Nghiên cứu sửa đổi quy định về chi hoạt động giám sát, phản biện xã hội

Trần Huyền

Bộ Tài chính cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi Thông tư số 337/2016/TT-BTC quy định mức chi hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và thực tế thực hiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo cử tri tỉnh Bình Định, ngày 28/12/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 337/2016/TT-BTC quy định mức chi hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Tại Điều 5 của Thông tư quy định mức chi thực hiện theo quy định của Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính, mức chi được áp dụng đến nay đã hơn 11 năm, không còn phù hợp với thực tế. Cử tri đề nghị Bộ Tài chính quan tâm, xem xét, sớm điều chỉnh tăng mức chi tương xứng, đảm bảo cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội được thuận lợi, hiệu quả.

Về nội dung này, Bộ Tài chính cho biết, Thông tư số 337/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong đó, các nội dung chi (tổ chức hội nghị, công tác phí) được dẫn chiếu áp dụng theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 về công tác phí, tổ chức hội nghị trong nước.

Đến nay, Thông tư số 97/2010/TT-BTC đã được thay thế bởi Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 337/2016/TT-BTC quy định, trường hợp cần thiết do yêu cầu công việc, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức chi cao hơn nhưng không vượt quá 20% mức chi quy định.

Như vậy, các mức chi tổ chức hội nghị, công tác phí tại Thông tư số 337/2016/TT-BTC đã được điều chỉnh tăng, đồng thời đã có cơ chế để các địa phương chủ động, linh hoạt trong việc sử dụng nguồn ngân sách địa phương để bảo đảm thuận lợi cho các công tác, hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương mình.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cho biết, liên quan đến việc rà soát, sửa đổi Thông tư số 337/2016/TT-BTC, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 265/TB-VPCP ngày 12/10/2021 thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về kết quả phối hợp công tác giai đoạn 2016-2020, 8 tháng đầu năm 2021 và trọng tâm công tác phối hợp trong thời gian tới.

Trong đó, tại Điểm 5 Phụ lục kèm theo Thông báo số 265/TB-VPCP có nội dung thuộc thẩm quyền, trách nhiệm xử lý của Bộ Tài chính về đề nghị sửa đổi Thông tư số 337/2016/TT-BTC cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay, đồng thời đảm bảo thống nhất, đồng bộ với cơ chế, điều kiện hoạt động giám sát của các cơ quan khác trong hệ thống chính trị.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính có Công văn số 12641/BTC-HCSN ngày 4/11/2021 gửi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo đó, về việc rà soát, sửa đổi Thông tư số 337/2016/TT-BTC, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các chính sách, chế độ này trong thời gian qua; nêu rõ khó khăn, vướng mắc và đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình thực tiễn và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp gửi Bộ Tài chính để nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Ngày 18/4/2022, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 538/KH-MTTW-BTT về khảo sát, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về tài chính của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, với mục đích đánh giá thực trạng thực hiện quy định về tài chính trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Thông tư số 337/2016/TT-BTC. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự kiến sẽ đề xuất các nội dung sửa đổi gửi Bộ Tài chính căn cứ kết quả khảo sát.

Trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để sửa đổi Thông tư số 337/2016/TT-BTC bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và thực tế thực hiện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.