Phát triển loại hình kinh tế chia sẻ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

Theo Thúy Hiền/bnews.vn

Việc đánh giá xu hướng phát triển của kinh tế chia sẻ ở Việt Nam sẽ giúp cho việc nâng cao nhận thức xã hội về các hoạt động kinh tế này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sáng 12/7, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo “Kinh tế chia sẻ: Các xu thế lớn và tác động tới nền kinh tế Việt Nam” nhằm chia sẻ những kinh nghiệm về phương thức thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và trong việc xử lý các vấn đề mới nổi của kinh tế chia sẻ. 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, trong quá trình phát triển mô hình kinh tế chia sẻ, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tác động của những xu thế lớn của công nghệ số đối với nền kinh tế nói chung và đối với mô hình kinh doanh của kinh tế chia sẻ nói riêng là hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, việc đánh giá xu hướng phát triển của kinh tế chia sẻ ở Việt Nam sẽ giúp cho việc nâng cao nhận thức xã hội về các hoạt động kinh tế này. Đồng thời, giúp Chính phủ những thông tin cần thiết để thiết kế một chiến lược thích ứng tốt và tận dụng được các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. 

Bà Rebecca Bryant, đại diện Lâm thời Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, Việt Nam có vị thế tốt để tận dụng các cơ hội phát triển bởi nền kinh tế chia sẻ. Với một dân số có trình độ học vấn và dân số trẻ và gần 70% số người sở hữu một chiếc điện thoại thông minh, nền kinh tế của Việt Nam có lợi từ những công nghệ đang phát triển này. 

Mô hình kinh tế chia sẻ khá mới mẻ trên thế giới và lại càng mới mẻ ở Việt Nam. Mô hình kinh tế này phát triển mạnh trong những năm gần đây ở một số nước trên thế giới.

Cùng đó cũng mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội do giúp giảm chi phí giao dịch và sử dụng tài sản và tài nguyên hiệu quả hơn. Lợi ích về tiết kiệm tài nguyên của kinh tế chia sẻ còn có hiệu ứng tích cực tới môi trường khi giảm được việc sản xuất và tiêu dùng quá mức trong nền kinh tế. 

Tuy nhiên, mô hình này cũng đã làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường; tiềm ẩn những rủi ro mà nhà quản lý cần phải quan tâm để đảm bảo lợi ích của cả người mua (người tiêu dùng) và người bán (nhà cung cấp dịch vụ) cũng như nảy sinh các vấn đề giữa doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống … 

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng nhấn mạnh, Việt Nam không phải là ngoại lệ trong quá trình phát triển mô hình kinh doanh mới này. Những lợi ích và rủi ro cho nền kinh tế cũng như người tiêu dùng cũng đã xuất hiện. Vì vậy, việc xây dựng các chính sách mới hoặc điều chỉnh các chính sách hiện hành để đạt mục tiêu phát huy những tác động tích cực và giảm thiểu các hiệu ứng tiêu cực là hết sức cần thiết. 

TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, cơ hội của kinh tế chia sẻ tại Việt Nam là tạo ra một phương thức kinh doanh mới, mở ra cơ hội kinh doanh mới dựa trên nền tảng số, ứng dụng công nghệ 4.0.

Thị trường cạnh tranh hơn và loại hình dịch vụ đa dạng hơn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Cùng đó, mở ra cơ hội đầu tư, tạo việc làm cho người lao động, tăng thêm thu nhập và tiết kiệm tài nguyên, tận dụng tối đa công suất tài sản dư thừa, bảo vệ môi trường… 

Chia sẻ kinh nghiệm, bà Rebecca Bryant cho biết, vào thời điểm này, Tổ chức Nghiên cứu khoa học và Công nghệ Liên bang Australia (CSIRO) đã triển khai dự án đầu tiên được tài trợ theo chương trình Aus4Innovation, dự án “Kinh tế kỹ thuật số tương lai Việt Nam”.

Việc này nhằm mục đích kiểm tra các tác động và tác động của công nghệ kỹ thuật số trong việc làm, giáo dục, đào tạo, tăng trưởng ngành và sự bao gồm trong nền kinh tế Việt Nam. 

Dự án trị giá 1 triệu USD này đang được thực hiện bởi nhóm Data 61 tại CSIRO và là một phần của chương trình Aus4Innovation trị giá 10 triệu USD. “Sự hợp tác giữa Australia và Việt Nam về đổi mới, khoa học và công nghệ được hỗ trợ mạnh mẽ bởi Chính sách đối ngoại của Chính phủ Australia.”, bà Rebecca Bryant cho biết. 

Để tận dụng cơ hội cho phát triển kinh tế-xã hội của mô hình kinh tế chia sẻ mang lại, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh cho rằng, cần coi đó cũng là tận dụng cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cụ thể là sự phát triển của thời đại số, bắt kịp xu hướng chung của thế giới.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh cho thích nghi với sự đa dạng và phát triển nhanh của nền kinh tế số; trong đó, kinh tế chia sẻ chỉ là một dạng mô hình kinh doanh mới ở một số lĩnh vực, tồn tại đồng hành cùng mô hình kinh doanh truyền thống.

Đồng thời, nhanh chóng cải thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho việc mở rộng phạm vi các sáng kiến kinh doanh, đào tạo nhân lực, kết nối giữa các bên tham gia hệ sinh thái, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm.