Người nước ngoài quan tâm bất động sản nhà xưởng của Việt Nam

Theo Gia Thắng/doanhnhansaigon.vn

Theo thông tin từ Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), người nước ngoài đang có nhu cầu lớn về nhà ở, nhà cho thuê hạng sang, nhất là tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng. Cùng với đó, nhu cầu cũng tăng đối với bất động sản văn phòng và nhà xưởng.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, bất động sản nghỉ dưỡng đã không có được sự tăng trưởng tốt như trong những năm 2016 - 2017.

Tại các khu nhà ở cao cấp có mức giá phù hợp, nhiều người nước ngoài đang tranh mua, thậm chí nhiều trường hợp mua rồi sang tay, chuyển nhượng giữa khách hàng nước ngoài với nhau để kiếm lời. Mức giá chào bán phân khúc bất động sản hạng sang cũng tăng mạnh.

Bên cạnh nhà ở cao cấp thì giá thuê văn phòng đã tăng 5 - 7% ở hầu hết các phân khúc và tỷ lệ lấp đầy cũng tăng cao. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đã đặt hàng thông qua các nhà môi giới để tìm quỹ đất xây dựng văn phòng làm việc hoặc xây dựng văn phòng cho thuê ở các khu vực trung tâm, quận 2, quận 7 (TP. Hồ Chí Minh).

VARs đã ghi nhận việc doanh nghiệp nước ngoài tăng cường tìm kiếm nhà xưởng, kho bãi và giá thuê nhà xưởng sản xuất trong các khu công nghiệp đã tăng 3 - 4%. Theo đó là nhu cầu rất cao về nhà ở bình dân cho công nhân, người lao động thuê gần các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai.

Ở chiều ngược lại, thị trường căn hộ nghỉ dưỡng (condotel) khá ảm đạm, từ đầu năm đến nay rất ít sản phẩm mới được chào bán trong khi sản phẩm tồn đọng trong những năm trước tiêu thụ khá khó khăn.

TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dòng vốn vào bất động sản sẽ được điều chỉnh "thận trọng".

Theo ông Thành, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cùng với khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) còn để ngỏ khả năng tăng lãi suất khiến nhà đầu tư chọn hướng an toàn là thu tiền về nước Mỹ. Bên cạnh đó giới đầu tư còn có lựa chọn an toàn cho đồng tiền là trú ẩn vào vàng và bất động sản tại Mỹ.

"Với các nước được xem là lựa chọn xây dựng nhà máy sản xuất thay thế cho Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại, mảng bất động sản hỗ trợ kinh doanh có nhiều cơ hội hơn cả, đó là khu công nghiệp, logistic... Khả năng các nước như Việt Nam cũng có thể được nâng trần vay vốn ODA", ông Thành nhận định.

Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo, việc hưởng lợi đó chưa thật rõ ràng, và nếu có cũng không phải là quá lớn. Trong bối cảnh thế giới phức tạp như hiện tại, năm nay và năm sau, dòng vốn vào bất động sản sẽ được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh theo hướng thận trọng, không siết thì cũng không được thoải mái, mà sẽ chặt chẽ hơn.