Một số giải pháp phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2019

Với điều kiện giao thông thuận lợi, Đắk Lắk là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng khách du lịch đến địa phương này có xu hướng tăng chậm và không đều, thậm chí có lúc giảm đáng kể. Để thu hút du khách, tỉnh Đắk Lắk cần có những chính sách, chiến lược phát triển du lịch một cách cụ thể, liên kết hợp tác giữa các tỉnh trong vùng và các tỉnh trong nước một cách chặt chẽ, hỗ trợ phát triển cơ cấu kinh tế - xã hội, thu hút khách du lịch đến Đắk Lắk.

Tính đến ngày 20/12/2017, trên địa bàn Đắk Lắk có tổng cộng 201 đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch.  Nguồn: Internet.
Tính đến ngày 20/12/2017, trên địa bàn Đắk Lắk có tổng cộng 201 đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch. Nguồn: Internet.

Đắk Lắk là một trong 5 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 13.125 km2. Dân cư Đắk Lắk là cộng đồng gồm 44 dân tộc cùng chung sống, trong đó người Kinh chiếm trên 70%; các dân tộc thiểu số như Êđê, M’Nông, Thái, Tày, Nùng... chiếm khoảng 30% dân số toàn tỉnh.

Đắk Lắk có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với các loại hình đa dạng như du lịch sinh thái, cảnh quan; du lịch văn hóa, lịch sử; lễ hội… Đầu tư khai thác các tiềm năng du lịch sẽ góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tổng quan về phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk

Tình hình thu hút khách du lịch đến Đắk Lắk

Trong giai đoạn 2014-2017, khách du lịch đến Đắk Lắk tăng bình quân là 14,48%/năm, đến năm 2017 lên tới 703 nghìn lượt khách. Trong đó, khách nội địa tăng bình quân 14,56%, khách quốc tế tăng bình quân 13,83%. Điều đáng quan tâm là trong khi khách nội địa tăng đột biến (tăng 20,48% so với năm trước) khách quốc tế lại có hướng giảm đều qua các năm 2015, 2016.

Tóm lại trong giai đoạn từ 2014-2017, nhịp độ tăng của cả khách nội địa và khách quốc tế không đều đặn. Điển hình như: Năm 2017, khách quốc tế đến tỉnh này đạt 67 nghìn lượt người, khách nội địa đạt 636 nghìn lượt người (Bảng 1).

Một số giải pháp phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk - Ảnh 1

So với mục tiêu của chiến lược, thực tế khách du lịch đến Đắk Lắk đều vượt chỉ tiêu đề ra. Một mặt, do nền kinh tế vẫn chưa hết khó khăn, người dân vẫn còn xu hướng hạn chế các khoản chi tiêu cho hoạt động du lịch. Mặt khác, du lịch tỉnh Đắk Lắk còn nhiều khó khăn trong việc giữ chân du khách lâu dài, do sản phẩm du lịch không mới, trùng lắp giữa nhiều điểm du lịch; Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết và hợp tác phát triển du lịch liên vùng, khu vực còn hạn chế; Chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực du lịch chưa cao...

Một số giải pháp phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk - Ảnh 2

Về nguồn nhân lực ngành du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Do hoạt động kinh doanh du lịch mới được phát triển trên địa bàn Tỉnh trong những năm gần đây nên đội ngũ cán bộ, nhân viên kinh doanh du lịch còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.

Năm 2010, toàn Tỉnh có 1.800 lao động trong ngành Du lịch, số lao động tăng gần 2 lần so với năm 2005 (năm 2005, số lao động là 920 người). Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,10%/năm (giai đoạn 2006-2010). Mặc dù, tăng trưởng với tốc độ tương đối cao, song chất lượng nguồn nhân lực vẫn là điểm yếu. Số lao động chưa qua đào tạo chiếm hơn 55% (khoảng 1.000 người), tác động trực tiếp đến chất lượng của hoạt động du lịch của Tỉnh.

Về các loại hình và sản phẩm du lịch của Đắk Lắk

Các giá trị văn hóa từ di sản thế giới “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với chủ thể gồm nhiều dân tộc khác nhau: Ê đê, M’nông, Ba Na, Mạ, Lạch… Những giá trị văn hóa chính của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao gồm: Cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng (Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng Bến nước...) và những địa điểm tổ chức các lễ hội (nhà dài, nhà rông, rẫy, bến nước...) được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại” vào ngày 25/11/2005.

Đối với ngành Du lịch Đắk Lắk, “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” đặc biệt có giá trị cao, có khả năng kết hợp với các tài nguyên du lịch khác nhau tạo thành những sản phẩm hấp dẫn khách du lịch.

Tài nguyên du lịch được khai thác phát triển du lịch như sinh thái, văn hóa, cà phê, voi, cồng chiêng… đã hình thành một số khu, điểm du lịch nổi bật như Khu Du lịch thác Dray Sáp Thượng, Khu Du lịch Văn hóa sinh thái Buôn Đôn, du lịch cầu treo buôn Trí - Buôn Đôn; Du lịch hồ Lắk; làng du lịch văn hoá Buôn Jun - huyện Lăk; điểm Du lịch thác Bảy nhánh - Buôn Đôn; du lịch Vườn quốc gia Yok Đôn; Công viên nước Đắk Lắk... Với tiềm năng khai thác du lịch hiện nay, ngành Du lịch đã thu hút được các doanh nghiệp lữ hành trong khu vực và trên cả nước kết nối tour đưa khách du lịch đến Đắk Lắk tham quan, nghỉ dưỡng.

Về cơ sở lưu trú du lịch và cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Tính đến ngày 20/12/2017, trên địa bàn Đắk Lắk có tổng cộng 201 đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch với 4.304 buồng/phòng. Thực tế trong những năm qua, nhiều cơ sở lưu trú có quy mô lớn trên địa bàn đã khẳng định được thương hiệu khi tham gia phục vụ thành công các sự kiện lớn của quốc gia và quốc tế như: Hội nghị giữa kỳ các nhà tài trợ ODA, Hội nghị Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, Giải bóng chuyền nữ quốc tế Châu Á và quốc tế VTV Cup… Qua đó, các cơ sở lưu trú du lịch đã góp phần tạo dựng ấn tượng và hình ảnh đẹp về du lịch Đắk Lắk trong lòng du khách trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, trong Tỉnh còn có sự tham gia của 40 đơn vị kinh doanh lữ hành (trong đó, có 10 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế); 02 cơ sở ăn uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; 01 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; 20 đơn vị kinh doanh khu, điểm du lịch; 04 đơn vị kinh doanh vận chuyển khách du lịch; cấp 65 thẻ hướng dẫn viên du lịch (trong đó, có 31 thẻ hướng dẫn viên quốc tế).

Thống kê về tình hình doanh thu du lịch

Doanh thu du lịch tỉnh Đắk Lắk có sự tăng trưởng đáng kể. Doanh thu du lịch tăng đều qua các năm, mức tăng trung bình đạt khoảng 18,5%/năm. Năm 2014, doanh thu du lịch, đạt 102,86% so với kế hoạch, tăng 15,94% so với cùng kỳ năm trước. Đến năm 2017, doanh thu thực tế là 600 tỷ đồng, đạt 101,67% so với kế hoạch và tăng 27,08% so với năm 2016 (Bảng 2).

Hoạt động kinh doanh du lịch của tỉnh Đắk Lắk trong những năm qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, không chỉ thể hiện ở sự tăng trưởng của các chỉ tiêu đánh giá ngành Du lịch như: Lượt khách du lịch, doanh thu du lịch, cơ sở lưu trú, mà còn có sự chuyển biến rõ nét về mọi mặt kinh tế - xã hội. Hiệu quả hoạt động của ngành Du lịch đã đóng góp tích cực vào công cuộc chuyển đổi cơ cấu ngành của địa phương, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển các ngành kinh tế - xã hội và đặc biệt là cải thiện, nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư.

Một số vấn đề đặt ra

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động du lịch ở Đắk Lắk còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, cụ thể như:

Hạ tầng xã hội còn yếu kém, trình độ dân trí và chất lượng lao động thấp; Mạng lưới cơ sở hạ tầng chưa được phát triển đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và du lịch; Môi trường sinh thái suy giảm ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên du lịch; việc khai thác và thu hút khách du lịch là người nước ngoài còn hạn chế. Đồng thời, do xa các trung tâm kinh tế và du lịch lớn của Việt Nam, cùng với chất lượng hệ thống giao thông đường bộ còn han chế nên Đắk Lắk phần nào bị hạn chế sức hấp dẫn đối với khách du lịch.

Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch của Đắk Lắk hiện nay còn đơn điệu, khả năng khai thác, mở rộng thị trường ra nước ngoài của các công ty lữ hành còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng to lớn về du lịch của địa phương. Chủ yếu vẫn là các tour tham quan thắng cảnh, di tích, các buôn dân tộc và các lễ hội. Những sản phẩm du lịch này chủ yếu dựa trên những nguồn tài nguyên sẵn có như cảnh đẹp thiên nhiên, lối sống tự nhiên của đồng bào dân tộc mà chưa có sự đầu tư, khai thác và phát triển để chúng trở nên phong phú, đặc sắc và cuốn hút du khách. Giữa các điểm du lịch cũng chưa có sự liên kết chặt chẽ cũng như, các sản phẩm du lịch trong mỗi điểm còn rời rạc, tách biệt nhau.

Cùng với sự phát triển của du lịch, số cơ sở lưu trú và chất lượng dịch vụ cũng tăng lên. Các khách sạn chú trọng vào việc nâng cao chất lượng phòng ở, dịch vụ ăn uống, đi lại. Đội ngũ lao động của một số khách sạn lớn được huấn luyện nghiệp vụ, phục vụ tốt. Nhìn chung, cơ sở lưu trú ở Đắk Lắk khá nhiều, chất lượng một số khách sạn đạt loại tốt. Các khách sạn và nhà nghỉ thường có phục vụ ăn uống và các món ăn đặc sản theo yêu cầu của khách. Tuy nhiên, đa số các khách sạn và nhà nghỉ chỉ tập trung trong phạm vi TP. Buôn Mê Thuột. Các khách sạn ở huyện thường có quy mô nhỏ, phục vụ chưa chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Có thể nói, trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch hiện nay là một cố gắng lớn, mặc dù mới chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu của du lịch. Do đó, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng dịch vụ và trình độ nghiệp vụ cần được đánh giá đúng mức để cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố thúc đẩy du lịch phát triển theo hướng bền vững.

Giải pháp phát triển bền vững du lịch tỉnh Đắk Lắk

Để thu hút du khách, tỉnh Đắk Lắk cần có những chính sách, chiến lược phát triển du lịch một cách tổng thể và cụ thể, liên kết hợp tác giữa các tỉnh trong vùng và các tỉnh lân cận một cách chặt chẽ. Trước tiên cần chú ý một số nội dung quan trọng sau:

Thứ nhất, nâng cao lượng khách du lịch thông qua đẩy mạnh công tác cập nhật, trao đổi thông tin, hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch. Chủ động xây dựng và phát triển các chương trình du lịch riêng, sản phẩm du lịch mang tính đặc thù cũng như tạo thương hiệu riêng cho từng điểm đến du lịch tại tỉnh Đắk Lắk.

Thứ hai, nâng cao nguồn nhân lực cho ngành Du lịch thông qua tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về du lịch văn hoá và sinh thái; tăng cường quản lý nhà nước và phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; Thực hiện công tác đào tạo, đào tạo lại thường xuyên nhằm nâng cao trình độ quản lý, năng lực công tác và nghiệp vụ du lịch cho cán bộ đang công tác trong ngành; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để kịp thời chấn chỉnh những vấn đề bất cập nảy sinh trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch.

Thứ ba, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá và phát triển các lễ hội truyền thống phục vụ du lịch; Đồng thời, cần đầu tư phát triển các công trình vui chơi giải trí mang tính đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách trong và ngoài nước; Nâng cao các tiêu chuẩn về dịch vụ khách du lịch, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế; Đầu tư hạ tầng, xây dựng các khu, điểm du lịch, tạo cơ sở cho sự hình thành và phát triển của các sản phẩm du lịch, tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động phát triển du lịch của tỉnh Đắk Lắk. 

Tài liệu tham khảo:

  1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk (2014-2017), Số lượng khách du lịch đến Đắk Lắk thời kỳ 2014 – 2017;
  2. Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk (2015-2018), Niên giám thống kê các năm 2014 đến năm 2017;
  3. Nguyễn Lâm Tùng, “Một số giải pháp phát triển ngành du lịch Việt Nam”, Tạp chí Tài chính tháng 9/2017;
  4. Trần Thị Thủy, Đậu Quang Vinh, “Một số giải pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo ở miền tây Nghệ An”, Tạp chí Khoa học – Công nghệ Nghệ An, tháng 10/2014.