Nguồn bất động sản năm 2022 từ các dự án chính thống vẫn gặp khó

Theo Bùi Hằng (T/h)/kinhtemoitruong.vn

Về xu hướng thị trường năm 2022, đại diện Hội Môi giới Bất động sản (BĐS) Việt Nam nhận định, thị trường có khả năng được cải thiện nhưng nguồn cung từ các dự án chính thống vẫn sẽ tiếp tục gặp khó.

Nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên cả nước bị ách tắc, không thể triển khai thực hiện. (Ảnh: Lê Tiên)
Nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên cả nước bị ách tắc, không thể triển khai thực hiện. (Ảnh: Lê Tiên)

Thị trường BĐS đang chứng kiến một thực trạng bất cập là thiếu nguồn cung chính thống (nguồn cung từ các dự án đầu tư đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt), trong khi nguồn cung tự phát (từ việc phân lô bán nền của người dân) lại khá dồi dào, Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARs).

Ngay tại Hà Nội, đại diện VARs cho biết, trong năm 2021, thành phố không có dự án BĐS mới nào về đô thị và nhà ở được phê duyệt. Sản phẩm mới được chào bán chủ yếu là các dự án đã được phê duyệt từ giai đoạn trước.

Ngoài các dự án được phê duyệt đúng quy định, thị trường BĐS tại TP. Hà Nội còn xuất hiện nhiều BĐS đất nền trong dân tham gia, tạo nguồn cung cho thị trường, ước đạt hàng ngàn sản phẩm, VARs cho hay.

Tại một số địa phương xuất hiện nhiều sản phẩm đất nền của dân đang chào bán, điển hình như: Ba Vì, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh.

Tại các khu vực đất đai tự phân lô bán nền của dân, hiện tượng rao bán nhiều, có thời điểm “nóng” nhưng giao dịch thực tế ít, chủ yếu là giữa các nhà đầu tư với nhau; lượng giao dịch thực cũng chỉ đạt khoảng 10% - 15% lượng chào bán.

Đại diện VARs qua nghiên cứu thị trường đã nhận định, trong năm 2022 này, xu hướng thị trường nói chung cũng như tại Hà Nội nói riêng có khả năng sẽ được cải thiện nhưng nguồn cung từ các dự án chính thống vẫn tiếp tục gặp khó khăn.

Theo VARs cho hay, trong năm 2022, nguồn cung mới dự kiến sẽ tăng hơn so với năm 2021, tuy nhiên thị trường BĐS sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn bởi các cơ chế, chính sách; Nhất là việc các dự án nhà ở thương mại đang có vướng mắc liên quan đến vấn đề chuyển đổi đất đai đối với các dự án nhà ở thương mại.

Thực tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất vừa qua cũng chưa quy định về việc công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với chủ đầu tư có quyền sử dụng đất 100% là đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.

Mặt khác, tại các thành phố lớn, quỹ đất nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng đang ngày một hạn hẹp, trong khi nhu cầu đầu tư đất nền và nhà ở gắn liền với đất của người dân ngày càng tăng mạnh khiến cho giá nhà đất leo thang.