Nghiên cứu chính sách về thuế, phí để giảm chi phí đầu vào

Việt Hoàng

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm; dự thảo chương trình phòng chống dịch COVID-19 giai đoạn năm 2022-2023 diễn ra ngày 3/3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phối hợp chặt chẽ, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phối hợp chặt chẽ, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các cơ quan trình các văn bản, báo cáo có cùng các ý kiến thống nhất đánh giá tình hình tháng 2 và 2 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng, thể hiện qua kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm; thu ngân sách tăng so với cùng kỳ và dự toán, xuất nhập khẩu tăng, lương thực thực phẩm được bảo đảm, bảo đảm năng lượng cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt, thị trường lao động phục hồi nhanh...

Tuy nhiên, Thủ tướng dự báo, tình hình tháng 3 và những tháng tới sẽ tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ, nhiều diễn biến không dự báo được.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thời gian tới. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt theo dõi, bám sát, nắm chắc tình hình, diễn biến thế giới và khu vực có liên quan tới các lĩnh vực chỉ đạo, điều hành để chủ động xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thực hiện nghiêm các công thức, phương châm phòng chống dịch đã được tổng kết...

Thủ tướng yêu cầu trước mắt, cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Sớm nghiên cứu một số chính sách về thuế, phí để giảm chi phí đầu vào; nâng cao năng lực sản xuất xăng dầu trong nước...

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, nhất là liên quan tới công tác phòng chống dịch, giá cả nguyên vật liệu, xăng dầu… Cùng với đó, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là đầu tư cho hạ tầng; kiên quyết điều chỉnh vốn của các bộ, ngành địa phương chưa phân bổ xong kế hoạch vốn trong tháng 3, sau đó kiểm điểm trách nhiệm. Phân bổ vốn tích cực, đúng hướng, khả thi đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tích cực giải ngân vốn ODA, vốn vay nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, ngay trong tháng 3, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành phương án, kế hoạch triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và theo phân công; hoàn thiện nghị định quy định về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, công tác thông tin truyền thông cần phản ánh kịp thời, chính xác, khách quan tình hình, chú trọng thông tin hướng dẫn người dân và doanh nghiệp trong phòng chống dịch, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, an dân, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu.