Tái cơ cấu đầu tư công và một số kiến nghị
Đầu tư công có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng vai trò là “đòn bẩy” đối với một số ngành và vùng trọng điểm, đồng thời thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của quốc gia. Trước đòi hỏi nâng cao hiệu quả đầu tư công cũng như thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, Quốc hội về đầu tư công, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 27/NQ-CP ngày 21/02/2017, trong đó yêu cầu tiếp tục cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công.
Xác định ưu tiên cho vốn đầu tư công
Chương trình hành động của Chính phủ thông qua Nghị quyết 27/NQ-CP ngày 21/02/2017 xác định tái cấu trúc đầu tư công là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập của Việt Nam, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trước đó, Quốc hội thông qua Nghị quyết 26/2016/QH14 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Trong đó, nhấn mạnh, cần cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển; hoàn thiện cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Theo Nghị quyết 26/2016/QH14, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016-2020 tối đa là 2.000.000 tỷ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 1.120.000 tỷ đồng, gồm vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng, vốn trong nước 820.000 tỷ đồng, trong đó phát hành 260.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ (bao gồm 60.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014-2016 chuyển sang), tiền bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp là 250.000 tỷ đồng; Vốn cân đối ngân sách địa phương là 880.000 tỷ đồng...
Thực tế triển khai đầu tư công cho thấy, để tránh tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả như thời gian qua một trong những nhiệm vụ trước tiên cần làm ngay đó là xác định các tiêu chí ưu tiên cho các dự án đầu tư công.
Các nghiên cứu cho rằng, cần tập trung bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, cần thiết, cấp bách làm cơ sở đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền.
Bên cạnh đó, cần ưu tiên vốn đầu tư từ nguồn NSNN cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư.
Các bộ, ngành, địa phương chỉ quyết định chủ trương đầu tư những dự án thật sự cần thiết khi đã thẩm định, làm rõ hiệu quả của dự án, nguồn vốn, khả năng cân đối, bố trí vốn cho từng dự án, bảo đảm dự án được phê duyệt có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện. Đồng thời, hạn chế tối đa việc ứng trước vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Trường hợp cần thiết ứng trước, phải kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm việc ứng trước kế hoạch phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN. Mức vốn ứng trước của từng dự án không vượt quá mức vốn bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và phải bảo đảm có nguồn thanh toán các khoản vốn ứng trước.
Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ trọng tâm
Để tái cấu trúc đầu tư công thời gian tới gắn với ưu tiên hiệu quả đầu tư, cần bám sát một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó bám sát các chỉ đạo được đưa ra tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/02/2017, cụ thể:
Một là, sớm xây dựng Đề án hoàn thiện thể chế lựa chọn sắp xếp thứ tự ưu tiên phê duyệt dự án đầu tư công và đánh giá hiệu quả sau đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2025.
Trong đó, cần thực hiện chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 phải quán triệt quan điểm tập trung, không dàn trải. Đặc biệt, vốn đầu tư công cần ưu tiên cho các dự án lớn, quan trọng, có tính liên kết vùng, liên vùng, có vai trò lan tỏa lớn; Vốn đối ứng các dự án ODA; Thanh toán nợ xây dựng cơ bản; Quan tâm hỗ trợ các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn...
Hai là, hoàn thiện hệ thống quản lý đầu tư công theo thông lệ quốc tế đảm bảo đến năm 2019 đạt chất lượng tương đương trung bình các nước ASEAN-4, trong đó ưu tiên đổi mới cách thức lập và thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư công.
Các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất đầu tư và giá trong lĩnh vực xây dựng của các ngành kinh tế để quản lý chặt chẽ, tiết kiệm đầu tư công.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện chính sách và cơ chế về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo hướng chuyển từ cơ chế cấp phát sang cơ chế cho vay lại gắn với tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay.
Bốn là, hoàn thiện, triển khai thống nhất trên toàn quốc hệ thống thông tin về đầu tư sử dụng vốn nhà nước (bao gồm cơ sở dữ liệu về các dự án đầu tư công từ nguồn NSNN, hỗ trợ phát triển chính thức ODA, trái phiếu chính phủ...); Xây dựng quy định bảo đảm triển khai hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin; Hướng dẫn các bộ, ngành Trung ương và địa phương tăng cường công tác quản lý, lập báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công…
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; Kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư; Bảo đảm công khai, minh bạch trong việc huy động, quản lý, sử dụng vốn vay.
Quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Khoản vốn dự phòng chung chưa phân bổ chỉ được sử dụng trong trường hợp nguồn thu NSNN được đảm bảo theo kế hoạch và được sử dụng cho các mục tiêu thật sự cần thiết, bất khả kháng, cấp bách theo quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công…
Sáu là, nêu cao trách nhiệm trước pháp luật của người đứng đầu các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc quyết định chủ trương đầu tư, bảo đảm chất lượng lập báo cáo đề xuất, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án nhằm khắc phục triệt để tình trạng chuẩn bị dự án sơ sài, không bảo đảm quy định của pháp luật, quyết định chủ trương đầu tư dàn trải, không hiệu quả, phê duyệt tổng mức đầu tư thiếu chính xác.
Xử lý nghiêm cá nhân, tập thể vi phạm pháp luật về đầu tư công đã được Quốc hội, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền quyết định.