Ngành công nghiệp tái chế: Tập trung phát triển doanh nghiệp lớn
Ở Việt Nam, nhu cầu tái chế không ngừng tăng đã và đang tạo cơ hội phát triển ngành công nghiệp tái chế. Thế nhưng sự thiếu vắng của công nghiệp hỗ trợ với những hoạt động thích ứng đang khiến tiềm năng bị bỏ ngỏ.
Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp tái chế hiện có tiềm năng rất lớn, theo đó nhu cầu cho nguyên liệu phế thải gia tăng hàng năm từ 15 - 20%. Cụ thể, ngành Nhựa hàng năm vẫn phải nhập từ 2 - 2,5 triệu tấn, trong đó phế liệu nhựa chiếm 80%; hay với ngành Giấy, gần 70% sản lượng giấy hiện nay được sản xuất từ nguyên liệu tái chế…
Trong khi đó, thực lực của các doanh nghiệp (DN) hiện đang hoạt động trong ngành công nghiệp tái chế còn quá yếu. Trình độ công nghệ thấp dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, không thể mở rộng quy mô thị trường mà chỉ tập trung vào một số nguyên liệu và sản phẩm. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa tạo dựng được thị trường mua bán phế thải và sản phẩm tái chế mang tính minh bạch.
Song hạn chế lớn nhất khiến nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào phế liệu nhập khẩu là không có ngành công nghiệp hỗ trợ cho hoạt động tái chế.
Đa số các máy móc, thiết bị và hóa chất đều là tự chế hoặc nhập khẩu từ nước ngoài với chất lượng thấp, khó kiểm soát. Các DN tái chế ở Việt Nam hiện còn vướng một rào cản nữa là chưa được hỗ trợ bởi khung pháp lý phù hợp, đặc biệt là trong giám sát sản xuất, hiệu quả hoạt động và chất lượng sản phẩm.
Để gỡ khó cho các DN, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi quan điểm và cách nhìn về chất thải và tái chế chất thải. Theo đó tái chế là nội dung trọng tâm và không thể tách rời trong chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường. Công nghệ tái chế chất thải cần được ưu tiên phát triển theo xu thế hướng đến việc quay vòng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển các DN tái chế lớn, dịch chuyển dần các cơ sở quy mô nhỏ theo hướng chính quy hóa. DN và cơ sở nghiên cứu cần liên kết chặt chẽ nhằm khai thác thế mạnh của từng bên trên cơ sở giám sát của nhà nước.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, bộ chỉ số về hoạt động tái chế.