Người lao động "nín thở" chờ thưởng Tết Nguyên đán 2024
Trong bối cảnh Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa thì câu chuyện “thưởng Tết” tiếp tục trở thành đề tài được rất nhiều người quan tâm. Vấn đề này càng khiến người lao động thêm phần băn khoăn khi mà năm 2023 được đánh giá là khó khăn và đầy biến động.
Nhiều người lao động đã bày tỏ lo ngại về việc thưởng Tết năm nay thấp hơn năm ngoái trong khi nhiều gánh nặng phải lo lắng hơn. Cá biệt có nhiều doanh nghiệp vẫn còn tình trạng nợ/giữ/chưa thanh toán đủ lương trong năm cho nhân viên vì tình trạng khó khăn càng khiến nỗi lo về một mùa Tết “buồn” bao phủ một bộ phận không nhỏ người lao động.
Âu lo trước thềm Tết
Chị Lê Thị Tâm (38 tuổi) cho biết, mình đến từ Tuyên Quang nhưng sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh đã được 10 năm. Xa quê, nhớ nhung gia đình, chị Tâm có ý định trở về quê hương để ăn Tết Nguyên đán Giáp Thìn từ đầu năm nay. Tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại, tình hình kinh tế khó khăn cùng với việc chưa được công ty chủ quản thanh toán đủ tiền lương trong năm 2023 càng khiến cho những dự định của chị đến gần hơn với việc phải tạm hoãn lại.
“Tôi xa quê hương, xa gia đình cũng đã chục năm nay mà vì công việc bận bịu nên chưa thể trở về thăm nom bố mẹ, anh chị em, họ hàng được. Hồi đầu năm dự định cố gắng làm việc để Tết 2024 được trở về mà đến giờ thì…khó quá.” - Chị Tâm bùi ngùi.
Theo chị, việc có được trở về quê ăn Tết Nguyên đán 2024 hay không thì còn phụ thuộc vào tình hình tài chính cuối năm như thế nào. Nếu được thanh toán phần lương còn đang thiếu cũng như có một phần thưởng Tết “kha khá” thì chị mới có thể yên tâm hồi hương. Chị cũng bộc bạch nỗi lòng rằng chị muốn chuẩn bị quà cáp đẹp đẽ, tươm tất để báo công với tổ tiên, báo hiếu với cha mẹ.
Trong bối cảnh kinh tế mới phục hồi sau đại dịch COVID - 19, quan sát cho thấy nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Thậm chí phải giãn việc, ngừng việc, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của người lao động hàng tháng cũng như cuối năm.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh... đã công bố lương, thưởng Tết 2024 sớm. Đây là các tỉnh, thành có đông công nhân làm việc, nên các doanh nghiệp đều cố gắng chủ động có kế hoạch Tết để người lao động yên tâm. Bên cạnh thưởng Tết, các doanh nghiệp cũng tăng cường các hoạt động chăm lo để giữ chân người lao động trở lại làm việc sau Tết.
Công ty TKG Taekwang Vina là doanh nghiệp chuyên gia công giày tại Đồng Nai với khoảng 31.000 nhân công vừa qua cũng đã công bố thưởng Tết sớm. Theo đó, TKG Taekwang Vina thưởng Tết Dương lịch 2024 cho tất cả lao động vào công ty trước ngày 28/12 mức 100.000 đồng/người.
Về thưởng Tết Nguyên đán 2024, mức cao nhất là người lao động làm việc trước ngày 15/1 năm nay sẽ được thưởng 150% mức lương cơ bản 2024 và bình quân phụ cấp nặng nhọc, độc hại của năm 2023. Còn mức thấp nhất là 500.000 đồng (lao động làm việc từ 15/12 đến 14/1/2024).
Theo đại diện của phía TKG Taekwang Vina, năm 2023 là một năm đầy khó khăn và thách thức khi công ty bị thiếu hụt đơn hàng. Tuy nhiên, ban giám đốc vẫn cố gắng để duy trì mức thưởng Tết của người lao động năm nay bằng với mức năm ngoái. Ngoài ra, công ty cũng hỗ trợ để nhân viên bằng cách hỗ trợ cả 2 chiều vé xe cho công nhân về quê đón Tết với số lượng không hạn chế. Mức hỗ trợ tiền vé là 50% vé lượt về và 30% vé lượt đi.
Song song với đó, TKG Taekwang Vina cũng nhất trí tăng lương cho người lao động lên 100.000 đồng/người vào lương cơ bản bắt đầu từ tháng 1/2024. Đây vừa là động thái chia sẻ khó khăn với người lao động cũng như là bài toán giúp giữ chân nhân công cho doanh nghiệp sau Tết.
TS. Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội – Bộ LĐTB&XH cho rằng, đến tháng 12, GDP chưa đạt được tiêu chí Quốc hội đưa ra (6 – 6,5%) vì còn phụ thuộc rất lớn vào tăng trưởng kinh tế. Đối với doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh có xu hướng tích cực hơn năm trước nhưng còn khó khăn bởi kinh tế thế giới tăng trưởng kém. Điều này dẫn đến có những doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Việt Nam bị giảm đơn hàng hoặc không có đơn hàng. Trong tình hình kinh tế thế giới và trong nước có khó khăn, các doanh nghiệp cố gắng lắm thì mức thưởng Tết năm 2024 bằng năm 2023, từ 6 – 6,5 triệu đồng/người.
Khó dự báo mức thưởng Tết Nguyên đán 2024
Nhìn nhận về mức thưởng Tết năm nay, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá rằng tình hình kinh tế xã hội những tháng cuối năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã ổn định được cơ cấu, đảm bảo việc làm, phúc lợi cho người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp khó khăn, thiếu đơn đặt hàng và suy giảm sức chống chịu do chịu tác động ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. "Tình hình thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sẽ khó tránh khỏi những khó khăn", ông Hiểu dự báo.
Được biết, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản yêu cầu Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố báo cáo về tình hình tiền lương, tiền thưởng Tết và quan hệ lao động trong doanh nghiệp. Theo đó, Bộ LĐTB&XH đề nghị Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo triển khai hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn phối hợp, trao đổi với tổ chức công đoàn cơ sở rà soát lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, quy chế thưởng để thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng và các chế độ, chính sách khác đối với người lao động theo quy định, nội dung đã thỏa thuận.
Trong khi đó, ông Tống Văn Lai, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐTB&XH) cho biết, mức thưởng Tết Nguyên đán 2024 vẫn rất khó để dự báo trước. Theo ông Tống Văn Lai, nếu như tình hình kinh tế xã hội những tháng cuối năm 2023 được cải thiện thì có thể hy vọng vào mức đãi ngộ tốt hơn của doanh nghiệp đối với người lao động trong dịp lễ lớn này.
Liên quan đến vấn đề đảm bảo một mùa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 ấm no cho người dân, Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã ra Chỉ thị số 30/CT-TTg. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, nắm tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn,... để quan tâm, chăm lo, kịp thời có các hỗ trợ phù hợp. Chỉ thị cũng nêu rõ việc các cơ quan có thẩm quyền phải chủ động, tích cực quan tâm tới đời sống người dân với tiêu chí là ai cũng được đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm,...
Ngoài ra, cần thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; chủ động xây dựng các giải pháp phòng ngừa, xử lý tranh chấp lao động có thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán.
Trước đó, trong kế hoạch chăm lo Tết 2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã giao công đoàn cơ sở giám sát việc chi trả các chế độ lương, thưởng Tết cũng như thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tăng ca hợp lý cho người lao động. Theo kiến nghị của đơn vị này, doanh nghiệp cần công khai kế hoạch thưởng Tết chậm nhất trước ngày 19/1/2024.
Theo thông báo của Bộ LĐTB&XH, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ tết Âm lịch năm 2024 từ thứ Năm ngày 8/2/2024 Dương lịch (tức ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão) đến hết thứ Tư ngày 14/2/2024 Dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Đợt nghỉ này bao gồm 5 ngày nghỉ tết Âm lịch và 2 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động.