Quản lý nền kinh tế thông minh ở các nước và hàm ý chính sách cho TP. Hồ Chí Minh

Bài được đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 8/2019

Thành phố thông minh là một trong những chủ đề nóng và là xu thế phát triển tất yếu của thế giới. Bắt kịp với xu thế toàn cầu và quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Việt Nam đã và đang phát triển Chiến lược xây dựng các thành phố thông minh (TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương...). Tuy nhiên, quá trình xây dựng và triển khai các thành phố thông minh còn nhiều vướng mắc, trong đó có lĩnh vực kinh tế. Bài viết làm rõ nội hàm, cách thức và kinh nghiệm quốc tế trong ứng dụng mô hình thành phố thông minh vào công tác điều hành và quản lý kinh tế của một số quốc gia, qua đó gợi mở hướng phát triển thành phố thông minh cho TP. Hồ Chí Minh.

TP. Hồ Chí Minh phát triển Chiến lược xây dựng các thành phố thông minh và nền kinh tế thông minh.
TP. Hồ Chí Minh phát triển Chiến lược xây dựng các thành phố thông minh và nền kinh tế thông minh.

Cơ sở lý luận

Thống kê cho thấy, có đến hơn 100 định nghĩa với nền kinh tế thông minh, với nhiều phạm vi khác nhau về thành phố thông minh (TPTM). Theo Wikipedia, một thành phố được gọi là thông minh khi sự đầu tư vào nguồn lực con người và xã hội, vào hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin tạo ra sự phát triển kinh tế bền vững, với mức sống cao, có sự quản lý tài nguyên khôn ngoan, thông qua sự hợp tác và cam kết. Từ đó, khái niệm TPTM nhấn mạnh vào tính hiệu quả, thông qua sự quản lý thông minh, với sự tham gia tích cực của người dân, trên nền tảng của công nghệ thông tin và truyền thông.

Một khái niệm khác được đưa ra tại Hội thảo FG-SSC ở Geneva (2014) cũng cho rằng: Một TPTM bền vững là một thành phố sáng tạo có sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả của hoạt động và dịch vụ đô thị, tính cạnh tranh, trong khi đảm bảo rằng nó đáp ứng các nhu cầu hiện tại và thế hệ tương lai đối với các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.

Tuy có nhiều khái niệm, nhưng phạm trù “TPTM” khá thống nhất về mặt nội dung và có thể được đánh giá và xếp hạng thông qua 6 tiêu chí sau: Nền kinh tế thông minh; Sự vận động thông minh; Môi trường thông minh; Con người thông minh; Đời sống thông minh; Chính quyền thông minh… Trong các tiêu chí trên thì nền kinh tế thông minh có liên quan chặt chẽ, là động lực chính và được xác định là một thành phần quan trọng trong cấu trúc của một TPTM.

Tóm lại, 1 nền kinh tế thông minh được đánh giá qua yếu tố sau: Tinh thần sáng tạo; Các doanh nghiệp (DN); Hình ảnh và thương hiệu của nền kinh tế; Năng suất lao động của cư dân; Tính linh hoạt của thị trường lao động; Khả năng kết nối quốc tế; Khả năng thích ứng với những biến động theo thời gian thực.

Quản lý nền kinh tế thông minh: Xu thế hiện nay của các TPTM, thể hiện rõ nhất và quan trọng nhất chính là làm cho hệ thống quản lý kinh tế ngày càng thông minh hơn. Quản lý nền kinh tế thông minh là việc xây dựng và điều hành một hệ thống gồm các chính sách và các phần mềm công nghệ thông tin giúp cho việc đánh giá hiện trạng nền kinh tế và đưa ra các chính sách điều chỉnh nền kinh tế từ cấp cao nhất đến cấp trực tiếp trong khoảng thời gian ngắn nhất với hiệu quả cao nhất. Mô hình điều khiển tích hợp phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin và giúp cho cấp lãnh đạo cao nhất đưa ra các quyết định chính xác nhất dựa trên các thông tin đã cung cấp. Để hiểu rõ hơn về nội dung của mô hình điều khiển tích hợp này, có thể xem xét nó trên các tiêu chí cụ thể của nền kinh tế thông minh:

- Tinh thần sáng tạo: Được đánh giá dựa trên một số yếu tố như: Tỷ trọng chi phí cho nghiên cứu và phát triển theo % đối với GDP của thành phố; tỷ lệ lao động chất lượng cao trên tổng số lao động của địa phương; tỷ lệ số bằng sáng chế được cấp tính trên đầu người.

- Các DN: Tiêu chí này được đánh giá dựa vào khả năng tự tạo việc làm của các DN; số lượng DN đăng ký mới hàng năm. Các DN sẽ được cấp tài khoản đối với mỗi một mã số đăng ký kinh doanh và cần cung cấp các thông tin một cách trung thực, đầy đủ vào tài khoản đó để hệ thống có thể cập nhật chính xác nhất.

- Hình ảnh và thương hiệu của nền kinh tế: Như đã nói ở trên, tiêu chí này cần rất nhiều yếu tố để đánh giá: Bộ máy quản lý kinh tế; kết cấu hạ tầng cơ sở; môi trường kinh doanh; phạm vi và mức độ phát triển của các thị trường; giáo dục và y tế, khoa học công nghệ… Đây có lẽ là tiêu chí phức tạp và khó định lượng nhất.

- Năng suất lao động của cư dân: Trái ngược với tiêu chí trên, năng suất lao động là tiêu chí rất rõ ràng về mặt định lượng, bằng cách tính phần giá trị GDP tạo thêm của một người lao động trên một đơn vị thời gian nhất định. Để đạt được dữ liệu chính xác cho thước đo này, mỗi người dân của thành phố cần có một tài khoản riêng và có thông tin cụ thể về công việc cũng như thu nhập của bản thân.

- Tính linh hoạt của thị trường lao động: Yếu tố này được đánh giá chủ yếu dựa trên tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ việc làm bán thời gian của địa phương.

- Khả năng hội nhập quốc tế: Chỉ tiêu này được đánh giá thông qua dữ liệu về mức độ kết nối nền kinh tế với quốc gia cũng như quốc tế của thành phố. Ví dụ như: Số lượng công ty giao dịch trên các sàn chứng khoán lớn; kim ngạch thương mại hàng năm, lượng hành khách và lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường hàng không…

- Khả năng thích ứng với biến đổi: Một nền kinh tế sẽ bền vững và có khả năng thích ứng cao với biến đổi nếu đạt được những tiêu chí trên về kinh tế thông minh. Tiêu chí này bị ảnh hưởng bởi các biến số kinh tế của quốc gia: Chỉ số lạm phát, tỷ lệ nợ công trên GDP, tỷ lệ thâm hụt ngân sách, lãi suất dài hạn, sự ổn định của đồng tiền quốc gia…

Thấy gì từ kinh nghiệm quản lý nền kinh tế thông minh của các quốc gia?

Singapore

Singapore không chỉ là một trung tâm tài chính lớn, mà còn nổi tiếng là một trong những quốc gia thông minh hàng đầu của thế giới, với việc sử dụng công nghệ thông tin như một công cụ đắc lực trong việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thông minh.

Singapore rất chú trọng tới tinh thần sáng tạo, coi đó vừa là động lực, vừa là nội dung, đồng thời là công cụ, tiêu chí đánh giá quan trọng để phát triển một nền kinh tế thông minh. Theo đó, quốc đảo sư tử tập trung các nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ - kỹ thuật. Hơn một thập kỷ qua, Singapore đã chi hơn 22 triệu USD cho các dự án nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm những công nghệ hoặc sản phẩm mới. Mới đây, Chính phủ Singapore đã phê duyệt khoản ngân sách trị giá khoảng 13,8 tỷ USD cho kế hoạch 5 năm nhằm phát triển công nghệ, hỗ trợ các công ty kỹ thuật và hỗ trợ đưa những sản phẩm đang nghiên cứu ra ngoài thực tế. Nhờ đó, quốc gia này đã trở thành trung tâm của các DN khởi nghiệp công nghệ và là thị trường lớn cho các nhà đầu tư. Theo báo cáo Điều tra của Asia Venture Capital Journal Research, trong khoảng 2005-2014, số DN khởi nghiệp tại Singapore đã tăng mạnh (từ 24.000 lên 50.000 DN); thu hút được giai đoạn 1,7 tỷ USD đầu tư khởi điểm trong năm 2013. Kết quả trên đã đưa Singapore vượt qua Nhật bản, Hàn Quốc và Hong Kong về mảng startup. Bên cạnh đó, công nghệ thông tin đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của Singapore một cách “thông minh”.

Quản lý nền kinh tế thông minh ở các nước và hàm ý chính sách cho TP. Hồ Chí Minh - Ảnh 1

Với việc phát triển và ứng dụng rộng rãi khoa học – công nghệ vào các lĩnh vực, Singpore đã chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế đất nước trên trường quốc tế. Từ một đất nước hạn chế về tài nguyên thiên nhiên, chỉ sau vài chục năm Singapore đã trở thành một cường quốc kinh tế, trung tâm tài chính dẫn đầu thế giới. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 được Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá trên 138 quốc gia và vùng lãnh thổ, Singapore tiếp tục giữ vị thế là nền kinh tế cạnh tranh thứ 2 trên thế giới, bất chấp những lo ngại về diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới. Singapore là một trong những nước có nền kinh tế phát triển đồng nhất trên cả 12 yếu tố đánh giá.

Để có được vị thế cạnh tranh thứ hai trên thế giới, Singapore đã đặc biệt chú trọng tới phát triển giáo dục và đào tạo (dẫn đầu thế giới); sự đầu tư về thể chế và hạ tầng; tăng cường tính sáng tạo, xem phát triển khoa học – công nghệ là động lực của sự phát triển...

Hàn Quốc

Từ một thị trấn công nghiệp nhỏ của tỉnh Gyeonggi cách đây 60 năm, Seoul hiện là Thành phố lớn nhất của Hàn Quốc và là một trong những đại đô thị hàng đầu thế giới. Bí quyết cho những thành tựu trên là do Seoul đã tạo được bước ngoặt mang tính quyết định đối với ngành Công nghệ và công nghiệp đã tạo nên sự phát triển bùng nổ. Dựa trên Chiến lược xây dựng “U-Korea” từ năm 2003 của Chính phủ, nhằm xây dựng Hàn Quốc trở thành đất nước thông minh, tháng 6/2011, Thủ đô Seoul đã đưa ra Kế hoạch “Seoul thông minh năm 2015”. Chiến lược phát triển này sử dụng hệ thống cảm biến không dây để thúc đẩy việc số hóa các tài nguyên, kết nối mạng, dễ sử dụng và thông minh. Điều này đã làm thay đổi đáng kể xã hội và sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc.

Đi đầu là các hành động của Chính phủ xây dựng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ hợp lý, khai thác và phát huy nguồn lực sẵn có trong nước, đồng thời tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ mới; thực hiện đồng bộ hệ thống các chính sách ưu tiên đầu tư trong nghiên cứu... Trong đó, sử dụng các công cụ: Miễn thuế, hỗ trợ vốn vay và cho vay không lãi, giảm thuế thu nhập cho DN áp dụng và đầu tư công nghệ mới; thúc đẩy chuyển đổi cơ chế hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ, các viện nghiên cứu hoạt động theo cơ chế thị trường.

Từ năm 2012, người dân TP. Seoul có thể tiếp cận các dịch vụ hành chính cơ bản như: Cấp chứng nhận, trả tiền thuế, thanh toán hóa đơn... thông qua điện thoại di động. Tại Thủ đô Seoul, tỷ lệ sử dụng thẻ giao thông rất cao: 95% sử dụng thẻ xe bus, 100% sử dụng thẻ tàu điện. Thẻ không chỉ được sử dụng cho xe bus, taxi, tàu điện mà còn được dùng để thanh toán tiền tàu, phí cầu đường cao tốc… Hệ thống xử lý trung tâm của thẻ giao thông sẽ lưu trữ lại chi tiết mọi giao dịch của người sử dụng, chia sẻ thông tin với các công ty vận tải, điểm bán thẻ, các công ty thẻ tín dụng để thanh toán. Từ đó, Seoul đã tăng trên 20% số người dùng dịch vụ xe bus, tăng 130% doanh thu phí sử dụng xe bus trong 10 năm qua…

Ngoài ra, nhằm phát triển dịch vụ thương mại, Hàn Quốc đã hình thành các siêu thị ảo trong tàu điện ngầm. Đây là một cách thức sử dụng thông tin và công nghệ truyền thông thay đổi tương tác của khách hàng với hàng hóa. Công nghệ cho phép là mã QR. Mỗi hình ảnh của một mặt hàng tương ứng với một mã QR có liên quan, khách hàng có thể dùng điện thoại để quét mã vạch, nhận dạng sản phẩm. Từ đó, cho phép các khách hàng có thể giao dịch mua hàng, được vận chuyển về nhà một cách tối ưu và thuận tiện, nhanh chóng...

Nhờ những nỗ lực phát triển kinh tế gắn liền xây dựng một TPTM, Seoul đã tạo nên sự đột phá, trở thành đô thị phát triển hàng đầu thế giới (đứng thứ 7 trong nhóm các thành phố bền vững nhất thế giới; thuộc top 10 dẫn đầu các TPTM). Khu vực đô thị quanh Seoul hiện tập trung 84% cơ quan và tổ chức chính phủ, 88% của 30 công ty lớn nhất Hàn Quốc, và 65% trong số các trường đại học phổ biến nhất cả nước. Từ đó, Seoul đã đưa Hàn Quốc vươn lên là nền kinh tế nằm trong nhóm 20 nền kinh tế mạnh nhất thế giới – G20; lớn thứ 13 trên thế giới xét về GDP (GDP bình quân năm 2015 là 27.900 USD). Thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc hiện nay đã vượt ngưỡng 20.000 USD...

Hàm ý chính sách cho TP. Hồ Chí Minh

Đứng trước xu thế phát triển tất yếu thành đô thị thông minh của các thành phố trên thế giới và tại Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh cần có một chiến lược với tầm nhìn trung và dài hạn để phát triển thành một TPTM với đầy đủ các đặc trưng. Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh cũng cần căn cứ trên các điều kiện thực tế về vị trí địa lý, đặc điểm cư dân, đặc điểm hoạt động kinh tế để tạo ra những nét đặc thù riêng. Với ý nghĩa đó, các tác giả đưa ra một số gợi ý cho TP. Hồ Chí Minh như sau:

Thứ nhất, TP. Hồ Chí Minh cần có một nhóm giải pháp kết nối nền kinh tế, tích hợp công nghệ thông tin hiện đại, cập nhật xu hướng mới về khoa học công nghệ, những giải pháp công nghệ thông tin mới, tích hợp như: Cảm biến, hệ thống điều khiển, mạng truyền thông, các ứng dụng kinh doanh và chăm sóc khách hàng, giải pháp khoa học phân tích và quản lý dữ liệu, ứng dụng điện toán đám mây...

Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu xây dựng một trung tâm hành chính công thông minh, với đại diện là một chính quyền điện tử hiện đại; có khả năng quản lý một cách hiệu quả hoạt động kinh tế của các DN cũng như người dân; có khả năng kết nối cung và cầu của các thị trường nhờ vào minh bạch hóa thông tin; có khả năng tương tác cao với các phản ứng của thị trường, DN và người dân… để giúp chính quyền Thành phố có dữ liệu để hoạch định chính sách.

Thứ hai, TP. Hồ Chí Minh cần phải ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các DN tự chuyển đổi sang thành các DN thông minh, các DN khởi nghiệp. Chính việc hình thành một chính quyền điện tử đủ mạnh và thông suốt sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, với thủ tục hành chính gọn nhẹ, nhanh chóng. Đặc biệt, với đặc thù của một thành phố cảng với lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu rất lớn, TP. Hồ Chí Minh cần xây dựng mô hình hành chính công điện tử trong lĩnh vực thuế và hải quan. Về trung hạn, Thành phố cần tăng cường kêu gọi đầu tư, đặc biệt là các DN nước ngoài có uy tín và sử dụng hàm lượng khoa học công nghệ cao, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ thế mạnh; Khuyến khích các DN đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ, tạo nhiều kết nối công nghệ giữa các DN với nhau, từ đó giúp các DN tối ưu hóa mô hình kinh doanh; tạo nên một chuỗi cung ứng, hậu cần thông minh gắn kết chặt chẽ hơn DN với thị trường, với khách hàng, với quốc tế, đặc biệt với các DN logistic, dịch vụ cảng biển của thành phố; Đầu tư xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng cơ sở, giao thông, viễn thông kết nối giữa các khu công nghiệp với Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (tương lai là Sân bay quốc tế Long Thành) và cảng Cát Lái, là hai cửa ngõ quan trọng của Thành phố.

TP. Hồ Chí Minh cần ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tự chuyển đổi sang thành các doanh nghiệp thông minh, các doanh nghiệp khởi nghiệp. Việc hình thành một chính quyền điện tử đủ mạnh và thông suốt sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, với thủ tục hành chính gọn nhẹ, nhanh chóng.

Thứ ba, TP. Hồ Chí Minh cần có chính sách hợp lý nhằm thu hút nhân lực chất lượng cao, có trình độ, có kỹ năng tốt về để làm việc cho thành phố; Ưu tiên và khuyến khích các cá nhân có bằng sáng chế, công trình khoa học được quốc tế công nhận; Xây dựng hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ hiệu quả, đảm bảo công bằng trong việc sử dụng nhân tài.

Đồng thời, Thành phố cũng cần minh bạch hóa thông tin về tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự ở cả khối tư nhân, cũng như nhà nước, từ đó tạo ra một thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bình đẳng, công khai; Có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho nguồn nhân lực chất lượng cao; Tăng cường rà soát, đánh giá nguồn nhân lực tại chỗ để xếp loại, tạo ra môi trường cạnh tranh, thúc đẩy năng suất lao động tăng lên; Cân nhắc đầu tư xây dựng một đô thị đại học với các trường đại học, các DN khoa học công nghệ và các viện nghiên cứu cùng tham gia.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016;
2. International Telecommunication Union - Focus Group Technical Report, Smart sustainable cities: An analysis of definitions - 10/2014;
3. R. Giffinger, C. Fertner, H. Kramar, R. Kalasek, N. Pichler-Milanovic ´, and E. Meijers, Smart Cities: Ranking of European Medium-sized Cities (Vienna: Centre of Regional Science, 2007);
4. R. Giffinger, and H. Gudrun, “Smart Cities Ranking: An Effective Instrument for the Positioning of Cities?” ACE Architecture,” City and Environment 4: 12 (2010) 7–25;
5. Dirks S., Keeling M. (2009), A vision of smarter cities How cities can lead the way into a prosperous and sustainable future, IBM Institute for Business Value, 8;
6. Lithuania’s progress strategy, “Lithuania 2030” (2012);
7. Các website: vi.wikipedia.org, en.wikipedia.org, smartcitiesberkeley.wordpress.com, news.zing.vn, ioti.com, baomoi.com.