Ngành Tài chính chủ động đề xuất và triển khai thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa
Theo các chuyên gia, thời gian qua, ngành Tài chính đã chủ động đề xuất và triển khai thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa. Nhờ đó, hiệu ứng từ chính sách này mang lại góp phần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Sáng ngày 19/10/2022, tại Hà Nội, Thời báo Tài chính Việt Nam (Bộ Tài chính) tổ chức Diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2022 với chủ đề “Chính sách Thuế - Hải quan: Hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.
Các chính sách, giải pháp tài khóa - Tiên phong hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phạm Thu Phong - Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam cho biết, trước những thách thức và diễn biến khó lường về kinh tế, chính trị thế giới, những nhiệm vụ đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam, ngành Tài chính đã chủ động đề xuất và triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tài khóa, bảo đảm các cân đối lớn nền kinh tế, nhất là cân đối ngân sách và thị trường tài chính phát triển lành mạnh bền vững, góp phần tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội.
Sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bám sát chỉ đạo của Ðảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát hệ thống pháp luật và đề xuất triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), người dân.
Năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền ban hành và tiếp tục thực hiện các chính sách thu ngân sách nhà nước, hỗ trợ phục hồi thúc đẩy nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
Nhìn nhận về hiệu quả mang lại từ các chính sách, giải pháp về tài khóa, các chuyên gia cho rằng, các chính sách này được ban hành, thực hiện kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng DN, người dân hưởng ứng, đánh giá cao, góp phần quan trọng vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển của DN, người dân và nền kinh tế thời gian qua.
Ước tính các chính sách đã ban hành giảm, giãn thuế, phí các DN và người dân trong năm 2022 lên đến quy mô khoảng 233 nghìn tỷ đồng - là con số cao nhất từ trước đến nay.
Những đóng góp tích cực trong điều hành chính sách tài khóa của Bộ Tài chính đã góp phần vào kết quả tăng trưởng kinh tế của đất nước trong năm 2022. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP quý III/2022 của Việt Nam đạt 13,67% so với cùng kỳ - mức cao nhất cùng kỳ trong vòng 12 năm trở lại đây…
Đại diện các hiệp hội đánh giá cao các chính sách hỗ trợ của ngành Thuế - Hải quan trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN vừa và nhỏ cho rằng, việc triển khai các chính sách vẫn có “độ trễ” trong triển khai thực hiện, cần sớm có biện pháp khắc phục trong thời gian tới.
Nêu những khó khăn trong hoạt động vận tải xuất khẩu hàng hóa qua biên giới với Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, từ cuối năm 2021, đầu năm 2022 chứng kiến tình trạng xe vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới, đặc biệt là qua các cửa khẩu với Trung Quốc phải chờ đợi thời gian rất dài, gây tốn kém thời gian và chi phí lớn. Để khắc phục tình trạng này, đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị, các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục tạo thuận lợi cho quá trình thông quan hàng hóa, hạn chế ách tắc tại cửa khẩu, nhất là vào cao điểm mùa vụ, lễ, tết...
Đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo môi trường minh bạch, bình đẳng cho DN
Tại Diễn đàn, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, ngành Thuế - Hải quan thời gian qua đã đi đúng hướng và là hai ngành tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số. TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ của ngành Thuế - Hải quan đã có những chuyển biến tích cực, qua đó không chỉ giúp tăng cường công tác quản lý cho hai ngành này, mà còn tạo thuận lợi cho người dân, DN.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực lưu ý, chuyển đổi số muốn thành công không thể đi một mình mà cần sự đồng hành của các bộ, ngành liên quan. Do vậy, việc tổ chức tốt “hệ sinh thái” sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của chuyển đổi số và chia sẻ dữ liệu. Hiến kế cụ thể hơn, vị chuyên gia này cho rằng, nên có một đơn vị đứng ra là cơ quan chủ trì cho nắm giữ và chia sẻ cơ sở dữ liệu, các đơn vị thực hiện vai trò vệ tinh hỗ trợ. Mục đích cuối cùng là hướng đến phục vụ người dân, người dân sẽ là đối tượng được thụ hưởng thành quả chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước.
Cùng quan điểm, GS.,TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, ngành Tài chính là ngành tiên phong trong chuyển đổi số, đặc biệt ngành Thuế và Hải quan là hai đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số và làm rất sớm.
Trong đó, ngành Thuế là ngành có số đối tượng tiếp cận và tiếp xúc nhiều nhất; ngành Hải quan là đơn vị thường xuyên va chạm, tiếp cận số lượng lớn hàng hóa trong quá trình xuất, nhập khẩu của DN. Do vậy, nếu như không làm tốt chuyển đổi số thì đó sẽ là “nút thắt” rất lớn, không phải chỉ là gánh nặng cho ngành Hải quan, ngành Thuế, mà sẽ là yếu tố để DN phải tăng chi phí và thời gian chờ đợi.
Dưới góc độ quản lý, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, với phương châm lấy người dân và DN làm trung tâm để phục vụ, ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện.
Điển hình như trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), Tổng cục Thuế Thuế đã triển khai nghiêm túc các Nghị quyết của Chính phủ với mục tiêu cắt giảm TTHC, đơn giản hóa quy định về hoạt động kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử, tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế.
Nhờ đó, 9 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Thuế đã trình Bộ ban hành 03 quyết định công bố bãi bỏ 114 TTHC và công bố mới 47 TTHC. Trên cơ sở Quyết định công bố TTHC, Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai 103/234 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 và tích hợp 97 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Cùng với đó, đến hết ngày 30/6, ngành Thuế đã hoàn thành triển khai hóa đơn điện tử cho 100% DN, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai theo hiệu lực của Luật Quản lý thuế. Tính đến hết tháng 9/2022, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là 1,5 tỷ hóa đơn.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, việc triển khai hóa đơn điện tử không những góp phần đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội như tiết kiệm chi phí in ấn, lưu trữ, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường…, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho DN mà còn thúc đẩy chuyển đổi số trong các DN và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế...
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng cho biết, trong những năm gần đây, ngành Hải quan đã tập trung đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa và luôn là đơn vị đi đầu trong việc phát triển, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế.
Tổng cục Hải quan đã xây dựng và ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của ngành hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 707/QĐ-TCHQ ngày 4/5/2022. Trong đó, Tổng cục Hải quan đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành hải quan số.
Để thực hiện mục tiêu trên, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho hay: Thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ hải quan, công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN đảm bảo đồng bộ với chuyển đổi số nghiệp vụ hải quan và doanh nghiệp theo hướng số hóa và xử lý tập trung thủ tục hành chính của các bộ, ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Đồng thời, triển khai Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về hải quan.
Năm 2022 là năm thứ ba liên tục, Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp cùng Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các đơn vị liên quan tổ chức “Diễn đàn Thuế - Hải quan 2022” với chủ đề:“Chính sách Thuế - Hải quan: Hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Diễn đàn cũng là dịp để cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan đưa ra thông điệp về tiếp tục đẩy mạnh cải cách đổi mới, hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước, quyết liệt chuyển đổi số trong giai đoạn tiếp theo để cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các cơ quan có liên quan nắm bắt và tin tưởng vào quá trình tạo thuận lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thực hiện tốt kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Ðảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.