Cơ hội và thách thức với thị trường dịch vụ tài chính khi Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 10/2019

Việc đàm phán, ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thời gian qua đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hội nhập nhanh và toàn diện vào nền kinh tế thế giới. Trong các FTA, các cam kết về lĩnh vực dịch vụ tài chính luôn là vấn đề được quan tâm. Đây cũng là một trong những ngành có đóng góp quan trọng trong GDP của Việt Nam. Nghiên cứu này đánh giá những thách thức và cơ hội của thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, nhất là trong điều kiện thực thi các FTA thế hệ mới, từ đó gợi mở một số giải pháp tới các cơ quan quản lý nhà nước có những quyết sách điều chỉnh phù hợp với bối cảnh mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các cam kết về dịch vụ tài chính trong các FTA

Việt Nam ngày càng tham gia mạnh mẽ vào quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Từ sau bước ngoặt chính thức trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, đến nay, Việt Nam đã hoàn thành đàm phán và đang đàm phán 17 Hiệp định. Trong số đó, điểm đáng lưu ý là Việt Nam đã ký kết 02 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Với kết quả này, Việt Nam là một trong số ít nước trong khu vực có quan hệ FTA cùng lúc với các nền kinh tế lớn như EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và nhiều đối tác khác.

Trong những năm gần đây, dịch vụ tài chính là ngành dịch vụ có đóng góp lớn về cơ cấu trong GDP của Việt Nam (khoảng trên dưới 5%. Tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành này là khoảng 7,5%/năm, cao hơn tốc độ tăng GDP trung bình của tất cả các ngành dịch vụ (chỉ ở mức 5,57%/năm). Vì vậy, dịch vụ tài chính là một trong những lĩnh vực đàm phán gay gắt khi Việt Nam tham gia các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA. Các nội dung liên quan đến ngành dịch vụ tài chính trong các FTA thế hệ mới thường được phân thành 3 nhóm cam kết. Đó là về môi trường pháp lý; về mở cửa thị trường đối với các dịch vụ tài chính được phép cung cấp; về thanh toán, chuyển tiền, các biện pháp bảo vệ cán cân thanh toán và các cam kết khác có ảnh hưởng đến quá trình điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá.

Cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong các FTA cũng như các FTA thế hệ mới về cơ bản tương đồng với cam kết với WTO. Ví dụ, trong EVFTA, ngành dịch vụ tài chính bao gồm 03 phân ngành: Bảo hiểm, ngân hàng và chứng khoán. So với Bảng mã ngành dịch vụ của Liên Hợp Quốc thì Việt Nam mới chỉ có cam kết trong một số dịch vụ tài chính cụ thể trong 03 phân ngành này, không phải tất cả các dịch vụ tài chính. Cụ thể, Việt Nam chưa cam kết về các phân ngành dịch vụ tài chính sau: Trung gian tiền tệ, hoạt động của ngân hàng trung ương, hoạt động của các công ty nắm giữ tài sản, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường tài chính. Trong các phân ngành đã có cam kết, Việt Nam cũng chỉ mới cam kết mở cửa một số dịch vụ cụ thể, không phải toàn bộ phân ngành.

Dịch vụ tài chính là ngành dịch vụ có đóng góp lớn về cơ cấu trong GDP của Việt Nam (khoảng 5%) . Tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành này khoảng 7,5%/năm, cao hơn tốc độ tăng GDP trung bình của tất cả các ngành dịch vụ (chỉ ở mức 5,57%/năm). Dịch vụ tài chính là một trong những lĩnh vực đàm phán gay gắt khi Việt Nam trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA.

Hiệp định CPTPP cam kết mở cửa thị trường cao hơn so với các FTA và WTO, đó là đảm bảo cơ hội mở cửa thị trường rộng hơn cho các thành viên CPTPP thông qua việc cho phép cung cấp các dịch vụ tài chính cụ thể qua biên giới sang một nước thành viên CPTPP từ một nhà cung cấp dịch vụ của thành viên CPTPP khác mà không yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải thành lập cơ sở hoạt động tại một nước khác để bán dịch vụ của mình, và không thành viên CPTPP nào có thể áp dụng các hạn chế định lượng đối với việc cung cấp dịch vụ (hạn chế về số lượng các nhà cung cấp dịch vụ hoặc số lượng dịch vụ) trừ các trường hợp ngoại lệ được quy định trong CPTPP.

Với việc tham gia các FTA thế hệ mới sẽ tạo ra những cơ hội mới đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam nhưng đi kèm với đó là những thách thức, trong đó ngành dịch vụ tài chính, nắm huyết mạch của nền kinh tế sẽ chịu nhiều tác động. Chính vì vậy, việc nhận diện được những cơ hội và thách thức là cần thiết nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các DN ngành dịch vụ tài chính có những điều chỉnh phù hợp.

Cơ hội thúc đẩy phát triển lĩnh vực dịch vụ tài chính

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, việc tham gia các FTA thế hệ mới sẽ góp phần tích cực giúp ngành dịch vụ tài chính Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển:

Thứ nhất, thúc đẩy sự phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ tài chính.

Hiện nay, độ mở cửa của thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam vẫn còn thấp, các thị trường dịch vụ, thị trường lao động, khoa học công nghệ… phát triển còn hạn chế. Do đó, tham gia các FTA thế hệ mới sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính thế giới cũng như có cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, công nghệ, kinh nghiệm của các nước để phát triển lĩnh vực dịch vụ tài chính. Cơ hội từ FTA thế hệ mới đối với ngành Ngân hàng, Bảo hiểm được đánh giá là lớn. Dự báo nhu cầu bảo hiểm sẽ tăng vọt khi dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh để hưởng chính sách thuế ưu đãi.

Việc tham gia sâu rộng của nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tạo điều kiện mở rộng hợp tác, nâng cao năng lực quản trị và tài chính cho các ngân hàng nội địa, là động lực thúc đẩy cải cách, buộc các ngân hàng trong nước phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường, khắc phục những nhược điểm còn tồn tại. Đồng thời, các ngân hàng phải tăng cường năng lực cạnh tranh trên cơ sở nâng cao trình độ quản trị điều hành và phát triển dịch vụ ngân hàng và nâng cao năng lực cạnh tranh mới có thể đứng vững được trước áp lực cạnh tranh gay gắt thời gian tới.

Thứ hai, thúc đẩy sự phát triển các thị trường liên quan và đem lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng.

Sự phát triển của các dịch vụ tài chính sẽ thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử với các hình thức Mobile Banking, Mobile Commerce, E – Commerce… Sự tăng trưởng của ngành dịch vụ tài chính thường được thúc đẩy bởi 3 yếu tố chính, gồm: sự gia tăng trong việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng, tiến bộ của công nghệ tài chính và sự hội nhập không ngừng. Do vậy, người tiêu dùng được tiếp cận với các dịch vụ tài chính hiện đại, dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính và các khoản tín dụng đối với sản xuất và tiêu dùng, những điều mà trước đây là rất khó khăn.

Thứ ba, tăng khả năng huy động vốn quốc tế, thu hút vốn và đa dạng hoá thị trường tài chính ở Việt Nam, đồng thời là cơ hội đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài của các DN ngành tài chính của Việt Nam.

Việc tăng cường sự hiện diện của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam sẽ đem lại cho Việt Nam một lượng vốn cần thiết. Việt Nam có cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài, công nghệ, kỹ năng quản trị vào ngành Tài chính. Đây sẽ là động lực để phát triển nếu tận dụng hiệu quả. Các ngân hàng thương mại trong nước sẽ có điều kiện để tiếp cận sự hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, đào tạo thông qua các hình thức liên doanh, liên kết với các ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế.

Các luồng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam cũng sẽ tăng mạnh, tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản và tiếp cận các nguồn vốn ủy thác trên thế giới với chi phí thấp hơn, do đó vị thế của Việt Nam sẽ cải thiện. Việt Nam có cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài, công nghệ, kỹ năng quản trị. Đây sẽ là động lực quan trọng để phát triển nếu tận dụng hiệu quả.

Thứ tư, năng lực quản lý và tính minh bạch được nâng cao.

Với việc mở cửa thị trường tài chính, các ngân hàng trong nước được tiếp cận với thị trường tài chính quốc tế, có điều kiện học hỏi, nâng cao trình độ quản trị, điều hành, phát triển các sản phẩm dịch vụ mới và kỹ năng kinh doanh, nhất là về các hoạt động nghiệp vụ mà các ngân hàng trong nước chưa có hoặc ít có kinh nghiệm (như kinh doanh ngoại hối, thanh toán quốc tế, tín dụng thương mại quốc tế, dịch vụ ngân hàng điện tử, quản lý quỹ, môi giới tiền tệ, quản lý rủi ro).

Bên cạnh đó, khi các ngân hàng nước ngoài đầu tư mua cổ phần của ngân hàng trong nước, từ đó các ngân hàng trong nước sẽ có điều kiện thuận lợi để tăng vốn, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm quản lý và công nghệ hiện đại trong hoạt động ngân hàng với sự tham gia của các đối tác chiến lược là các ngân hàng có danh tiếng trên thế giới. Hội nhập quốc tế sẽ thúc đẩy cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan quản lý tài chính, loại bỏ các hình thức bảo hộ, bao cấp vốn, tài chính đối với các ngân hàng thương mại trong nước.

Một số thách thức đặt ra

Các FTA thế hệ mới tạo ra những cơ hội mới đối với phát triển kinh tế - xã hội nhưng đi kèm là những thách thức, cụ thể:

Thứ nhất, về tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành dịch vụ tài chính Việt Nam.

Sự phát triển của khoa học công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội cũng là những thách thức đối với ngành dịch vụ tài chính nội địa. Đó là sự tụt hậu về công nghệ của các DN Việt Nam so với các DN nước ngoài về công nghệ, về dữ liệu lớn và điện toán đám mây… Điều này sẽ dẫn đến sự yếu kém trong cạnh tranh và thu hút khách hàng trên thị trường. Việc sử dụng ví điện tử và các dịch vụ kỹ thuật số gia tăng có thể giúp người dân không cần phải gửi tiền vào ngân hàng nhưng các dịch vụ này hiện còn rất hạn chế. Nếu không có cơ sở hạ tầng ngân hàng và tài chính phù hợp, việc tiếp cận các dịch vụ tài chính cho người dân sẽ vẫn ở mức thấp.

Thứ hai, cạnh tranh không cân sức với các DN, tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính của nước ngoài.

Theo các cam kết hội nhập, Việt Nam phải mở cửa thị trường đối với các đối tác nước ngoài trong đó có lĩnh vực tài chính ngân hàng. Sẽ có nhiều tập đoàn, ngân hàng lớn nhất thế giới tham gia thị trường. Các ngân hàng nội địa sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gắt gắt, không cân sức. Tuy nhiên, các điều kiện thị trường sẽ dần được xóa bỏ lại trở thành thách thức đối với thị trường tài chính của Việt Nam. So với một số nước trong khu vực và trên thế giới, khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam còn hạn chế. Các đối tác Việt Nam ký FTA đều là những nước có thị trường tài chính, ngân hàng rất phát triển (EU, Nhật, Australia…).

Cùng với đó là sự xuất hiện của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng tạo sức ép cạnh tranh lớn cho các ngân hàng trong nước. Hiện có khoảng 100 ngân hàng và Văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Các ngân hàng nước ngoài đã chính thức hoạt động tại Việt Nam như: HSBC, Standard Chartered, Shinhan Vietnam, Hong Leong Bank,  Ngân hàng Public Bank Perhad (PBB), CitiBank, Kasikorn của Thái Lan, Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS) và Maybank (Malaysia), CIMB Bank Berhad- ngân hàng lớn thứ 2 tại Malaysia… cũng đã có mặt tại thị trường Việt Nam.

Các nước tham gia CPTPP phải cam kết tuân thủ các nghĩa vụ mở cửa thị trường dịch vụ theo cách tiếp cận chọn bỏ, ngoại trừ những lĩnh vực được đưa vào danh mục bảo lưu có chọn lọc. Yêu cầu đặt ra cho Việt Nam và các nước thành viên khi tham gia CPTPP là phải cho phép các tập đoàn tài chính nước ngoài bán dịch vụ của mình sang thị trường các quốc gia thành viên khác mà không cần phải thành lập chi nhánh tại đó nếu các công ty trong nước tại thị trường này được phép cung cấp dịch vụ đó. Đây là sức ép cực lớn đối với các ngân hàng nội.

So với các nước thành viên CPTPP, EU, thị trường dịch vụ tài chính của Việt Nam còn yếu kém hơn rất nhiều. Do vậy, áp lực cạnh tranh là không nhỏ khi các công ty nước ngoài tiếp cận và tham gia thị trường dịch vụ tài chính của Việt Nam. Ngoài các ngân hàng, các DN bảo hiểm nội địa cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Các DN bảo hiểm phi nhân thọ sẽ phải nắm bắt nhu cầu để phát triển các sản phẩm hoặc cải tiến các sản phẩm phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế, của thế giới như bảo hiểm công nghệ cao, bảo hiểm công trình quy mô lớn, phức tạp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm hàng hóa xuất khẩu, bảo hiểm ô nhiễm môi trường…

Thứ ba, tăng nguy cơ bất ổn tài chính.

Hội nhập càng sâu rộng thì nguy cơ bất ổn từ bên ngoài càng lớn và đến càng nhanh, đặc biệt đối với dịch vụ tài chính là ngành huyết mạch của nền kinh tế. Đây là thực tế phải chấp nhận và Việt Nam cần phải có các phương án chuẩn bị đối phó. Ngoài ra, còn nhiều nguy cơ khác như các DN nội địa không cạnh tranh được với các tập đoàn tài chính nước ngoài, mất thị trường… Điều này dẫn đến những hệ lụy trong hoạt động quản lý nhà nước có thể sẽ xảy ra. Đó là hiện tượng chuyển giá ngày càng gia tăng và khó có thể quản lý (vì các ngân hàng nước ngoài thường đi theo các DN nước họ khi đầu tư ra nước ngoài…). Sẽ có rất nhiều khó khăn cho Việt Nam trong đối phó với các vấn đề tiêu cực của đầu tư trực tiếp nước ngoài như chuyển giá, bất ổn về an ninh tiền tệ, thất thu cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, với xu hướng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào, hoạt động rửa tiền của các nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước sẽ tăng lên, tạo áp lực đối với các cơ quan quản lý.

Các FTA sẽ tạo điều kiện cho dòng vốn đầu tư gián tiếp luân chuyển giữa các quốc gia với nhau. Tuy nhiên, sự gia tăng dòng vốn, đặc biệt từ nước ngoài vào cũng làm gia tăng nguy cơ về bong bóng giá tài sản và vấn đề rút vốn đột ngột có thể sẽ gây mất ổn định cho quốc gia nhận vốn. Một số ngân hàng có năng lực quản lý yếu kém, vi phạm các nguyên tắc quản trị DN và quản trị rủi ro sẽ là nguy cơ lớn hơn.

Thứ tư, quản lý nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ tài chính ngân hàng sẽ đối diện với nhiều thách thức

Hàng loạt vi phạm diễn ra trong lĩnh vực ngân hàng thời gian qua đã bộc lộ năng lực hạn chế về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Các FTA thế hệ mới sẽ tạo ra áp lực về đổi mới, cải cách, đặc biệt cải cách về mặt thể chế ở trong nước. Tham gia các FTA sẽ tạo sức ép cho các DN ngành dịch vụ tài chính, các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao tính minh bạch, tính tự chịu trách nhiệm. Đồng thời, đây cũng là sức ép đối với cả hệ thống phải nâng cao năng lực tài chính, quản trị và hiệu quả hoạt động, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu của các cam kết, từ đó thúc đẩy hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Giải pháp phát triển bền vững

Nhằm thúc đẩy ngành ngành dịch vụ tài chính phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, những vấn đề cần tập trung giải quyết như sau:

Một là, các DN nội địa trong ngành dịch vụ tài chính cần nâng cao năng lực cạnh tranh, theo kịp ứng dựng công nghệ tài chính của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để có thể cạnh tranh được ở thị trường nội địa và vươn ra thị trường nước ngoài. Các ngân hàng nội địa cần chuẩn bị từng bước chuyển dịch hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, dần thay thế các dịch vụ ngân hàng truyền thống như hiện nay.

Hai là, cần tạo môi trường khuyến khích sự phát triển của khu vực tư nhân trong ngành dịch vụ tài chính. Đây là khu vực năng động trong ứng dụng công nghệ hiện đại, nhanh chóng theo kịp xu thế của thế giới trong Cách mạng công nghiệp 4.0.

Ba là, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật và tham vấn các đơn vị ngành dịch vụ tài chính trong tiến trình ký kết, thực thi các FTA đặc biệt các FTA thế hệ mới nhằm nắm bắt cơ hội, ngăn ngừa rủi ro và thực hiện đầy đủ các cam kết trong các hiệp định mà Việt Nam đã và sẽ tham gia.

Thứ tư, hoàn thiện pháp luật và thể chế điều tiết ngành dịch vụ tài chính nhằm phát triển bền vững hệ thống tài chính, tiền tệ (đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và việc các DN công nghệ như Facebook đang xúc tiến đưa ra đồng tiền kỹ thuật số Libra); giúp các DN nội địa trong ngành dịch vụ tài chính dần có những bước chuẩn bị, nâng cao năng lực cạnh tranh và có thể theo kịp xu thế của thế giới trong lĩnh vực này, đối phó được với với các đối tác nước ngoài khi Việt Nam đi vào thực thi các cam kết đối với các FTA thế hệ mới.    

Tài liệu tham khảo:

1. Ủy ban quốc gia về Hội nhập kinh tế quốc tế (2019), Các báo cáo hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2016-2018;

2. Bộ Công Thương (2018), Báo cáo về các FTA Việt Nam đã tham gia, Hà Nội;

3. Bộ Tài chính (2015), Tài liệu báo cáo cam kết CPTPP trong lĩnh vực tài chính;

4. Bộ Thông tin và Truyền thông (2015), Sổ tay tuyên truyền về Hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam, Hà Nội;

5.“Hội nhập và mở cửa trong lĩnh vực Ngân hàng”, http://www.sbv.gov.vn.