Hồ sơ đề nghị cấp phép kinh doanh vàng miếng gồm những gì?

PV.

Thông tư 03/2017/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành ngày 06/06/2017, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó có hướng dẫn về hồ sơ đề nghị cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo Thông tư 03/2017/TT-NHNN, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đối với doanh nghiệp bao gồm: Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; Danh sách các địa điểm đăng ký làm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng (có trụ sở chính, chi nhánh, địa điểm kinh doanh);
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chi nhánh và văn bản thể hiện địa điểm đăng ký theo danh sách các địa điểm đăng ký để kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc đã được thông báo tới cơ quan đăng ký kinh doanh; Xác nhận của cơ quan thuế về số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng trong 02 năm liền kề trước đó.
Như vậy, so với Thông tư 16/2012/TT-NHNN thì Thông tư 03/2017/TT-NHNN đã bỏ quy định phải có Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của 02 năm liền kề trước đó trong hồ sơ.

Đồng thời, doanh nghiệp có thể lựa chọn thông báo các địa điểm kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc tiến hành đăng ký địa điểm kinh doanh.
Ngoài ra, Thông tư cũng hướng dẫn về Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đối với tổ chức tín dụng, bao gồm: Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; Danh sách các địa điểm đăng ký làm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng (trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch);
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh và văn bản thể hiện địa điểm đăng ký làm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng theo danh sách tại điểm b khoản này đã được đăng ký kinh doanh hoặc đã được thông báo tới cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.”.
Thông tư trên có hiệu lực thi hành từ ngày 22/7/2017, đồng thời bãi bỏ khoản 3, khoản 5, khoản 6, khoản 19 Điều 1 và Phụ lục 1a ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.