Xuất khẩu sang Trung quốc: Không thể mãi “tiểu ngạch”

Theo daibieunhandan.vn

Thời gian qua, Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng, kí kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng hoạt động xuất khẩu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc với hầu hết hàng nông - thủy sản, trong khi mức độ hiểu biết về thị trường này lại quá ít khiến nhiều sản phẩm bị đột ngột từ chối, khiến nông dân lao đao.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Chất lượng sản phẩm thấp

Với câu hỏi tại sao lâu nay nhiều mặt hàng của Việt Nam như rau, quả, thịt lợn không thể mở rộng thị trường xuất khẩu, đi theo con đường chính ngạch, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải lý giải, nguyên nhân chính là do chất lượng sản phẩm của Việt Nam quá thấp.

Ví dụ như thịt lợn, trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chúng ta mới chỉ ký hiệp định về thú y, công nhận chất lượng kiểm dịch với Hong Kong (Trung Quốc) và Malaysia. Như vậy, nếu về chính ngạch, sản phẩm của Việt Nam chỉ có thể xuất khẩu vào hai thị trường này. Tuy nhiên, hai thị trường này chỉ nhập khẩu lợn sữa với số lượng rất ít. Tương tự như vậy là các mặt hàng rau, quả.

Bộ Công thương cho biết, năm 2016, xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc đạt 600.000 tấn lợn, tăng 50% so với năm 2015. Song đầu năm 2017, thị trường Trung Quốc kiểm tra khắt khe hơn dẫn tới tồn đọng thịt lợn như hiện nay. Không chỉ thịt lợn, nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam đã và đang “trông chờ” vào thị trường Trung Quốc, trong đó phần lớn là xuất khẩu tiểu ngạch.

Ví dụ, mặt hàng gạo, dù đầu năm nay đón nhận tin vui là 20.000 tấn gạo xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, song ngoài 20.000 tấn gạo này, đa phần gạo Việt chủ yếu đang phải xuất khẩu sang thị trường này bằng tiểu ngạch. Hay đối với mặt hàng rau quả, năm 2017 được kỳ vọng tiếp tục là năm bứt phá của ngành này nhưng thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc và chủ yếu vẫn xuất khẩu tiểu ngạch.

Thông tin thị trường kém

Mặc dù thường xuyên giao thương với thị trường Trung Quốc, nhưng Việt Nam biết rất ít thông tin về thị trường này. Theo các chuyên gia kinh tế, việc nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường của chúng ta về Trung Quốc quá kém, dù buôn bán sang thị trường này rất nhiều nhưng nghiên cứu vẫn không có.

Bằng chứng với mặt hàng dưa hấu, Bộ Công thương cho biết, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng lựa chọn trái dưa nhỏ vừa phải với trọng lượng khoảng 3 - 4kg/quả, song dưa hấu của Việt Nam có trọng lượng cao hơn, chưa kể giá đắt hơn so với dưa hấu nước họ. Đây chính là lý do khiến dưa hấu bị ồn ứ tại các cửa khẩu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc thời gian qua.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, việc cần làm đầu tiên để thúc đẩy xuất khẩu là tăng chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, các bộ, ngành, trước tiên là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) cần phối hợp với Bộ Công thương tăng cường càng sớm càng tốt kí kết các hiệp định thú y, kiểm dịch… để các sản phẩm của chúng ta có thể vào những thị trường khác, nhất là thị trường Trung Quốc, bằng con đường chính ngạch thay vì tiểu ngạch. Ngoài ra, theo khuyến cáo của các chuyên gia, để tránh rủi ro cho xuất khẩu, không còn cách nào khác ngoài đa dạng thị trường.

Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào một số thị trường chính. Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Market Intello, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có mặt tại hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng mức độ tập trung xuất khẩu vào các thị trường chính gần như không thay đổi, thậm chí có phần tăng cao trong những năm qua.

Tính đến cuối năm 2016, Việt Nam đã tham gia và thực hiện 10 FTA song phương và đa phương, nhưng vẫn chưa tận dụng tốt các cơ hội từ FTA đem lại. Một chuyên gia kinh tế thẳng thắn nhận định, trong các FTA đã được kí kết, dường như chỉ duy nhất FTA với Hàn Quốc là Việt Nam tận dụng được khá tốt, còn lại đa phần doanh nghiệp chưa chủ động nắm bắt cơ hội từ các FTA mang lại.

Theo các chuyên gia, việc phụ thuộc quá mức vào một thị trường xuất - nhập khẩu là yếu tố rủi ro không thể xem thường. Nếu có biến động từ thị trường đó về nguyên - phụ liệu đầu vào cho sản xuất, kéo theo tất cả việc làm, thu nhập của người lao động sẽ gặp khó khăn cũng như kim ngạch xuất khẩu giảm sút. Chưa kể, nếu thị trường xuất khẩu bị giảm sút hay hạn chế, hàng hóa ứ đọng cũng sẽ gây thiệt hại lớn cho nông dân, doanh nghiệp.