Hệ thống tiêu chí đánh giá phát triển kinh tế trang trại bền vững ở Việt Nam


Qua quá trình hình thành và phát triển, kinh tế trang trại ở Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí, vai trò to lớn đối với sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp cũng như đóng góp quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Mặc dù vậy, kinh tế trang trại ở nước ta hiện nay vẫn phát triển theo chiều rộng, hiệu quả chưa cao và thiếu bền vững. Ðể đóng góp vào lý luận phát triển kinh tế trang trại bền vững ở nước ta, bài viết giới thiệu hệ thống tiêu chí đánh giá phát triển kinh tế trang trại bền vững nhằm làm rõ hơn nhận thức luận về vấn đề này.

Quan niệm về phát triển kinh tế trang trại bền vững

Phát triển kinh tế trang trại bền vững là tổng thể các quan điểm, mục tiêu, công cụ, giải pháp, sự nỗ lực của chủ thể quản lý, thúc đẩy hệ thống trang trại phát triển nhằm thực hiện đồng thời các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế trang trại liên tục, ổn định lâu dài; giải quyết tốt các vấn đề xã hội trong nông nghiệp, nông thôn; bảo vệ, gìn giữ và tái tạo tài nguyên thiên nhiên, môi trường, cân bằng sinh thái có lợi cho phát triển ở hiện tại và tương lai.

Quan niệm trên đã chỉ rõ chủ thể, nội dung, mục tiêu và phương thức phát triển kinh tế trang trại bền vững ở nước ta bao gồm:

Thứ nhất, chủ thể phát triển kinh tế trang trại bao gồm cả hệ thống chính trị, trực tiếp là chủ trang trại. Mỗi thành tố có vị trí, vai trò và chức năng riêng. Trong đó, các cấp ủy đảng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, định ra chủ trương, chính sách phát triển kinh tế nói chung, kinh tế trang trại nói riêng. Chính quyền các cấp cụ thể hóa thành kế hoạch, biện pháp và tổ chức thực hiện chủ trương của các cấp ủy đảng. Các chủ trang trại dưới sự hỗ trợ và định hướng của chính quyền, trực tiếp sử dụng những biện pháp cụ thể thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển bền vững.

Thứ hai, phát triển kinh tế trang trại bền vững gồm 3 nội dung chủ yếu gồm: kinh tế, xã hội và môi trường.

Thứ ba, mục tiêu phát triển kinh tế trang trại bền vững là bảo đảm tăng trưởng kinh tế trong hệ thống trang trại một cách hiệu quả, liên tục, ổn định lâu dài; kết hợp hài hòa với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và môi trường như: Tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao sự hiểu biết về khoa học kỹ thuật; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, hưởng thụ các phúc lợi xã hội cho cư dân nông thôn, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường.

Thứ tư, trên cơ sở quy hoạch tổng thể của vùng, địa phương, chủ động kết hợp đầu tư phát triển mới các trang trại theo hướng bền vững với mở rộng quy mô các trang trại hiện có về chiều rộng và chiều sâu; nâng cao trình độ sản xuất gắn với hình thành, phát triển các cụm công nghiệp chế biến và hệ thống dịch vụ; đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ sinh học, phương pháp canh tác tiên tiến vào sản xuất...

Nội dung và tiêu chí đánh giá phát triển kinh tế trang trại bền vững

Từ quan niệm phát triển kinh tế trang trại bền vững cho thấy, hiện nay có 3 nội dung trụ cột gồm kinh tế, xã hội và môi trường góp phần phát triển kinh tế trang trại, cụ thể như:

Thứ nhất, về kinh tế: Phát triển kinh tế trang trại bền vững nhằm đảm bảo cho kinh tế trang trại tăng trưởng nhanh, hiệu quả, liên tục, ổn định lâu dài; cơ cấu các loại hình trang trại hợp lý, chuyển dịch theo hướng tiến bộ, các trang trại tồn tại và đứng vững trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh. Từ đó, có thể đánh giá phát triển kinh tế trang trại bền vững theo các tiêu chí sau:

Một là, về lực lượng sản xuất: Đánh giá sự phát triển của lực lượng sản xuất được xem xét ở sự phát triển liên tục, ổn định lâu dài trên các mặt chất và lượng. Theo đó, đánh giá sự phát triển của lực lượng sản xuất trong hệ thống trang trại, cụ thể cần sử dụng các tiêu chí sau:

- Lực lượng lao động: Có vai trò hàng đầu thúc đẩy sự phát triển nói chung và phát triển kinh tế trang trại bền vững nói riêng. Đánh giá theo tiêu chí này cần xem xét về số lượng, chất lượng của lao động làm việc trong các trang trại.

- Đất đai sử dụng trong các trang trại: Đất đai là tư liệu sản xuất có vai trò đặc biệt không thể thiếu trong sản xuất của trang trại. Trong điều kiện phát triển bền vững, đánh giá theo tiêu chí này cần phải xem xét việc các trang trại sử dụng hiệu quả, ổn định lâu dài đối với mỗi đơn vị diện tích.

- Máy móc và công nghệ: Là yếu tố thuộc lực lượng sản xuất, có vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm; đảm bảo cho trang trại tồn tại và đứng vững trên thị trường. Đánh giá theo tiêu chí này cần xem xét đến trình độ cơ khí hóa của các trang trại canh tác vào sản xuất để tạo ra năng suất, chất lượng sản phẩm cao và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hai là, về quan hệ sản xuất: Là đánh giá việc không ngừng củng cố, hoàn thiện quan hệ về sở hữu tư liệu sản xuất, về tổ chức quản lý và phân phối trong nội bộ trang trại cũng như giữa trang trại với các tổ chức, xã hội hay Nhà nước. Đánh giá về quan hệ sản xuất có thể sử dụng các tiêu chí sau:

- Bảo toàn và phát triển vốn của chủ trang trại (bao gồm các tài sản và vốn bằng tiền): Vốn là một mặt của quan hệ sản xuất thuộc quyền sở hữu hay sử dụng của chủ trang trại trong sản xuất, kinh doanh, đóng vai trò quyết định các mặt còn lại của quan hệ sản xuất. Đánh giá phát triển kinh tế trang trại bền vững phải xem xét việc sử dụng vốn hiệu quả để bảo toàn và phát triển vốn của chủ sở hữu một cách liên tục, đảm bảo cho trang trại phát triển ổn định lâu dài.

- Tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh của chủ thể quản lý: Là cơ sở để đánh giá phát triển kinh tế trang trại bền vững về kinh tế. Đánh giá theo tiêu chí này cần xem xét năng lực, trình độ tổ chức quản lý của chủ trang trại, khả năng áp dụng phương pháp quản lý tiến bộ để không ngừng nâng cao hiệu quả tổ chức quản lý.

- Cơ cấu các loại hình trang trại và chuyển dịch cơ cấu trang trại theo hướng hợp lý, hiệu quả: Cơ cấu các loại hình trang trại và chuyển dịch cơ cấu trang trại có vai trò quan trọng nhằm khai thác và phát huy lợi thể sản xuất sản phẩm của vùng, miền, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của trang trại. Vì thế, đánh giá theo tiêu chí này phải xem xét cơ cấu các loại hình trang trại và tình hình phân bổ tại các vùng, miền; tình hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng, miền để hình thành, phát triển một cơ cấu trang trại hợp lý, hiệu quả theo quy hoạch chung của đất nước hay địa phương.

Ba là, về năng lực cạnh tranh sản phẩm: Sản phẩm có năng lực cạnh tranh cao là sản phẩm có chất lượng tốt, giá rẻ và được khách hàng ưa chuộng. Đánh giá năng lực cạnh tranh sản phẩm thường sử dụng 3 tiêu chí là chất lượng sản phẩm, giá cả và thị phần:

- Chất lượng sản phẩm: Được phản ánh ở sự ưa thích và hài lòng của khách hàng. Đánh giá theo tiêu chí này phải căn cứ vào mức độ thỏa mãn, sự hài lòng của khách hàng và cam kết đảm bảo không ngừng tăng lên của chủ trang trại.

- Giá cả sản phẩm: Là tín hiệu của thị trường, một yếu tố nhạy cảm trong kinh doanh. Trong điều kiện chất lượng như nhau, giá cả sản phẩm hạ sẽ tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy trang trại phát triển. Do đó, giá cả được xem là một tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

- Thị phần: Tùy từng lĩnh vực, từng thị trường có thể sử dụng tiêu chí đánh giá khác nhau về thị phần như: Dựa vào số lượng doanh thu, lợi nhuận, khách hàng; thông thường xem xét thị phần hay dùng số lượng sản phẩm tiêu thụ tại thị trường. Đánh giá theo tiêu chí này phải xem xét sự biến động số lượng từng loại sản phẩm tiêu thụ tại các thị trường.

Bốn là, về sản xuất kinh doanh: Hiệu quả sản xuất, kinh doanh là tiêu chí quan trọng nhất, phản ánh cụ thể thực trạng phát triển bền vững của hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể trong một chu kỳ sản xuất hay qua các thời kỳ. Đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh theo các tiêu chí sau:

- Tổng sản lượng hàng hóa sản xuất ra hàng năm: Phản ánh kết quả hoạt động sản xuất hàng năm tương ứng với quy mô và trình độ của cơ sở kinh tế. Đánh giá theo tiêu chí này phải xem xét ở sự tăng trưởng sản lượng hàng năm liên tục, ổn định của hệ thống trang trại của vùng, địa phương.

- Tổng doanh thu và lợi nhuận hàng năm: Doanh thu và lợi nhuận là các tiêu chí phản ánh quy mô, hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh trong hệ thống trang trại. Từ đó, đánh giá được sự tăng trưởng và phát triển của hệ thống trang trại trong các thời kỳ. Đánh giá theo tiêu chí này thì doanh thu và lợi nhuận phải bảo đảm tăng trưởng liên tục và ổn định trong thời gian dài.

Thứ hai, về xã hội: Phát triển kinh tế trang trại bền vững về xã hội là quá trình phát triển, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích cho người lao động trong trang trại theo quy định của pháp luật; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, sự gắn bó giữa người lao động với trang trại. Trách nhiệm và đóng góp của chủ trang trại đối với cộng đồng. Theo đó, phát triển kinh tế trang trại bền vững về xã hội, cần xem xét ở các tiêu chí:

- Đối với người lao động: Trách nhiệm của chủ thể đối với người lao động là nội dung có ý nghĩa quan trọng trong phát triển trang trại bền vững về xã hội, thể hiện ở việc chủ trang trại thường xuyên quan tâm và đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người lao động; tạo sự gắn bó lâu dài, trách nhiệm và cống hiến của người lao động cho sự phát triển của trang trại. Đánh giá theo tiêu chí này phải xem xét việc chủ trang trại chấp hành luật lao động và quy định liên quan đến sử dụng lao động; bảo đảm các quyền lợi chính đáng cho người lao động, tạo các điều kiện thuận lợi để phát huy tính chủ động, sáng tạo và gắn bó người lao động với trang trại.

- Đối với cộng đồng: Trách nhiệm của chủ trang trại đối với cộng đồng trong phát triển kinh tế trang trại bền vững về xã hội thể hiện ở việc chủ trang trại chủ động, tích cực đóng góp vào giải quyết các vấn đề xã hội như: Giải quyết việc làm, góp phần nâng cao mức độ hưởng thụ phúc lợi xã hội cho người dân, đóng góp vào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn…

Thứ ba, về môi trường: Phát triển bền vững kinh tế trang trại bên cạnh bảo vệ môi trường nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm tính bền vững của các hệ sinh thái; khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; có các biện pháp để cải thiện và quản lý môi trường tại các địa bàn hoạt động của trang trại. Để thực hiện mục tiêu đó, trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, các trang trại phải chú trọng khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; sử dụng công nghệ và phương pháp canh tác tiên tiến trong sản xuất để hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Chủ động xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, tái tạo lại môi trường đã bị phá vỡ do khai thác trước đây, phủ xanh đất trống, đồi trọc, đất đai hoang hóa... lấy lại sự cân bằng và đa dạng sinh thái trong tự nhiên; bảo đảm sự trong sạch về không khí, nước, không gian địa lý, cảnh quan, độ màu mỡ của đất đai và môi trường sống của con người.

Từ nội dung trên, việc đánh giá phát triển kinh tế trang trại bền vững về môi trường cần xem xét theo các tiêu chí sau:

- Mức độ giảm thiểu các chất thải gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí: Hoạt động sản xuất của trang trại luôn gắn chặt với môi trường, vì thế, đánh giá theo tiêu chí này cần phải xem xét các biện pháp bảo vệ môi trường từ phía chính quyền cũng như các chủ trang trại… Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên tình hình môi trường ở khu vực trang trại hoạt động và chủ trang trại, người lao động thực hiện các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường.

- Khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên: Tài nguyên thiên nhiên có loại tái sinh, có loại không tái sinh; nó là hữu hạn và là điều kiện tiên quyết của sản xuất. Nếu khai thác bừa bãi dẫn đến cạn kiệt tài nguyên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của cộng đồng và xã hội trong cả hiện tại và tương lai. Do đó, chủ thể phải bảo vệ, khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên.

- Thực hiện nghiêm túc các quy định, thường xuyên nâng cao nhận thức trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường: Đánh giá theo tiêu chí này phải xem xét việc chấp hành luật pháp, quy định về bảo vệ môi trường của chủ trang trại và người lao động; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho chủ trang trại và người lao động, đồng thời cần có các chế tài đủ mạnh để đảm bảo thực hiện tốt các quy định.

Hệ thống tiêu chí trên là thước đo đánh giá đúng sự phát triển bền vững của hệ thống trang trại trên thực tế, góp phần giúp các nhà quản lý đưa ra các các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại bền vững phù hợp và hiệu quả.