Xác định tầm nhìn khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Theo Hạnh Nguyên/daibieunhandan.vn

Đặt doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực doanh nghiệp nhằm học hỏi công nghệ... Đây là những vấn đề được các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận tại Hội thảo kỹ thuật chương trình hỗ trợ tư vấn và phân tích về đổi mới do Bộ Khoa học và Công nghệ và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp tổ chức mới đây.

Vai trò trụ cột

Theo Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh, Chính phủ xác định phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược (cùng với cải cách thể chế và hạ tầng); là đòn bẩy của tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Cùng với đó, Cách mạng công nghiệp 4.0 và hình thái xã hội 5.0 sẽ tác động tới tất cả các quốc gia, sự phát triển đột phá của các công nghệ xuyên ngành thế hệ mới (trí tuệ ảo, IoT, công nghệ tích hợp giữa vật lý, sinh học và kỹ thuật số) sẽ làm thay đổi cách thức quản lý và vận hành kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và điều hành của các Chính phủ.

Trong bối cảnh đó, năm 2015, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và WB đã công bố “Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”.

Báo cáo đưa ra thông điệp cho chương trình cải cách nhằm bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững với 4 nội dung: Tạo dựng môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước; đẩy mạnh học hỏi và đổi mới sáng tạo; tái cơ cấu đầu tư và đổi mới chính sách đô thị; bảo đảm bền vững môi trường.

“Xuất phát từ những kết luận của Báo cáo Việt Nam 2035, đặc biệt từ chương III - Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo và những bối cảnh mới đặt ra cho KHCN, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng WB phối hợp xây dựng Báo cáo KHCN và đổi mới sáng tạo (STI) Việt Nam tới năm 2035 nhằm xác định tầm nhìn KHCN và đổi mới sáng tạo.

Báo cáo sẽ là kết quả đầu vào cho việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và Chiến lược KHCN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030”, ông Hoàng Minh nhấn mạnh.

Liên kết xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo

Theo ông Dilip - Trưởng nhóm kinh tế và giáo dục của WB tại Việt Nam, Báo cáo STI sẽ được xây dựng dựa trên Báo cáo Việt Nam 2035 nhằm xác định 4 nền tảng của nền kinh tế định hướng đổi mới sáng tạo: Đặt doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực doanh nghiệp nhằm học hỏi công nghệ; không ngừng nâng cao chất lượng và kỹ năng của lực lượng lao động.

“Chúng tôi hướng tới mục tiêu tăng cường hoạch định chính sách và thực hiện chương trình  KHCN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam thông qua việc tạo ra tri thức, đối thoại và xây dựng năng lực”, ông Dilip cho biết.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng Báo cáo phù hợp với bối cảnh Việt Nam hiện nay. Đó là, tăng trưởng nhanh và tình hình vĩ mô ổn định; xuất khẩu tăng trưởng nhanh; việc hội nhập nhanh của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu đã mang lại những kết quả đáng kể…

Tuy nhiên, liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước lỏng lẻo, lại thêm những thách thức về năng suất, cạnh tranh, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo còn yếu và tản mạn... Trong khi đó, Cách mạng 4.0 với các công nghệ mới, đột phá mang lại nhiều cơ hội biến đổi đồng thời đặt ra nhiều thách thức…

Đại diện WB, bà Asay Akhlaque cho rằng, để giải quyết một cách có hệ thống các vấn đề về cung và cầu, hai công cụ chẩn đoán bổ sung sẽ được triển khai. Thứ nhất, chẩn đoán hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (IEED).

Tức là, chỉ ra vai trò quan trọng của các yếu tố bổ sung - vốn, vốn nhân lực, tri thức; phân tích các điều kiện cho phép tích lũy các yếu tố này như môi trường kinh doanh, thị trường vốn, tiếp cận tài chính khởi nghiệp, nhân lực… Thứ hai, đánh giá hiệu quả chính sách (PER), gồm hỗn hợp nhiều chính sách thích hợp (kết hợp các công cụ chính sách) nhằm cải thiện quản lý, hiệu quả của các khoản đầu tư công vào STI.

Chia sẻ kinh nghiệm của Australia, Trưởng bộ phận Văn phòng thông tin DFAT, bà Sarah Pearson cho biết, Australia rất chú trọng phát triển đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, năm 2015, Thủ tướng Australia đã đưa ra chiến lược cho Australia và “biến” thành văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với nhiều nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, phát triển hợp tác giữa khối nghiên cứu, doanh nghiệp và chính phủ, đồng thời có các chương trình riêng biệt để hỗ trợ. Australia thành lập một tổ chức riêng thuộc Chính phủ để xây dựng các chiến lược liên tục về đổi mới sáng tạo.

Theo bà Sarah Pearson, như nhiều nước trên thế giới, Australia cũng gặp khó khăn trong việc làm sao khai thác tốt nhất các kết quả nghiên cứu của khu vực đại học, thương mại hóa đưa ra thị trường, hình thành, phát triển các doanh nghiệp… Tuy nhiên, Australia đã huy động mọi lực lượng để phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo.

Quỹ đầu tư mạo hiểm của Australia lên tới 200 triệu USD, trong đó, Chính phủ cũng đầu tư khoảng 70 triệu USD và hiện khu vực tư nhân cũng đã đầu tư hàng trăm triệu USD.

Đổi mới sáng tạo là lĩnh vực đòi hỏi mọi người phải kết nối với nhau và cần một “đặc khu” để tập trung phát triển năng lực nghiên cứu của các trường đại học, thu hút đầu tư, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển doanh nghiệp,… Muốn vậy phải có vườn ươm, đầu tư vốn mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần,… Những yếu tố này đều rất quan trọng để có thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bà Sarah Pearson nhấn mạnh.