Kế hoạch kinh tế của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ:

Người nghèo bị lãng quên?

Theo daibieunhandan.vn

Hai ứng cử viên vượt trội trên đường đua vào Nhà Trắng, Hillary Clinton và Donald Trump, đều đã lần lượt công bố kế hoạch kinh tế - nội dung được cử tri quan tâm nhất khi bỏ phiếu vào tháng 11 tới. Mặc dù hai kế hoạch được đánh giá đối lập nhau về chính sách, song lại có điểm chung là đều vắng bóng những đề xuất nhằm giúp đỡ hàng triệu người nghèo ở Mỹ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Đói nghèo bị lảng tránh

Mỹ là quốc gia giàu nhất thế giới, nhưng vẫn không tránh khỏi một bộ phận dân chúng phải sống trong tình trạng nghèo đói như ở bất kỳ quốc gia phát triển nào.

Theo con số chính thức do Cục Điều tra dân số Mỹ công bố, năm 2014, tỷ lệ nghèo chiếm 14,8% tổng dân số Mỹ, tức 46,7 triệu người sống trong nghèo đói. Tháng 6.2016, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, Mỹ đang đối mặt với tỷ lệ nghèo đói cao và Chính phủ cần nhanh chóng giải quyết vấn đề này.

Tuy nhiên, cử tri Mỹ có thể sẽ không biết đến điều đó nếu chỉ nhìn vào kế hoạch kinh tế của các ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Trong kế hoạch được công bố tại Warren, tiểu bang Michigan ngày 11.8 vừa qua, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chỉ tập trung vào những biện pháp cải thiện đời sống cho tầng lớp trung lưu, nhóm đối tượng mà bà cho là đang “giậm chân tại chỗ”.

Trong khi đó, nữ ứng cử viên Tổng thống này không trình bày nhiều những biện pháp có thể giúp đỡ gần 47 triệu người Mỹ khác đang mong vươn tới tầng lớp trung lưu.

Trước đó, đối thủ của bà, ông Trump, đã trình bày các đề xuất kinh tế tại Detroit, tiểu bang Michigan ngày 8.8 vừa qua, với cam kết sẽ cắt giảm triệt để thuế - được cho là có lợi nhiều hơn cho giới người giàu.

Mặc dù hai bản kế hoạch kinh tế được đánh giá là tương phản nhau về chi tiết và trọng tâm, song có điểm chung là đều hứa hẹn sẽ giúp người dân Mỹ tìm được việc làm, nhưng không ai bàn luận về cách hỗ trợ người dân khi họ thất nghiệp.

Giáo sư xã hội học thuộc Đại học Harvard Matthew Desmond cho rằng: “Trong các cuộc tranh luận Tổng thống hiện giờ, chúng ta không có cuộc trao đổi nghiêm túc nào về thực tế rằng chúng ta là nền dân chủ giàu có nhất thế giới, nhưng lại đối mặt với tình trạng đói nghèo nhất. Vấn đề này nên được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự”.

Cần chính sách việc làm và nhà ở cho người nghèo

Trên thực tế, các nhà hoạch định chính sách ở Washington chưa bao giờ lãng quên tầng lớp thấp nhất trong xã hội Mỹ này. Tổng thống đương nhiệm Barack Obama và Chủ tịch Hạ viện Paul D.Ryan đều chủ trương mở rộng chính sách tín dụng thuế đặc biệt dành người có thu nhập thấp (Earned Income Tax Credit - EITC); hay nỗ lực cải cách hệ thống tư pháp hình sự, đang chịu gánh nặng bởi tội phạm xuất thân từ cuộc sống kinh tế khó khăn.

Trong các đề xuất chính sách mà bà Clinton đưa ra, mặc dù về mặt ngôn từ hướng tới tầng lớp trung lưu, song có thể tạo hiệu ứng rộng hơn. Trong kế hoạch của mình, bà Clinton hứa sẽ mang lại một nền kinh tế có lợi cho tất cả mọi người, không chỉ riêng người giàu; kêu gọi nâng mức lương tối thiểu liên bang lên 12 USD/giờ, từ mức 7,25 USD/giờ - chính sách sẽ có lợi trực tiếp với rất nhiều người lao động có thu nhập thấp.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ còn đề xuất mở rộng chính sách trợ cấp liên bang sang các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, chăm sóc trẻ em và giáo dục – đều là những giải pháp cần thiết nhằm hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên, Giáo sư Desmond cho rằng, những đề xuất này chưa đủ, bởi người nghèo đối mặt với hàng loạt trở ngại khác để ổn định kinh tế.

Theo giáo sư Desmond, một trong những khó khăn mà người có thu nhập thấp gặp phải là nhà cho thuê giá rẻ ngày càng hiếm hoi. Theo Liên đoàn Nhà ở cho người thu nhập thấp quốc gia, không một bang nào ở Mỹ, nơi người lao động làm việc toàn thời gian với mức lương tối thiểu, có khả năng thuê một căn hộ một phòng ngủ với giá thị trường chiếm tới 30% thu nhập của họ. Chi phí cho nhà ở cao khiến người nghèo buộc phải chọn lựa giữa những nhu cầu cơ bản, và đôi khi phải từ bỏ những thứ thiết yếu như bữa ăn hay thuốc men.

Tuy nhiên, không ứng cử viên nào đề cập đến chính sách nhà ở trong các đề xuất kinh tế của mình. Cho đến gần đây, chính sách nhà ở vẫn được xem là một trong những cam kết vận động tranh cử căn bản của các ứng cử viên Tổng thống thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Trong những năm 90, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đưa ra Chiến lược Sở hữu nhà quốc gia, nhằm nới lỏng các tiêu chuẩn cho thuê nhà, giúp người dân có thu nhập thấp dễ mua nhà hơn. Trong đầu nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên năm 2010, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã đặt mục tiêu tăng số người thuộc nhóm thiểu số sở hữu nhà lên 5,5 triệu người, cùng với các biện pháp khuyến khích xây nhà giá rẻ và nhà ở cho thuê.

Giới phân tích còn cho hay, những đề xuất nhằm tạo thêm nhiều việc làm mà bà Clinton và ông Trump đưa ra hầu hết tập trung ở khu vực sản xuất, vốn tuyển dụng chưa đến 10% lực lượng lao động. Đơn cử, kế hoạch kinh tế mà ứng cử viên Tổng thống Clinton công bố chủ yếu giúp tạo ra việc làm trong các lĩnh vực sản xuất ô tô và chế tạo máy bay, những lĩnh vực mà Mỹ có khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Về phần mình, tỷ phú Donald Trump hứa tạo việc làm mới cho thợ mỏ và công nhân luyện thép. Không ứng cử viên nào dành thời gian để nói về tình hình lao động trong khu vực dịch vụ, nơi phần lớn người lao động có thu nhập thấp. Theo con số thống kê năm ngoái, Mỹ có 64.000 công nhân luyện thép, trong khi có tới 820.000 người làm trong lĩnh vực dịch vụ y tế gia đình.