Nghiên cứu mô hình vận hành sàn giao dịch tín chỉ các - bon tại Việt Nam
Chiều 22/4, tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP, UNOPS) tổ chức Hội thảo Khởi động và chia sẻ kinh nghiệm - Dự án Hỗ trợ kỹ thuật: Nâng cao năng lực cho Bộ Tài chính trong nghiên cứu mô hình và chuẩn bị vận hành thử nghiệm sàn giao dịch tín chỉ các - bon tại Việt Nam.

Phát triển thị trường các - bon trong nước
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Tô Nguyễn Cẩm Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết, Việt Nam là một trong các quốc gia chịu nhiều tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Điều này đe dọa nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội. Trước thực tế đó, việc triển khai các biện pháp, công cụ chính sách nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bao gồm việc phát triển thị trường các - bon trong nước đã được Đảng và Nhà nước quan tâm từ sớm.
Tại Nghị quyết Trung ương số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đề ra một trong những nhiệm vụ quan trọng là “Thúc đẩy các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện nước ta trên cơ sở hỗ trợ tài chính và công nghệ của các nước và tổ chức quốc tế. Phát triển thị trường trao đổi tín chỉ các - bon trong nước và tham gia thị trường các-bon toàn cầu”.
Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về đẩy mạnh chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (2019); Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (2020) tiếp tục nhấn mạnh thị trường các - bon nội địa là một nhiệm vụ trọng tâm trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về phương diện quốc tế, bà Tô Nguyễn Cẩm Anh cho hay, năm 2015, Việt Nam đã tham gia ký Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu và cũng đã sớm hoàn tất thủ tục phê chuẩn để Thỏa thuận có hiệu lực. Đáng chú ý, tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Qua đó, đã khẳng định nỗ lực của Việt Nam cùng chung tay với các quốc gia trên thế giới thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Nghiên cứu mô hình vận hành thử nghiệm sàn giao dịch tín chỉ các - bon
Theo bà Tô Nguyễn Cẩm Anh, để tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành và thực thi, trong đó phải kể đến Luật Bảo vệ môi trường- đã quy định việc thành lập và phát triển thị trường các - bon trong nước là một trong những nội dung quản lý phát thải khí nhà kính. Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn đã quy định việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các - bon trên thị trường các - bon trong nước được thực hiện tập trung trên sàn giao dịch các - bon.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/1/2025 phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, xác định rõ lộ trình triển khai thị trường, bao gồm giai đoạn thí điểm từ năm 2025 đến hết năm 2028 và giai đoạn vận hành chính thức từ năm 2029. Theo đó, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các bộ, ngành liên quan thành lập thị trường các - bon trong nước.
“Hội thảo được tổ chức nhằm khởi động dự án và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc thiết lập và vận hành thị trường các - bon”- bà Cẩm Anh nhấn mạnh.
Bà Tô Nguyễn Cẩm Anh kỳ vọng, những trao đổi của các diễn giả tại Hội thảo sẽ là nguồn thông tin tham khảo quan trọng trong nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sàn các - bon tại Việt Nam; đồng thời thông qua Hội thảo, Bộ Tài chính cũng mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp, các đề xuất của chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến của đại diện các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức để làm cơ sở cho Bộ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án tổ chức, xây dựng và triển khai sàn giao dịch các - bon khả thi, có hiệu quả.
Ông Jonh Robert Cotton - Phó Giám đốc Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á (ETP) kỳ vọng, Hội thảo được tổ chức sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc và phân tích toàn diện để hỗ trợ các cán bộ Bộ Tài chính trong việc triển khai sàn Giao dịch các - bon tại Việt Nam. Trong đó, tập trung vào giai đoạn thí điểm 2025 - 2028 và hiện thực hóa các khuyến nghị, góp phần nâng cao năng lực trong đánh giá thực trạng pháp luật, hạ tầng và kinh nghiệm quốc tế để thiết kế sàn giao dịch tín chỉ các - bon tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Jonh Robert Cotton hi vọng, Dự án Hỗ trợ kỹ thuật này được triển khai sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững; phù hợp với các thoả thuận đã đề ra và các mục tiêu phát triển bền vững; xây dựng cơ sở cho năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và cơ sở hạ tầng bền vững, góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an ninh năng lượng.
Tại Hội thảo, các diễn giả trong nước và quốc tế đã Giới thiệu mục tiêu, kết quả kỳ vọng, sản phẩm đầu ra, các bên liên quan chính và kế hoạch triển khai Dự án; Cập nhật lộ trình phát triển thị trường các - bon tại Việt Nam trong giai đoạn thí điểm; Trình bày kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam trong thiết kế và quản trị sàn giao dịch các - bon; Thảo luận các kết quả nghiên cứu ban đầu và xây dựng cơ sở hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan...