Thực tiễn áp dụng thuế tài sản ở các nước

Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

Thuế tài sản là nguồn thu quan trọng của chính quyền địa phương ở cả các nước phát triển và đang phát triển do sắc thuế này có ưu điểm là cơ sở tính thuế ít thay đổi theo các biến động của nền kinh tế.Tuy nhiên, không có một khuôn mẫu chung thống nhất về thuế tài sản ở các quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đối tượng chịu thuế tài sản

Mỗi quốc gia tùy thuộc vào mục tiêu chính sách của mình sẽ có hệ thống chính sách thuế thu vào tài sản khác nhau. Kinh nghiệm các nước cho thấy, thuế tài sản được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều tên gọi khác nhau như: Thuế bất động sản (đánh trên nhà và/hoặc đất, thu định kỳ hàng năm); Thuế chuyển nhượng tài sản (vốn, trái phiếu, nhà, đất...); Thuế đăng ký tài sản; Thuế thừa kế, thuế quà tặng (đánh vào tài sản được thừa kế hoặc được tặng biếu). Nhìn chung đối tượng chịu thuế của các nước có thể được xếp vào các nhóm sau:

Đối tượng chịu thuế là đất, nhà và công trình trên đất.

Đây là đối tượng chịu thuế phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phát triển và các nước OECD. Nhiều quốc gia thu thuế đối với cả nhà ở, đất ở và đất và các công trình không sử dụng để ở (như văn phòng cho thuê, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn…); và cho mục đích công nghiệp (như đất khai thác mỏ, đất xây dựng nhà máy, đất cảng…).

Đất ở, nhà ở nhìn chung chịu gánh nặng thuế ở mức thấp hơn so với các loại đất, nhà sử dụng cho các mục đích kinh doanh (do nhà, đất sử dụng cho mục đích kinh doanh có tạo ra thu nhập nên cần điều tiết cao). Một số quốc gia không thu thuế đối với nhà ở chính (có thể miễn toàn bộ giá trị tài sản hoặc miễn đối với giá trị tài sản dưới một ngưỡng nhất định)

Đối tượng chịu thuế là nhà, không đánh thuế đối với đất.

Đây là chính sách ít được áp dụng nhất và hiện nay được áp dụng ở một số nước như: Tanzania, Hungary, Brunei. Đồng thời, việc đánh thuế đối với nhà cũng có sự phân biệt theo mục đích sử dụng (để ở, cho thuê…)

Đối tượng chịu thuế là đất, không đánh thuế đối với nhà.

Chính sách này nhằm mục đích khuyến khích sử dụng đất hiệu quả, hạn chế tình trạng đất bị bỏ không, đồng thời không tạo ra gánh nặng thuế quá lớn đối với đối tượng nộp thuế. Chính sách này được áp dụng ở các nước như Australia, Israel, Kenya, Nga, Lào.

Hiện nay trên thế giới có 174/193 nước có áp dụng sắc thuế thu đối với tài sản và các nước sử dụng các tên gọi khác nhau như: Thuế tài sản (65 nước như Hồng Kông, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Serbia, Slovenia, Canada, Puerto Rico, Pháp, Hoa Kỳ, Thụy Sỹ…); Thuế bất động sản (51 nước); Thuế đất (30 nước), thuế sử dụng đất; thuế nhà, đất… và thường là khoản thu trong quá trình sử dụng đất.

Căn cứ tính thuế tài sản

Kinh nghiệm các nước cho thấy,có ba phương pháp xác định căn cứ tính thuế tài sản:

Thứ nhất, phương pháp tính thuế dựa trên giá trị tài sản. Đây là phương pháp đơn giản, minh bạch, dễ dàng trong quản lý, được áp dụng phổ biến ở các nước đang phát triển. Theo phương pháp này, có hai cách tính giá trị tài sản: (i) dựa trên giá trị vốn hóa trên thị trường của của tài sản; (ii) dựa trên hệ thống định giá đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.

Thứ hai, phương pháp tính thuế dựa trên giá trị tài sản cho thuê. Căn cứ tính thuế là giá trị cho thuê tài sản ước tính. Phương pháp này được sử dụng ở một số nước như: Pháp, Anh, Malaysia, Campuchia, Ai Cập, Thái Lan... Phương pháp này được đánh giá là khó thực hiện, khó định giá do thiếu thông tin và dữ liệu, và trong trường hợp có một số tài sản hiếm khi được cho thuê trên thị trường thì việc định giá càng khó khăn hơn, đòi hỏi các quốc gia phải có hệ thống quản lý, kiểm soát tiền cho thuê tài sản

Thứ ba, phương pháp tính thuế theo số lượng đơn vị tài sản. Đây là phương pháp đơn giản, dễ quản lý, tuy nhiên phương pháp này có nhược điểm là không phản ánh đúng giá trị tài sản và không đảm bảo công bằng. Phương pháp này được áp dụng ở một vài nước đang phát triển, có thị trường bất động sản kém phát triển.

Thẩm quyền quyết định thuế suất

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ở một số nước, chính quyền trung ương quy định mức thuế suất và áp dụng thống nhất cho cả nước (Lào, Chile, Malaysia...). Ở một số nước khác thì chính quyền trung ương quy định mức thuế, chính quyền địa phương được phân cấp quy định cơ sở tính thuế hoặc chính quyền trung ương quy định khung thuế suất, chính quyền địa phương được quy định mức thuế suất trong khung (Indonesia, Philippines). Trong khi đó, ở các quốc gia theo thể chế liên bang (Mỹ, Australia, Canada...) thì chính quyền địa phương được quy định mức thuế suất áp dụng cho địa phương mình.

Mức thuế suất thuế tài sản

Hầu hết các quốc gia áp dụng thuế suất tương đối, rất ít nước áp dụng thuế suất tuyệt đối hoặc kết hợp cả hai hình thức. Trong số 10 nước ASEAN có 7 nước áp dụng thuế suất tương đối (Indonesia, Philippines, Singapore, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam); 01 nước áp dụng thuế suất tuyệt đối (Lào); 02 nước kết hợp cả hai hình thức (Brunei, Malaysia).Có ba xu hướng về thuế suất thuế tài sản như sau:

Một là, ban hành một mức thuế suất thống nhất cho cả nhà và đất. Chẳng hạn ở Jakarta (Indonesia), thuế suất thuế nhà và đất thành thị và nông thôn được tính theo các mức từ 0,01% - 0,3% dựa trên giá trị giao dịch của nhà và đất; ở Surabaya (Indonesia), thuế suất thuế nhà đất thành thị và nông thôn được tính theo các mức từ 0,1% - 0,3% dựa trên giá trị giao dịch của nhà và đất.

Hai là, ban hành biểu thuế suất với nhiều mức, có sự phân biệt giữa các khu vực/vùng với các hệ số định giá khác nhau phụ thuộc vào loại tài sản (đất, nhà ở, máy móc) và mục đích sử dụng thực tế, tuy nhiên do áp dụng hệ số định giá, nên mặc dù mức thuế suất danh nghĩa thường trong khoảng 1%-2% nhưng thuế suất thực tế thường thấp hơn 1%.

Ở Philippines, thuế tài sản được quy định bởi Luật Chính quyền địa phương năm 1991. Căn cứ theo luật này, các tỉnh, thành phố, khu đô thị trong khu vực Manila được ủy quyền thu thuế theo tỷ lệ phần trăm trên tài sản bao gồm đất, nhà ở máy móc và thiết bị không được miễn. Tỉnh được áp dụng thuế suất thống nhất không được vượt quá 1% của giá trị định giá của bất động sản. Thành phố và đô thị trong khu vực Manila, thuế suất không vượt quá 2% giá trị định giá của bất động sản.

Giá trị định giá được xác định căn cứ trên hệ số định giá của giá trị thị trường bất động sản. Hệ số định giá đối với đất và máy móc thiết bị được xác định khác nhau phụ thuộc vào mục đích sử dụng thực tế. Đối với nhà và các bất động sản đi kèm, hệ số định giá được xác định căn cứ trên giá trị và mục đích sử dụng.

Căn cứ theo quy định của Luật Chính quyền địa phương, các địa phương được phép quy định hệ số định giá và thuế suất khác nhau giữa các địa phương nhưng không được vượt quá trần quy định trong Luật Chính quyền địa phương. Như vậy, thuế suất thực tế Philippines dao động trong khoảng 0,2%-1,6%.

Ba là, ban hành biểu thuế suất lũy tiến theo giá trị tài sản và áp dụng các mức thuế suất khác nhau đối với các loại đất và nhà khác nhau, thường điều tiết cao hơn đối với đất như ở Hàn Quốc.

Hầu hết các quốc gia thường áp dụng theo thuế suất tương đối, rất ít nước áp dụng theo thuế suất tuyệt đối hoặc kết hợp cả hai hình thức. Ví dụ trong ASEAN, các nước áp dụng thuế tài sản theo thuế suất tương đối bao gồm Indonesia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Campuchia. Chỉ có Lào áp dụng theo biểu thuế suất tuyệt đối và 2 nước còn lại Brunei và Malaysia áp dụng kết hợp cả hai hình thức.