Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 năm 2013: Huy động nguồn lực, tạo đà cho Tây Nguyên phát triển bền vững

PV.

(Tài chính) Ngày 12/4/2013, tại TP.Pleiku, tỉnh Gia lai, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị xúc tiến Đầu tư Tây Nguyên lần 2 năm 2013. Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 năm 2013 nhằm tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh xã hội gắn với an ninh quốc phòng của vùng Tây Nguyên. Đồng thời đây còn là diễn đàn cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, thảo luận về chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai, đề ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hơn các nguồn vốn cho phát triển cả vùng trong thời gian tới.

BIDV ký kết hợp đồng tín dụng với các doanh nghiệp với tổng mức đầu tư lên tới 7.325 tỷ đồng. Ảnh: BIDV
BIDV ký kết hợp đồng tín dụng với các doanh nghiệp với tổng mức đầu tư lên tới 7.325 tỷ đồng. Ảnh: BIDV
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tham gia Hội nghị với tư cách nhà đồng tổ chức. Trước đó, BIDV cũng phối hợp với Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương và địa phương tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên năm 2009 với mô hình 3 nhà “Nhà nước, Nhà đầu tư, Nhà ngân hàng”.

Trong những năm qua, BIDV luôn dành sự quan tâm cao nhất đến sự phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên thông qua mạng lưới hoạt động 37 điểm giao dịch với 8 chi nhánh cấp I, 26 Phòng giao dịch, 03 quỹ tiết kiệm và 61 máy ATM cung ứng đầy đủ, đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại cho mọi thành phần kinh tế trong khu vực. Tổng dư nợ tín dụng dành cho khu vực trong giai đoạn 2009-2012 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 15%/năm, đến cuối năm 2012 tổng dư nợ tín dụng đạt trên 18.500 tỷ đồng. 

Với vai trò là định chế tài chính hàng đầu của đất nước, BIDV đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ chính quyền các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Bộ chính trị, các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ đối với khu vực Tây Nguyên, góp phần đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, tăng tốc phát triển các hoạt động đầu tư thương mại, từng bước chuyển dịch hợp lý cơ cấu kinh tế vùng.

Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, nhằm huy động các nguồn lực phát triển nhanh bền vững cho vùng và giải quyết tốt an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trong vùng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch, tạo điều kiện, cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu về tiềm năng, năng lực của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, tín dụng…
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, BIDV luôn có những chương trình hỗ trợ hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn (2009-2012), BIDV luôn ưu tiên dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, quy mô lớn, mức lãi suất cho vay phù hợp (thấp hơn từ 1-2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, khắc phục khó khăn trong hoạt động SX-KD. 

Chỉ tính riêng năm 2012, BIDV đã triển khai 05 chương trình tài trợ xuất khẩu với tổng quy mô là 10.000 tỷ đồng trong đó có gói tín dụng 5.000 tỷ đồng có hỗ trợ các ngành cao su, cà phê là các mặt hàng thế mạnh khu vực Tây Nguyên.

Bên cạnh việc cung cấp đầy đủ và hiệu quả các sản phẩm dịch vụ ngân hàng phục vụ cho phát triển KT-XH khu vực, BIDV cũng là đơn vị đi đầu trong vận động cộng đồng doanh nghiệp và trực tiếp khiển khai mạnh mẽ, bài bản, hiệu quả các hoạt động an sinh xã hội, an sinh giáo dục trên địa bàn. 

Trong thời gian 10 năm qua, đặc biệt từ năm 2009 đến nay, BIDV đã hỗ trợ các tỉnh trong khu vưc Tây Nguyên triển khai có kết quả nhiều chương trình mục tiêu quốc gia như xoá nhà tạm, xây dựng trường học, thư viện, trạm y tế, hỗ trợ quỹ vì người nghèo, hỗ trợ gia đình chính sách, nạn nhân chiến tranh...với tổng giá trị gần 45 tỷ đồng. 

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lần thứ 2 năm 2013, BIDV tiếp tục có thêm nhiều thoả thuận được ký kết với các doanh nghiệp dự án với tổng mức đầu tư lên tới 7.325 tỷ đồng. BIDV sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để nhanh chóng triển khai các dự án cam kết đóng góp vào sự thành công của Hội nghị và sự phát triển kinh tế của khu vực.

Tại Chương trình tọa đàm về “Các giải pháp mở rộng tín dụng thúc đẩy phát triển KT-XH vùng Tây Nguyên” do Ngân hàng Nhà nước chủ trì ngay bên lề Hội nghị,  BIDV đã tham gia ý kiến với các nội dung liên quan cụ thể tới phát triển kinh tế vùng; phân tích rõ những thuận lợi cũng như khó khăn tại khu vực; Những đóng góp cụ thể của BIDV đối với vùng và đặc biệt là định hướng hoạt động sắp tới của BIDV tại khu vực.

Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 năm 2013: Huy động nguồn lực, tạo đà cho Tây Nguyên phát triển bền vững - Ảnh 1
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: BIDV

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT BIDV đã đề xuất: “Các tỉnh Tây Nguyên cần: (i) điều chỉnh quy hoạch của toàn vùng, quy hoạch lại danh mục đầu tư để phân loại nhà đầu tư và nguồn vốn đầu tư; xây dựng chính sách thu hút đầu tư riêng cho toàn vùng (ii) cải cách thủ tục hành chính (iii) Xây dựng danh mục cụ thể, chi tiết có tính khả thi cao các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư tại các tỉnh Tây Nguyên để các nhà đầu tư lựa chọn (iv) Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. (v) Tăng cường liên kết nội vùng trong công tác quy hoạch thu hút đầu tư, gắn việc xúc tiến thu hút đầu tư vào Tây Nguyên với các khu kinh tế trọng điểm miền Trung, khu kinh tế trọng điểm miền Đông Nam bộ. (vi) Có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hợp tác đầu tư xây dựng hạ tầng, sản xuất, chế biến, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, phát triển chợ biên giới trong khu vực Tam giác phát triển. (vii) Tăng cường hợp tác và phát triển kinh tế, thương mại giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh biên giới của Lào (tỉnh Attapeu, Sê Kông) và Campuchia (tỉnh Rattanakiri, Mondulkiri); triển khai thực hiện đồng bộ chính sách kinh tế cửa khẩu…

Ông Trần Bắc Hà cũng cho biết: Mô hình “Ba nhà” trong xúc tiến đầu tư  do BIDV khởi xướng từ năm 2005 đã được phát huy hiệu quả tích cực và đầy đủ tại Hội nghị  xúc tiến đầu tư vào Tây Bắc hồi đầu tháng và Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên lần 2 này, với sự góp mặt của tất cả các NHTM lớn và sự điều phối của NHNN.

Ông Trần Bắc Hà cũng cho biết, 27 hợp đồng tín dụng với tổng giá trị 22.999 tỷ đồng được ký kết tại hội nghị lần này như một minh chứng  rõ nét cho sự vào cuộc sâu sắc của cả ngành ngân hàng đối với sự phát triển bền vững của Tây Nguyên.