Bỏ điều kiện sản xuất vàng trang sức

Theo Đình Hải/thoibaonganhang.vn

Chính phủ đang giao NHNN Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cắt bỏ giấy phép con vàng trang sức

Nghị định sửa đổi sẽ bãi bỏ hàng loạt các điều kiện kinh doanh trao lại quyền tự chủ kinh doanh cho các DN sản xuất vàng nữ trang. Theo đó, các hoạt động kinh doanh vàng (trừ hoạt động XNK vàng) bao gồm mua, bán vàng nguyên liệu trong nước của DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và DN kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ sẽ không cần phải có giấy chứng nhận của các chi nhánh NHNN mà chỉ cần có giấy phép do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp là đủ điều kiện sản xuất theo quy định hiện hành.

Theo quy định hiện hành, một DN muốn hoạt động sản xuất kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ, phải có điều kiện địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ thì lần sửa đổi Nghị định 24 này cũng được bãi bỏ. Như vậy, những DN vàng nữ trang sẽ không phải xin thêm giấy phép của ngân hàng.

Đồng thời những hành vi, vi phạm do không có đủ giấy phép hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ hiện nay không còn là yếu tố để xử lý vi phạm hành chính trong kiểm tra các DN nữ trang. Ngoài ra, quy định mới trong bản dự thảo sửa đổi Nghị định 24, DN vàng nữ trang không cần phải chứng minh có số thuế nộp 500 triệu đồng/năm. DN chỉ cần có nộp thuế với cơ quan thuế trong 2 năm gần nhất là đủ điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh vàng nữ trang.

Các nhà làm chính sách lý giải, do hơn 5 năm trước thị trường vàng có nhiều biến động, nên cơ quan quản lý phải ràng buộc điều kiện sản xuất đối với các DN vàng nữ trang bằng giấy chứng nhận hoạt động như một cách để cơ quan quản lý nắm được nguồn vàng cung ứng ra thị trường. Những người làm công tác quản lý giám sát cấp giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh vàng nữ trang, cho rằng thực tế hoạt động kinh doanh vàng nữ trang có tính truyền thống gia đình.

Chẳng hạn, một chuỗi cửa hàng 4-5 điểm kinh doanh vàng nữ trang nhưng thực tế của một gia đình do 4-5 anh em trong một gia đình mỗi người đứng tên một cửa hàng kinh doanh. Nên việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất cho từng đơn vị kinh doanh sẽ mất rất nhiều thời gian của DN. Trong khi đó tài sản và vốn liếng của DN mở rộng kinh doanh do nhu cầu phát triển của thị trường nên cơ quan quản lý không nên can thiệp vào hoạt động của DN.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP.HCM nhìn nhận, việc NHNN Việt Nam đang xây dựng sửa đổi bổ sung Nghị định 24 theo hướng cắt toàn bộ các giấy phép chứng nhận DN đủ điều kiện sản xuất kinh doanh vàng nữ trang là một bước cải cách hành chính quan trọng.

Thực tế, hơn 5 năm thực hiện Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng, trong hơn 3.000 DN sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ đang hoạt động trên địa bàn, chỉ có khoảng mấy trăm DN (508 đơn vị - PV) có giấy chứng nhận.

“Khi các đoàn liên ngành kiểm tra nhiều đơn vị sản xuất không có giấy chứng nhận sản xuất thì cũng chỉ nhắc nhở chứ cũng không xử phạt gì DN. Sản xuất với kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ nó như môi với răng, không thể tách rời. Mặc dù kinh doanh trong lĩnh vực này là loại hình có điều kiện nhưng việc cần thêm giấy chứng nhận sản xuất của ngân hàng cũng không có nhiều ý nghĩa”, ông Dưng nói.

Vàng trang sức để thu hút du khách

Thực tế, đã có lúc có những công ty nữ trang ở TP.HCM lợi dụng giá vàng thế giới cao hơn trong nước xuất khẩu vàng trang sức biến tướng như làm gạt tàn thuốc lá, hộp quà tặng, chậu cảnh… bằng vàng để xuất khẩu. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng nữ trang như một chốt chặn quản lý thị trường vàng. Thế nhưng, hoạt động sản xuất vàng nữ trang của Sài Gòn có từ lâu đời và đã hình thành nên những khu buôn bán vàng nữ trang nổi tiếng như: Chợ Thiếc, Chợ An Đông, Chợ Bến Thành… thu hút được rất đông khách hàng và du khách đến tham quan mua sắm.

Nhiều sản phẩm kim hoàn truyền thống của các hộ gia đình được người dân tín nhiệm trao đổi, mua bán. Thậm chí những sản phẩm nữ trang vàng được các hộ gia đình chế tác thủ công rất được khách du lịch ưa chuộng mỗi khi đến TP.HCM. Theo đó, các công ty lữ hành của thành phố còn thiết kế những tour tuyến dẫn du khách nước ngoài ghé thăm các điểm sản xuất kinh doanh vàng nữ trang truyền thống như một cách giới thiệu tinh hoa nghề trạm khảm Việt Nam ra thế giới. Từ đó, nghề kim hoàn có thêm bạn hàng và xây dựng nên hình ảnh thương hiệu vàng trang sức tinh tế của người Việt giữa mênh mông thế giới đồ trang sức công nghiệp.

UBND TP.HCM mới đây, lấy con đường Nhiêu Tâm (Quận 5) làm “Phố vàng bạc trang sức” để xây dựng thêm sản phẩm du lịch cho du khách đến thành phố. Bên cạnh những sản phẩm vàng trang sức truyền thống, ông Nguyễn Văn Dưng cho biết những sản phẩm vàng trang sức và thủ công mỹ nghệ của Công ty Vàng bạc đá quý Sacombank (SBJ) gần đây đang đánh vào phân khúc quà tặng để phát triển ngành nữ trang. Tuy nhiên, để đón đầu cơ chế mở cho hoạt động sản xuất vàng trang sức sau khi sửa đổi Nghị định 24, ông Dưng cho rằng các DN vàng trang sức phải tìm cách giảm giá thành để phục vụ được số đông khách du lịch, do nhu cầu mua sắm quà tặng cần phải rẻ để ai cũng có thể mua về làm quà.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, sản xuất vàng nữ trang là một loại hình kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24 lần này, bãi bỏ phần DN phải đăng ký giấy chứng nhận sản xuất nữ trang vàng với ngân hàng sẽ giúp các DN chủ động hoạt động mà không phải báo cáo với ngân hàng. Sản xuất vàng nữ trang là loại hàng hóa có giá trị cao, nên cần được quản lý chặt chẽ dưới góc độ nguồn gốc vàng đưa vào sản xuất nữ trang và kiểm soát chất lượng sản phẩm nữ trang để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.