Phát triển công nghiệp môi trường thành ngành kinh tế quan trọng

PV.

Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt ra mục tiêu đưa ngành công nghiệp môi trường trở thành một ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế.

Phát triển dịch vụ môi trường thông qua việc đầu tư phát triển các hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị tập trung tại các thành phố, khu đô thị. Nguồn: internet
Phát triển dịch vụ môi trường thông qua việc đầu tư phát triển các hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị tập trung tại các thành phố, khu đô thị. Nguồn: internet

Công nghiệp môi trường sẽ đóng góp quan trọng cho nền kinh tế

Ngày 13/02/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 192/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025.

Theo đó, Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp môi trường sẽ trở thành một ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu về bảo vệ môi trường trong nước; từng bước tiến tới xuất khẩu các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm bảo vệ môi trường có lợi thế cạnh tranh.

Đề án phấn đấu phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường; công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu hướng của thế giới; Đẩy mạnh ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ.

Đồng thời, phát triển sản xuất thiết bị và sản phẩm đáp ứng cơ bản nhu cầu bảo vệ môi trường trong nước, từng bước tiến tới xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế và năng lực cạnh tranh; năng lực sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu thiết bị xử lý nước cấp và nước thải, 60 - 70% nhu cầu thiết bị xử lý và tái chế chất thải rắn, 70 - 80% nhu cầu thiết bị xử lý khí thải, 60 - 70% nhu cầu sản phẩm bảo vệ môi trường; Xuất khẩu được 20 - 30% các sản phẩm của ngành công nghiệp môi trường...

Phát triển dịch vụ môi trường cơ bản đáp ứng nhu cầu của xã hội về xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị, công nghiệp, chất thải nguy hại; Phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm và nhu cầu phân tích, quan trắc môi trường và các dịch vụ tư vấn về môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, năng lượng.

Đồng bộ giải pháp

Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đã đề xuất hàng loạt giải pháp từ nay đến năm 2025.

Theo đó, tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về công nghiệp môi trường. Cụ thể, rà soát, hoàn thiện, sửa đổi các cơ chế, chính sách và văn bản pháp luật về ngành công nghiệp môi trường, chính sách phát triển doanh nghiệp công nghiệp môi trường, chính sách khuyến khích nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư phát triển sản xuất thiết bị, phương tiện và sản phẩm bảo vệ môi trường chưa có khả năng sản xuất trong nước.

Xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực công nghiệp môi trường, các bộ đơn giá dịch vụ môi trường, suất đầu tư theo công nghệ trong xử lý môi trường. Đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp công nghiệp môi trường thuộc khu vực nhà nước, phát triển một số doanh nghiệp dịch vụ môi trường đủ năng lực để giải quyết các vấn đề môi trường lớn, bức xúc của đất nước...

Bên cạnh đó, phát triển công nghệ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường. Nghiên cứu phát triển, ứng dụng, làm chủ và chuyển giao công nghệ xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Đề án cũng đưa ra giải pháp nghiên cứu phát triển, ứng dụng, làm chủ và chuyển giao công nghệ và phát triển doanh nghiệp tái chế chất thải. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn tài trợ từ các nước, tổ chức quốc tế trong nghiên cứu phát triển, ứng dụng, làm chủ và chuyển giao công nghệ môi trường...

Phát triển sản xuất, chế tạo, cung cấp các thiết bị, phương tiện, dụng cụ, sản phẩm bảo vệ môi trường. Phát triển dịch vụ môi trường thông qua việc đầu tư phát triển các hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị tập trung tại các thành phố, khu đô thị, nước thải công nghiệp tại các khu công nghiệp làm nghề. Đầu tư hỗ trợ phát triển các hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn môi trường, năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả...

Phát triển thị trường và thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường. Đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ môi trường mà Việt Nam có lợi thế và khả năng cạnh tranh, khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá và môi trường trong nước chưa sản xuất được. Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế để phát triển ngành công nghiệp môi trường...

Tăng cường thu hút đầu tư từ xã hội và đa dạng hoá các hình thức và nguồn lực đầu tư để phát triển bền vững ngành công nghiệp môi trường; Thu hút các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam...