Bài toán định giá xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2, số tháng 3/2017

Giá cả là một công cụ cạnh tranh, yếu tố quan trọng quyết định đến thành công của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ nói riêng. Tuy nhiên, việc định giá xuất khẩu như thế nào để phát huy được hết vai trò của công cụ này để mang lại hiệu quả kinh doanh cao trong bối cảnh hiện nay luôn là vấn đề trăn trở của các doanh nghiệp. Bài viết phân tích những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp làng nghề Việt Nam trong việc định giá xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ hiện nay, gợi mở các vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Doanh nghiệp lúng túng trong việc định giá

Khảo sát cho thấy, phương pháp xác định giá mà các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh sản phẩm thủ công xuất khẩu ở Việt Nam hiện đang áp dụng phổ biến là dựa vào chi phí đầy đủ. Trong cách tiếp cận này, giá được xác định tuỳ thuộc vào chi phí sản xuất sản phẩm và được xem xét trong tương lai theo các mức sản lượng mong muốn.

Theo đó, giá bán có sự chênh lệch khá lớn giữa các thị trường, bởi chi phí vận chuyển và chi phí thâm nhập thị trường khác nhau. Đối với thị trường xuất khẩu, cơ cấu chi phí hay giá thành xuất khẩu đầy đủ bao gồm: Chi phí sản xuất hàng xuất khẩu, chi phí ngoài sản xuất (dịch vụ xuất khẩu, chi phí quản lý chung); Chi phí liên quan đến xuất khẩu (phân phối, thương mại, tài chính); Chi phí sản xuất sản phẩm chỉ tạo nên giá sàn hay giá tối thiểu.

Hiện nay, phương pháp định giá đối với các mặt hàng thủ công xuất khẩu của các DN làng nghề chủ yếu dựa trên chi phí sản xuất, lưu thông phân phối và cộng thêm lợi nhuận vào tổng chi phí. Phương pháp này được áp dụng phổ biến, vì các DN làng nghề không có nhiều khả năng và điều kiện tiếp cận với thị trường mục tiêu để cập nhập giá cả kịp thời với các sản phẩm cùng loại của đối thủ cạnh tranh.

Thực tế cũng cho thấy, việc định giá của DN kinh doanh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam hiện chưa tạo nên sự khác biệt đối với các thị trường mục tiêu. Việc định giá chủ yếu dựa vào chi phí, dựa vào sản phẩm cùng loại, dựa vào độ hấp dẫn của sản phẩm, định giá cao cho sản phẩm mới, giá giảm dần theo thời gian và mức độ ưa thích của khách hàng. Tuy nhiên, việc định giá dựa vào chi phí thực tế đã vấp phải không ít khó khăn (Bảng 1). 

Yêu cầu phương thức quản lý chi phí hiệu quả

Việc định giá các sản phẩm thủ công xuất khẩu cũng như xây dựng, phát triển được thương hiệu lâu dài của sản phẩm luôn là bài toán đối với các DN làng nghề Việt Nam hiện nay. Cơ cấu chi phí sản xuất hàng thủ công, có một số khoản chi phí làm đội giá thành, ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, bao gồm: Tiền hoa hồng cho đại lý thương mại, chi phí năng lượng, nhiên liệu cao, chi phí cho lao động có tay nghề quá cao, lãi suất ngân hàng cao...

Bài toán định giá xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ - Ảnh 1
 

Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần phải có phương thức quản lý chi phí hiệu quả nhằm hạ giá thành sản phẩm. Cụ thể các DN có thể chia nhỏ thành các loại chi phí như: Chi phí sản xuất trực tiếp, chi phí sản xuất gián tiếp và chỉ ra những hạng mục chi phí nào nhà sản xuất có thể cắt giảm, hoặc tiết kiệm thông qua những biện pháp cải tiến mang tính sáng tạo, qua đó làm tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm. Tuy nhiên, phương pháp định giá trên chỉ phù hợp với định hướng gia công sản phẩm; nhiều DN chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng trong việc định giá dựa vào đối thủ cạnh tranh nước ngoài, chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt và chính việc định giá thấp sẽ ảnh hưởng đến chiến lược phát triển thương hiệu lâu dài.

Trong nhiều trường hợp, giá bán sản phẩm quá thấp cho các nhà phân phối nước ngoài nhưng thực tế giá đến tay người tiêu dùng lại quá cao, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của người sản xuất trong nước. Thông tin của Cục Xúc tiến Thương mại cho thấy, hàng thủ công mỹ nghệ bao gồm nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau và mỗi loại sản phẩm có giá cả khác nhau. Chẳng hạn, sản phẩm đồ gỗ của làng nghề Đồng Kỵ, có giá từ vài ngàn đến vài chục ngàn USD một sản phẩm, nhưng những sản phẩm như mây tre cói lá có giá tương đối rẻ, chỉ từ vài USD đến vài chục USD.

Bên cạnh đó, vì là nghề truyền thống, nên không thể sản xuất đại trà khối lượng lớn. Do lượng sản phẩm sản xuất ra ít ỏi nên tất cả các khoản chi phí tính trên sản phẩm sẽ cao. Tựu trung, khách hàng là thước đo giá trị của mẫu mã. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thu hút khách hàng và lưu thông được trên thị trường, xuất khẩu hiệu quả thì điều đầu tiên DN phải tính tới, đó là giá và mẫu mã.     

Tài liệu tham khảo:

1. Người Lao động (2005), Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đơn điệu và đắt đỏ, http://nld.com.vn/kinh-te/hang-thu-cong-my-nghe-viet-nam-don-dieu-va-dat-do-133924.htm;

2. Hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu vẫn là ngành mang lại giá trị gia tăng lớn, http://vietanart.com/tin-tuc/hang-thu-cong-my-nghe-xuat-khau-van-la-nganh-mang-lai-gia-tri-gia-tang-lon.aspx;

3. Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ: Làm gì để thâm nhập thị trường Nhật Bản?, http://socongthuong.thaibinh.gov.vn/ct/news/Lists/thuongmai/View_Detail.aspx?ItemID=4366.