghệ và thiết bị online và các hội chợ Techmart hàng năm đã hoạt động khá hiệu quả. Trung bình mỗi Techmart có hơn 300 gian hàng giới thiệu hàng nghìn công nghệ, thiết bị. Đây là một kênh hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh với chi phí thấp; giúp kết nối cung - cầu, tìm hiểu, đặt hàng, giao dịch mua bán, chuyển giao công nghệ, thiết bị; giúp các tổ chức và cá nhân có thể tìm đối tác, bạn hàng một cách nhanh chóng, giảm chi phí tìm kiếm, quảng cáo, giao dịch, tham gia hội nhập quốc tế. Nhiều tỉnh/thành phố cũng tổ chức các Techmart địa phương nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới, nâng cao công nghệ.