Ngành Dự trữ Quốc gia: Hậu phương vững chắc của nền kinh tế
(Taichinh) - “Đất nước vừa ca khúc khải hoàn tròn 40 năm. Và trong 40 năm ấy, ngành Dự trữ Quốc gia (DTQG) tiếp tục nhiệm vụ “tích cốc phòng cơ”, với nhiều chủ động, sáng tạo trong sử dụng nguồn lực dự trữ, sẵn sàng trong những tình huống khó khăn, hỗ trợ, ổn định kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; xứng đáng là “hậu phương” vững chắc của nền kinh tế, trước vận hội mới của đất nước”, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Phạm Phan Dũng đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi mới đây với Thời báo Tài chính Việt Nam.
Chủ động sử dụng nguồn lực
Gần 59 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, ngành DTQG ngày càng khẳng định vị thế, vai trò đối với ổn định kinh tế - xã hội của đất nước; có nhiều đóng góp quý báu vào sự nghiệp kháng chiến giành độc lập dân tộc, kiến thiết, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong chiến tranh kháng chiến chống Mỹ cứu nước, DTQG đã xuất hàng trăm ngàn tấn lương thực, hàng ngàn xe máy các loại và nhiều thiết bị, vật tư phục vụ cho nhu cầu của chiến trường và đời sống nhân dân. Trong cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc, DTQG cũng đã xuất hàng vạn tấn lương thực và hàng trăm chiếc ôtô các loại để phục vụ chiến đấu.
Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, DTQG trở thành “hậu phương” vững chắc của nền kinh tế. Trước những nhu cầu mới, nguồn lực DTQG không chỉ dừng ở việc cứu trợ cứu nạn, mà còn được ngành chủ động tiếp cận các chính sách, mục tiêu quốc gia, nhu cầu các địa phương được thể hiện qua các công việc cụ thể như hỗ trợ gạo DTQG cho dự án trồng rừng; cho học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ máy bơm chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; giao xuồng cao tốc DT4 cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam…
Với dự án trồng rừng, các cục DTNN khu vực đã tổ chức xuất kho, vận chuyển hàng nghìn tấn gạo về với bà con đồng bào các dân tộc thiểu số nhận khoán, khoanh nuôi bảo vệ và phát triển rừng ở tỉnh Hà Giang, huyện Mường Lát của tỉnh Thanh Hóa, huyện Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang. Hạt gạo dự trữ đem mang lại sự “thay da đổi thịt” những vùng đất này, với màu xanh mướt của rừng. Đời sống người dân khấm khá lên.
Đặc biệt, hơn 400.000 học sinh ở những vùng đặc biệt khó khăn của 48 tỉnh được nhận gạo hỗ trợ (theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ), để đến trường, trong hai năm học 2013- 2014 và 2014- 2015, đã làm nức lòng người dân. Thực ra, tiếp nhận và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này đối với ngành DTQG cũng chẳng hề đơn giản khi ngành phải đứng trước nhiều luồng dư luận về: liệu chính sách có chồng chéo, liệu thời gian xuất cấp có đảm bảo? Thế nhưng, với tinh thần trách nhiệm, lòng tâm huyết cùng sự quyết tâm của toàn ngành, nhiệm vụ này đã được các cán bộ DTQG thực hiện tốt với những chuyến hàng luôn đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và kịp thời, động viên các cháu học sinh đến trường học tập, góp phần vào sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Những ngày đầu năm học hay những ngày áp Tết, từng đoàn xe chở gạo của Chính phủ lại bận rộn leo đèo, vươt suối, băng rừng để kịp đựa gạo về với học sinh. Mặc những ngày giá rét căm căm, mặc những lưng áo các cán bộ DTQG vẫn thấm đẫm mồ hôi, nhưng tôi chỉ thấy niềm hạnh phúc luôn ánh lên trên gương mặt của họ đang say sưa đưa gạo tận tay cho các em học sinh. Còn các em học sinh thì không có gì vui hơn niềm vui này. Theo suốt trong ký ức của tôi sau mỗi chuyến đưa gạo DTQG về với các em ở tận vùng rừng núi Tây Bắc hay Tây Nguyên xa xôi đều là những ánh mắt biết ơn, những câu nói như tràn đầy khát vọng của các em như: “Từ ngày có gạo của Đảng, Chính phủ cái bụng của em luôn ấm khi đến trường. Em sẽ cố gắng học tốt để mai này xây dựng bản làng”.
Đặc biệt, nguồn lực DTQG còn tham gia tích cực bảo vệ biển đảo và bảo vệ an ninh Tổ quốc. Năm 2014, các Cục DTNN khu vực Bình Trị Thiên, Đà Nẵng và Tây Nam Bộ đã tiến hành bàn giao xuồng cao tốc DT4 cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Và ngay sau đó tại Cục DTNN khu vực Vĩnh Phú, Tổng cục DTNN đã bàn giao 200 bộ máy bơm chữa cháy từ hàng DTQG cho Cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an)...
Tích cốc phòng cơ
Ngày 1/7/2013, Luật DTQG chính thức có hiệu lực thi hành đã quy định nguồn lực DTQG được sử dụng để đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh. Đây chính là bước ngoặt quan trọng của ngành khi bước sang tuổi 58 đã được khẳng định hơn nữa vị trí, vai trò hậu phương của DTQG trong đời sống xã hội.
Theo số liệu thống kê, tính đến đầu năm 2013 giá trị hàng DTQG trong toàn ngành đã tăng gấp 3 lần so với năm 2008. Đặc biệt, đối với hàng DTQG do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý, chỉ tính riêng mặt hàng lương thực dự trữ trong kho đã tăng từ 310.000 tấn quy thóc (đầu năm 2009) lên 536.000 tấn quy thóc (đầu năm 2013) ddattj yêu cầu mà chiến lược phát triển DTQG đã đề ra. Đây là những “cột mốc” chưa từng có trong lịch sử ngành.
Để xứng đáng hơn nữa với vai trò là hậu phương vững chắc của thời bình, Tổng cục DTNN đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp để thực hiện cho được Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020. Để từng bước thực hiện chiến lược này, Tổng cục DTNN đang tiếp tục rà soát cơ cấu danh mục mặt hàng dự trữ, đảm bảo thực hiện mục tiêu của DTQG, đáp ứng được nhu cầu trong tình hình mới.
Đồng thời, ngành tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Quốc hội bố trí nguồn lực ngân sách tăng cường tiềm lực DTQG, đảm bảo tổng mức DTQG được tăng dần hàng năm, đến năm 2015 tổng mức dự trữ quốc gia đạt khoảng 0,8% đến 1% GDP, đến năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP. Bên cạnh đó, Tổng cục tiếp tục triển khai và hoàn thành việc rà soát, bố trí hệ thống kho DTQG theo quy hoạch chi tiết đến năm 2020. Công việc này thực hiện theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và theo Quyết định số 403/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính để từng bước xây dựng hệ thống kho đồng bộ, hiện đại, được bố trí theo các vùng tuyến chiến lược, có quy mô lớn, đủ điều kiện để triển khai các giải pháp công nghệ bảo quản tiên tiến, đáp ứng các yêu cầu tại chỗ khi xảy ra thiên tai, biến cố.
“Trong thời gian tới, Tổng cục DTNN sẽ tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện hiện tốt mục tiêu và nhiệm vụ về DTQG, đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để tiếp cận, nắm bắt các cơ chế chính sách mới để tham mưu, đề xuất với Chính phủ việc sử dụng có hiệu quả nguồn lực DTQG ( kho tàng, hàng hóa, nhân lực…) phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia và an sinh xã hội. Ngoài các chương trình mục tiệu dự án đã và đang triển khai thì các đơn vị cần tiếp tục tìm hướng đi mới cho việc sử dụng nguồn lực DTQG hỗ trợ cho ngư dân vùng ven biển để phát huy lợi thế hơn 3000km bờ biển, với hàng ngàn đảo lớn, nhỏ; góp phần bảo đảm ổn định cuộc sống cho ngư dân yên tâm bám biển, phát triển kinh tế, bảo vệ vững chắc an ninh của biển đảo thân yêu Tổ quốc Việt Nam”- TS. Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN nhấn mạnh.
Kể từ ngày đầu được thành lập, ngày 7/8/1956 đến nay, ngành DTQG đã bước sang tuổi 59 dựng xây và phát triển. Ở bất kỳ hoàn cảnh lịch sử nào DTQG vẫn làm tốt nhiệm vụ “tích cốc phòng cơ” để luôn là hậu phương vững chắc của nền kinh tế. Nhất là, giữa thời bình, vai trò này càng được ngành dự trữ quốc gia thể hiện rõ nét, xứng đáng với niềm tin, sự tín nhiệm của Đảng và Nhà nước, được nhân dân cả nước tin yêu.