Nghiên cứu khái niệm phù hợp về tiền mã hóa
Pháp luật Việt Nam chưa có khung pháp lý chính thức, rõ ràng về tiền ảo, tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa.
Tiền ảo giả danh tiền mã hóa
Thị trường tiền ảo, tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số… đang cuồng loạn, nhảy múa trong ma trận. Hàng loạt vụ lừa đảo đã diễn ra, như sự sụp đổ của tiền ảo Bitconnect theo mô hình đa cấp, giá trị vốn hóa đạt 2,5 tỷ USD tại nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam vào năm 2017. Tháng 1/2018, sàn giao dịch tiền ảo BCC bị đóng cửa, hủy giao dịch, hàng ngàn nhà đầu tư mất trắng các khoản tiền rót vào sàn, trong đó các nhà đầu tư ở Việt Nam ước tính bị bốc hơi hàng ngàn tỷ đồng.
Tháng 4/2018, các nhà đầu tư tại TP HCM tố cáo Công ty Modern Tech và nhóm phát triển iFan, Pincoin lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên đến 15.000 tỷ đồng, với số lượng nạn nhân khoảng 32.000 người. Tháng 7/2019, nhà sáng lập Plus Token (Pluscoin) tại Trung Quốc biến mất cùng số tiền 3 tỷ USD của nhà đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư Việt Nam.
Tại Việt Nam, đã hình thành một chợ đen ngầm cuộn sóng giao dịch tiền ảo. Một số nhóm người lợi dụng xu hướng này để tự tạo ra một số loại đồng tiền rồi đánh đồng là Cryptocurrency (tiền mã hóa), nhưng thực chất đây không phải là Cryptocurrency. Đó chỉ là những ứng dụng, dòng lệnh sơ sài, những website lập ra nhằm thu hút vốn, rồi chiếm dụng và bỏ trốn.
Theo thống kê chưa đầy đủ của những nhà đầu tư thành thạo, có đến 90% "coin" trên thị trường là ảo. "Những dự án đổ sập vừa qua như Bitdeal, iFan, Bitconnect… đều có chung phương thức là mô hình tài chính đa cấp không có công nghệ, không có đội ngũ phát triển có trình độ, đa phần do những người từng lãnh đạo đa cấp lập ra", bà Lê Thúy Hạnh, Tổng giám đốc Micronet Corp nhận xét.
Theo ông Trần Anh Huy, Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Quốc tế ICT, sự phát triển của tiền mã hóa thời gian qua giúp phát triển công nghệ, nhưng cũng gây ra lo lắng không nhỏ về sự tiếp tay của các nhóm tội phạm có tổ chức để trốn thuế, rửa tiền, lừa đảo.
Cần định danh và có khung pháp lý
Hiện pháp luật Việt Nam chưa có khung pháp lý chính thức, rõ ràng về tiền ảo, tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa... Những loại tiền này không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh bị cấm, không phải là phương tiện thanh toán hay công cụ chuyển nhượng và chưa được ghi nhận trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào, dẫn đến việc cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong thực thi pháp luật.
Pháp luật Việt Nam không công nhận và cấm giao dịch các loại tiền này, không coi đó là tài sản, nhưng không có quy định nào cấm việc mua bán, tặng cho... Đây là kẽ hở pháp luật hiện nay, tạo cơ hội để các sàn giao dịch tiền ảo mọc lên, hoạt động công khai, rầm rộ với quy mô lớn để trục lợi.
TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, từ tài sản mã hóa trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có thể thấy, khái niệm tài sản và các quyền liên quan tài sản ngày càng "động", có thể thay đổi và phát triển rất nhanh. Điều này đòi hỏi tư duy, nhận thức về các quyền với tài sản ở Việt Nam, trong đó có các vấn đề liên quan đến tài sản mã hóa.
"Cần phải thay đổi tương ứng theo hướng cần bảo đảm tạo môi trường phù hợp, thuận lợi, minh bạch để thử nghiệm, nhằm thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, tạo lập các tài sản mới trong bối cảnh cách mạng 4.0, đồng thời vẫn có thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế tối đa gian lận, lừa đảo, rửa tiền... và đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội", ông Tú nêu quan điểm.
Còn theo ông Nguyễn Huy Hoàng Nam (Đại học Luật Hà Nội), nhiều vụ việc mang tính đa cấp, lừa đảo, sử dụng tiền mã hóa hoặc một số loại "tiền ảo" giả danh tiền mã hóa đã và đang đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu cấp thiết về xây dựng một khuôn khổ pháp lý phù hợp.
Ông Nam cho rằng, cần khẩn trương, chủ động nghiên cứu, đưa ra khái niệm phù hợp về "tiền mã hóa" theo hướng công nhận đây là loại tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Ngoài ra, để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, cần cân nhắc chưa coi tiền mã hóa là phương tiện thanh toán hợp pháp trong phạm vi lãnh thổ nước ta.
"Có thể xem xét một số cách phân loại, định danh khác với tiền mã hóa nói riêng và tài sản mã hóa nói chung như chia tài sản mã hóa thành 2 loại: có tính chất giống với chứng khoản và có tính chất như một loại hàng hóa", ông Nam đề xuất.
Bà Trần Thị Kim Chi (Viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng, với sự phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, sự lan tỏa nhanh chóng của các đồng tiền điện tử ở Việt Nam đã hiện hữu và diễn biến phức tạp. Do đó, nếu không kiểm soát hiệu quả đồng tiền này, thì không chỉ gây nên những rủi ro với các nhà đầu tư, mà còn ảnh hưởng tới hệ thống tài chính, chính sách tiền tệ.
"Thách thức này đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp hữu hiệu và phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an để hoàn thiện khung khổ pháp lý quản lý tiền kỹ thuật số", bà Chi đề xuất.