Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Cục DTNN khu vực Đà Nẵng (14/9/1979 -14/9/2014):

Người Cục trưởng tận tụy và mối lương duyên với ngành Dự trữ

Hồng Sâm

(Tài chính) Cục trưởng Nguyễn Như Hiền vốn là một thầy giáo và nhà quản lý giáo dục nhưng vì duyên… trời định, anh đã gắn bó với ngành Dự trữ Quốc gia (DTQG) trong mấy chục năm qua. Với tác phong dám làm, dám chịu cùng sự toàn tâm, toàn ý với ngành DTQG, anh đã lãnh đạo, điều hành Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực Đà Nẵng luôn hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ chính trị được giao trong nhiều năm qua.

Mối duyên đặc biệt

Người Cục trưởng tận tụy và mối lương duyên với ngành Dự trữ - Ảnh 1
Anh Nguyễn Như Hiền sinh ra ở Điện Bàn, Quảng Nam – Đà Nẵng nhưng lại lớn lên và học tập ở miền Bắc, sống ở các tỉnh Thái Bình, Bắc Giang. Bởi vậy, những ký ức khi anh được có mặt trên chuyến tàu đầu tiên chạy qua cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa hay lần đi sơ tán về Cầu Gồ, Yên Thế (Bắc Giang) được thấy “căn cứ địa” của Đề Thám, được thấy những trận đánh anh dũng của quân dân miền Bắc chống trả lại sự tàn ác của giặc Mỹ, những cuộc Nam tiến không tiếc thân mình của thanh niên miền Bắc, trong đó có cả những người bạn của anh vì miền Nam ruột thịt, được gặp Bác Hồ trong lần Người đến thăm bệnh viện Bắc Giang…đã ngấm vào máu thịt anh và xây dựng nên lý tưởng sống trong anh.

“Ngày ấy, tôi xung phong vào bộ đội, nhưng không được vì là học sinh miền Nam nên tổ chức yêu cầu phải học tập rèn luyện. Tôi vào học Đại học sư phạm I ở Hà Nội. Khi đất nước thống nhất, tôi trở về Quảng Nam đi dạy học rồi làm quản lý giáo dục trong mười lăm năm. Đến năm 1991, tôi được chuyển sang ngành DTQG. Đấy là một mối duyên đặc biệt…”- Cục trưởng Nguyễn Như Hiền chia sẻ.

Sở dĩ, Cục trưởng Nguyễn Như Hiền nói việc anh chuyển từ nghề gắn với phấn trắng, bảng đen sang nghề gắn với ngành DTQG là một mối duyên đặc biệt, cũng vì anh đã nhận nhiệm vụ trong một hoàn cảnh đặc biệt. Đấy là vào năm 1989, ở đơn vị Cục (lúc đó là Chi cục dự trữ Đà Nẵng ) có sự cố sai phạm về công tác quản lý, qua kiểm tra kết luận của cơ quan chức năng, một số cán bộ chủ chốt bị kỷ luật. Do đơn vị thiếu cán bộ nên sau khi củng cố lại, lãnh đạo mới của Chi cục  lúc đó cần bổ sung thêm một số cán bộ chủ chốt.

Tháng 3/1991, anh Nguyễn Như Hiền được điều động về làm kế toán trưởng Chi cục dự trữ Đà Nẵng. “Quả thực, tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều về sự thay đổi công việc này. Về chuyên môn không có gì đáng ngại vì tôi đã học xong chương trình cử nhân kinh tế - khi làm công tác quản lý ở Sở Giáo dục. Nhưng, nỗi lo lắng đè nặng , vì Chi cục lúc đó đang rất khó khăn và tôi vốn làm nghề sự phạm – một sự thay đổi có thể nói là đột ngột. Nhưng, lý tưởng sống dám hy sinh, dám dấn thân được tôi rèn trong những năm tháng học tập ở miền Bắc đã thôi thúc tôi tiến bước”- anh Nguyễn Như Hiền nhớ lại.

Với tinh thần xung kích của một người đã từng đảm nhiệm bí thư đoàn thanh niên trong nhà trường, công việc đầu tiên của kế toán trưởng Nguyễn Như Hiền là xử lý hết các tồn tại của năm trước, dứt khoát phải giải quyết công nợ không để kéo dài. Công việc này hoàn tất sớm nên được Ngành đánh giá tốt và đã tạo niềm tin cho anh em trong đơn vị, cũng như trong ngành. Cùng với đó, từ chính việc “gỡ sai” cho Chi cục và nhìn thấy cơ chế bao cấp lúc bấy giờ đặt ra bài toán cần giải là tất cả các nguồn vốn trong cơ chế đặc biệt, cơ chế đó không xác lập rõ ràng của từng loại vốn, phí nằm trong cơ chế đặc biệt, không được tách bạch rõ ràng sẽ dẫn đến những sai phạm không đáng có nên anh đã xây dựng ngay đề tài quản lý vốn.

Đây là đề tài anh rất tâm đắc và được sử dụng xuyên suốt trong những năm  đầu của thời kỳ đổi mới đơn vị, nó giữ vững cho kỷ cương hoạt động của đơn vị. Phải nói rằng, ở thời điểm đó ngành dự trữ chưa kịp ra cơ chế quản lý vốn nên anh phải xác định phương thức quản lý vốn, quản lý phí, tách bạch chúng ra để các chi cục đơn vị cơ sở cũng như ở Cục cùng áp dụng và quản lý vốn một cách hiệu quả, đúng theo quy định của pháp luật.

Và những thành công…

Trong câu chuyện với tôi, anh Nguyễn Như Hiền luôn nhắc đến những lời Bác dạy mà anh lấy đó làm phương ngôn làm việc của mình. Đấy là, Bác dặn cần phải xây dựng Đảng cùng với xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có tâm, có tầm và dù ở bất cứ khó khăn nào cũng phải đạt được mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức giao cho. Đấy là câu nói Bác dành cho ngành giáo dục: “Vì lợi ích 10 năm phải trồng cây. Vì lợi ích 100 năm phải trồng người” và anh đã vận dụng rất tích cực vào đơn vị của mình.

Chẳng thế mà công tác đào tạo nguồn nhân lực cho đơn vị vốn đi từ cái khó: ban đầu cán bộ trong đơn vị phần lớn là bộ đội phục viên có lý tưởng cách mạng cao đẹp nhưng về trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì không có. Vì thế, anh Nguyễn Như Hiền đã đau đáu trong suy nghĩ: phải làm sao trang bị cho anh em hiểu được cơ chế chính sách, đường lối thì anh em mới tiệm cận, mới hiểu được cơ chế chính sách và không rơi vào những vấp ngã của những năm 1989 - 1990. Từ đó, anh tạo điều kiện để anh em được học tập nâng cao nghiệp vụ, đồng thời thường xuyên tổ chức các hội nghị thảo luận về cơ chế chính sách của Đảng, nhà nước.

Đến giờ, anh vẫn tiếp tục “sự nghiệp đào tạo” ấy,  trong 5 năm qua với tổng lao động sử dụng 98 người/104 biên chế, anh đã cử trên 300 lượt cán bộ công chức tham gia học tập các lớp chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý Nhà nước, thi chuyển nâng ngạch. Đến nay trên 59% cán bộ công chức của Cục có trình độ Đại học và trên đại học; trên 3% Cao đẳng; 28% Trung học; 10% Sơ cấp. Tổng kinh phí, hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng là trên 0,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Nguyễn Như Hiền còn nhắc đến câu nói của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh là “Nói phải đi đôi với làm” mà anh cũng rất tâm đắc. Đấy cũng là phong cách làm việc của anh khi anh luôn toàn tâm, toàn ý, dám làm dám chịu trách nhiệm trong công việc với hết khả năng của mình. Vì sự không chịu “ngồi yên” ấy mà anh vừa là tác giả vừa là người chỉ đạo để cán bộ trong đơn vị đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp, góp phần đem lại những thành công mới của Cục như ngày hôm nay.

Tôi may mắn được tiếp xúc với một số cán bộ công chức của Cục DTNN khu vực Đà Nẵng và nghe họ chia sẻ về anh, bắt gặp trong những cảm xúc ấy là hình ảnh một người Cục trưởng, bí thư Đảng ủy tận tụy, tâm huyết với nghề. Trong công việc, anh rất nghiêm khắc, kỷ cương nhưng rất dân chủ và đặc biệt rất quan tâm đến anh em CBCC trong toàn đơn vị.

Khi nghe tôi nhắc đến câu nhận xét này, anh Nguyễn Như Hiền cười nhẹ nhõm: “Không thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở thì không thể thắng lợi được. Chúng tôi muốn quán triệt đến anh em nhận thức được chỉ tiêu kế hoạch, các nguồn lực, cơ chế chính sách, các biện pháp thực hiện chỉ đạo điều hành, kiểm tra đánh giá thông qua hội nghị cán bộ công chức thường xuyên, qua hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội...

Qua đó, cán bộ công chức được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và lãnh đạo nắm được tâm tư nguyện vọng ấy dù đúng hay sai để đưa vào quỹ đạo uốn nắn. Cơ chế chính sách luôn thay đổi nên phải quán triệt hành lang pháp lý cho anh em và phải nghiêm khắc thực hiện hành lang pháp lý. Các hoạt động của ngành dự trữ đều là ngân sách của Nhà nước mà đã là ngân sách thì chính là công sức, tiền của đóng góp của dân nên phải làm đúng theo cơ chế chính sách chứ không thể làm tùy tiện theo nhu cầu của cá nhân. Khi hai vấn đề này chưa tiệm cận được thì phải lấy cơ chế chính sách để giải quyết. Nhưng trên những kỷ cương nghiêm khắc ấy, chúng tôi luôn quan tâm đến đời sống của anh em bằng cách tạo nguồn tiết kiệm trong phạm vi hành lang của mình được phép để chăm lo đời sống cho anh em với thu nhập tăng 1,5 lần sơ với mức lương cơ bản. Đặc biệt là sự động viên về tinh thần, chúng tôi luôn mạnh dạn lấy cái tốt của đồng chí mình làm cơ bản. Công tác thi đua khen thưởng được đơn vị thực hiện thường niên và đột xuất bảo đảm số, chất lượng. Hàng năm danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của tập thể, cá nhân được duy trì về số lượng, nâng cao danh hiệu thi đua và nâng hình thức khen thưởng”.

Sát sao, trăn trở, tìm ra giải pháp, sáng kiến để lãnh đạo, điều hành đơn vị bằng sự toàn tâm, toàn ý như thế nên trong nhiều năm qua Cục trưởng Nguyễn Như Hiền đã xây dựng Cục DTNN khu vực Đà Nẵng trở thành đơn vị xuất sắc về mọi mặt.  Cụ thể, năm năm qua khu vực Đà Nẵng luôn hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu mua, bán, nhập, xuất trong điều kiện không bình thường thời tiết khắc nghiệt, bão lụt, thủ tục cơ chế phức tạp, bảo đảm theo đúng cơ chế quản lý hoạt động dự trữ nhà nước và các văn bản hiện hành của Nhà nước; hoàn thành xuất sắc 100% chỉ tiêu mua- nhập, xuất -bán, xuất cấp không thu tiền hàng dự trữ Nhà nước, chủ động khai thác mọi nguồn lực cân đối lao động, kinh phí, cơ sở vật chất, kho hiện có.

Riêng về dự án xây dựng kho dự trữ Hòa Khương, mặc dù thời gian xây dựng dự án kéo dài và có nhiều khó khăn nhưng bằng nhiều biện pháp, giải pháp, anh Nguyễn Như Hiền cùng Ban lãnh đạo Cục không chỉ lựa chọn được nhà thầu, làm lợi cho ngân sách trên 13 tỷ đồng mà đây còn là một trong số 4 dự án mà ngành DTQG triển khai hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy công năng của các hạng mục công trình sớm nhất được Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN đánh giá cao.

Những tưởng cả cuộc đời gắn bó với phấn trắng bảng đen nhưng ai ngờ thầy giáo Nguyễn Như Hiền thuở nào, giờ đây đã có hơn 20 năm gắn bó với ngành DTQG với vị trí Cục trưởng Cục DTNN khu vực Đà Nẵng. Sự gắn bó này được bắt đầu từ lúc tuổi anh đương vào độ chín, giờ đây mái tóc anh đã pha sương, với bao nỗ lực cống hiến anh Nguyễn Như Hiền đã đóng góp tích cực vào những chặng đường đi đến thành công trong 35 năm hình thành và phát triển của Cục DTNN khu vực Đà Nẵng hôm nay. Và Cục trưởng Nguyễn Như Hiền đã từng chia sẻ: “Trong những gì đã được ghi nhận như Bằng khen và phần thưởng cao quý như Huân chương Lao động Hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng, của UBND Tp Đà Nẵng, danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn ngành tài chính……thì niềm hạnh phúc lớn nhất mà tôi có được là mối duyên đặc biệt được hiến dâng cho mục tiêu DTQG. Có thể nói rằng, tấm Huân chương cao hơn tất cả là được vun đắp cho niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ thông qua hoạt động của DTQG”.